25/12/2024

Vạch chiến lược cho công nghiệp chế biến

Vạch chiến lược cho công nghiệp chế biến

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sẽ có một chỉ thị nêu những định hướng, chiến lược lớn cho phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hoá trong nông nghiệp…

 

Vạch chiến lược cho công nghiệp chế biến - Ảnh 1.

Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương với chủ đề “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp” sáng 21-2

Trong đó trọng tâm là hỗ trợ nguồn vốn, tín dụng với lãi suất thấp, đầu tư khoa học công nghệ, phát triển thị trường…

Thông tin được Thủ tướng cho biết khi chủ trì Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương với chủ đề “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp” sáng 21-2.

Đây được xem là một hội nghị quan trọng vì liên quan đến khoảng 65% dân số sống ở nông thôn và góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép hiện nay là vừa chống dịch COVID-19 vừa phát triển sản xuất kinh doanh.

Xuất khẩu tỉ đô, nhưng chỉ chế biến 5-10%

Thủ tướng cho rằng sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp nước ta có tiến bộ đáng mừng, từ một nước thiếu ăn trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng tỉ USD.

Đặc biệt, nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng lớn, phấn đấu vào top 10 nền nông nghiệp thế giới. Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ ra rằng ngành nông nghiệp còn lãng phí, thất thoát lớn trong khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản và năng suất chất lượng thấp, cơ giới hóa còn thấp, thậm chí thấp hơn cả Thái Lan.

Từ thực tế các lĩnh vực ngành hàng, ông Nguyễn Hoài Nam – phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – nhìn nhận nút thắt lớn của ngành thủy sản là thiếu nguyên liệu cho chế biến. Đặc biệt khi đáp ứng yêu cầu cho đơn hàng lớn, giá nguyên liệu của Việt Nam thường tăng cao hơn từ 15-20% so với nhiều nước trong khu vực.

Ông Nam đề nghị cần có chính sách tích tụ đất đai tạo tiền đề cho các trang trại lớn, tạo ra ngành sản xuất hàng hóa lớn. Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách tín dụng cởi mở hơn với ngành nông nghiệp; xem xét lại các dự án nông nghiệp đã giao.

Với những dự án không hiệu quả, bỏ hoang thì cần thu hồi để xây dựng dự án mới. Cần quan tâm khuyến khích sản xuất trang trại, quy mô nguồn nguyên liệu chế biến; mở rộng năng lực chế biến đón sóng đầu tư từ Trung Quốc về Việt Nam để tận dụng hiệu quả hơn.

Từ một ngành gia công, làm thuê cho nước ngoài, ông Ngô Sỹ Hoài – chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam – cho biết đến nay ngành gỗ đã xây dựng mẫu mã, thương hiệu, phát triển thương hiệu riêng.

Tuy nhiên, ngành cũng gặp khó khăn về phát triển vùng nguyên liệu, khi nhiều địa phương trồng rừng chỉ sau 4-5 năm là thu hoạch, bán rừng non, gỗ non nên chất lượng thấp.

Chưa kể, ngành gỗ cũng thiếu các khu công nghiệp chế biến tập trung vì hầu hết nguyên liệu, nhân công giá rẻ tập trung ở miền Bắc và miền Trung, nhưng hoạt động chế biến gỗ lại ở khu vực Đông Nam Bộ.

Vạch chiến lược cho công nghiệp chế biến - Ảnh 2.

Nguồn: Bộ NN&PTNT – Đồ họa: TẤN ĐẠT

70% máy móc nhập khẩu, giá trị nông sản thấp

Cơ giới hóa nông nghiệp có vai trò quan trọng, song theo ông Đoàn Xuân Hòa – phó chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp, các doanh nghiệp lớn trong công nghiệp gần như không mặn mà với đầu tư nghiên cứu, sản xuất máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến ngành nông nghiệp.

Việc tiếp cận các thiết bị cơ giới hóa, dây chuyền chế biến nông sản còn khó khăn, khi đến nay mới chỉ có khoảng 11.000 tỉ đồng vốn vay phục vụ nông dân mua máy nông nghiệp được giải ngân. Các doanh nghiệp lớn là động lực cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp lại chưa tận dụng được nguồn vốn ưu đãi để đầu tư máy móc, thiết bị.

Ông Đỗ Thắng Hải – thứ trưởng Bộ Công thương – cho biết Việt Nam vẫn phải nhập khẩu gần 70% số máy móc phục vụ nông nghiệp, chủ yếu từ Trung Quốc.

Phần lớn các sản phẩm nông – lâm – thủy sản chế biến được xuất khẩu ở dạng sơ chế thô, nên giá trị nông sản của nước ta thường thấp hơn từ 10-50 USD so với các sản phẩm cùng loại ở những nước khác.

Đánh giá tình hình chung, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông sản giúp nền nông nghiệp thay đổi mạnh mẽ, từ tự cung tự cấp sang xuất khẩu, như chế biến hạt điều, cà phê, tôm, cá tra, sữa… Kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân 8-10% và năm 2019 đạt mức kỷ lục 41,3 tỉ USD.

Tuy nhiên, ông Cường nhìn nhận phần lớn các doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu đảm bảo về số lượng, chất lượng.

Trình độ công nghệ chế biến nhìn chung ở mức độ trung bình (rau, thịt chỉ chế biến được từ 5-10%), chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp, tổn thất sau thu hoạch còn lớn (10-20%), cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn việc đầu tư vào chế biến nông sản…

Vạch chiến lược cho công nghiệp chế biến - Ảnh 3.

Một cơ sở chế biến thanh long ruột đỏ ở Long An – Ảnh: Sơn Lâm

Phải làm giàu được từ nông nghiệp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương và bộ ngành cần lắng nghe, tiếp thu và tháo gỡ, tạo điều kiện cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển.

Sau hội nghị này sẽ có một chỉ thị của Thủ tướng nêu những định hướng lớn, chiến lược phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp, hỗ trợ đầu vào, đầu ra, tính minh bạch tốt hơn, có quỹ phát triển thị trường, đầu tư vào nghiên cứu…

“Nông nghiệp của ta không chỉ đủ ăn mà còn phải làm giàu được, phát triển mạnh mẽ sản phẩm thế mạnh đa dạng ở từng địa phương” – Thủ tướng nói và nhấn mạnh cần phải hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam nằm trong top 10 nền nông nghiệp chế biến.

Đến năm 2030 sẽ cơ giới hóa đồng bộ các ngành hàng chủ lực, nâng cao năng suất và hiệu quả, chất lượng. Phát triển 3 ngành chế biến gồm rau củ quả, thủy hải sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Theo Thủ tướng, các chính sách tập trung là đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp, phát triển cơ khí tập trung các sản phẩm máy kéo, giảm tổn thất sau thu hoạch, tiếp tục giảm giá thành, chi phí logistics; triển khai các chương trình khoa học công nghệ hỗ trợ nông nghiệp và người dân ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp; cân đối nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, cần thiết đưa gói tín dụng cho nông nghiệp, hạ lãi suất; các địa phương chú trọng để thúc đẩy công nghiệp chế biến, phát triển bảo quản sau thu hoạch, cơ giới hóa nông nghiệp, xây dựng thương hiệu quốc gia và quy hoạch vùng nguyên liệu quy mô lớn…

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy:

Cần “nhạc trưởng” dẫn dắt

Chế biến nông – lâm – thủy sản đã có nhiều bước tiến trong những năm gần đây. Tuy nhiên, chế biến rau quả hiện nay còn yếu kém: 85-87% rau củ quả bán dưới dạng thô, gần như các nhà máy chế biến đều không nằm trong vùng nguyên liệu (trừ một số vùng như cà phê, hồ tiêu)…

Ở Việt Nam hầu hết mới chỉ cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch, còn thủy lợi, chế biến, vận chuyển, hạ tầng, công nghệ phụ trợ… chưa đồng bộ nên cơ giới hóa chưa phát triển. Một trong những vướng mắc đó là việc dồn điền đổi thửa chưa đồng bộ, chưa hình thành các cánh đồng lớn, HTX tập trung nên chưa thể cơ giới. Chỉ có khu vực phía Nam là tốt, còn khu vực miền Bắc, miền Trung vẫn còn bình quân 2,5-3 thửa/hộ nên chưa thể cơ giới hóa.

Do đó, thứ nhất là Nhà nước phải tạo điều kiện tích tụ đất đai, trong điều kiện khó khăn thì nông dân phải góp đất để hình thành các HTX, cánh đồng lớn.

Thứ hai, phải có “nhạc trưởng” là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đứng ra dẫn dắt chuỗi giá trị và giải bài toán kinh tế nguyên liệu, chế biến, bảo quản, tiêu thụ.

Thứ ba, phải có nền công nghiệp phụ trợ gắn với nông thôn chứ không chỉ mang máy công nghiệp về giới thiệu và bán, còn dịch vụ, sửa chữa, đào tạo… không có.

Cuối cùng, phải tạo ra năng lực đủ sức ép cho người nông dân thay đổi. Ví dụ như trung tâm thương mại phải ban hành quy trình sản xuất, chất lượng nông sản, toàn bộ hàng hóa vào chợ phải có truy xuất nguồn gốc, sau đó đưa lên trên sàn đấu giá và không được mua dưới giá sàn. Khi đó người nông dân buộc phải liên kết lại.

CHÍ TUỆ ghi

Không để nông nghiệp cứ chờ “giải cứu”

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp lớn phản ánh khó khăn khi đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp.

Ông Trần Bá Dương – chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ôtô Trường Hải – cho rằng đã đến lúc cần cơ cấu lại theo hướng tổ chức sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ phù hợp, chất lượng ổn định và dựa vào phân phối tập trung ở các thị trường.

Ngành nông nghiệp cần tổ chức trên nền tảng hữu cơ, doanh nghiệp lớn sản xuất, kinh doanh cam kết đầu ra thị trường và chuyển giao cho nông dân làm chuỗi liên kết.

che bien hat ddieu - tm 2(read-only)

Chế biến điều tại Công ty Phúc An (Bình Phước) – Ảnh: TRẦN MẠNH

Theo ông Dương, hiện ngành nông nghiệp còn bị vô cơ hóa quá nặng, dẫn tới chất lượng, đời sống sinh học của sản phẩm nông nghiệp thấp. Đơn cử như dưa hấu chở xe chỉ được 10 ngày, nếu sản xuất hữu cơ và có biện pháp bảo quản thì có thể được 25 – 30 ngày. Khi xây dựng ngành sản xuất quy mô lớn, cần phải đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, gắn với phát triển thị trường để đảm bảo đầu ra cho nông sản.

Ông Dương cho rằng chuyện “giải cứu” nông sản vừa qua có những thông tin thái quá khiến người nông dân cũng chạnh lòng, mất nhuệ khí, mất trạng thái tự do để đi vào nền sản xuất kinh tế thị trường. “Tại sao chúng ta làm nông dân mà phải “giải cứu”, nếu làm kinh doanh mà cứ chờ “giải cứu” thì không phải là làm kinh doanh” – ông nhấn mạnh.

Bà Thái Hương – chủ tịch hội đồng chiến lược Tập đoàn TH – cho rằng cần phải có tầm nhìn vĩ đại, thay đổi tư duy về khoa học công nghệ và công nghệ cao. Thực tế năm 2008 nhờ áp dụng chương trình chăm sóc của Đức vào quản trị công nghệ, Tập đoàn TH mới đạt được thành công.

Theo bà Hương, sản xuất phải gắn với thị trường, xây dựng thương hiệu nên cần phải có cơ chế thu hút doanh nhân. Nền sản xuất phải đi theo hướng hữu cơ và VietGAP, đưa ra được bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia phù hợp thông lệ quốc tế.

Trong bối cảnh dịch bệnh nhưng vẫn duy trì lượng xuất khẩu 40% với giá cao sang Mỹ, EU, ông Đinh Cao Khuê – chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) – cho rằng để đầu tư nhà máy chế biến nguyên liệu thì vùng nguyên liệu quyết định sự tồn tại và phát triển.

Do đó, ông đề nghị các tỉnh tạo điều kiện hình thành vùng nguyên liệu, cho liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Ông Khuê đề nghị hoạt động nghiên cứu cơ bản nên giao cho các trường học, các viện nghiên cứu, riêng việc nghiên cứu ứng dụng nên giao cho các doanh nghiệp có tiềm lực về vốn, kỹ thuật.

 

NGỌC AN – CHÍ TUỆ

TTO