SARS, MERS tới giờ cũng chưa có văcxin, 18 tháng nữa liệu COVID-19 sẽ có như WHO nói?
SARS, MERS tới giờ cũng chưa có văcxin, 18 tháng nữa liệu COVID-19 sẽ có như WHO nói?
Báo South China Morning Post ngày 22-2 cho biết đã 17 năm kể từ khi thế giới lần đầu biết đến SARS và 7 năm từ khi xuất hiện MERS nhưng vẫn chưa có văcxin ngừa virus cho 2 dịch bệnh này. Với COVID-19, liệu sẽ khác?
Các viện nghiên cứu và công ty dược trên thế giới đang chạy đua để tìm ra văcxin tiềm năng ngừa virus corona chủng mới đã khiến hiện tại gần 80.000 người nhiễm bệnh và hơn 2.000 người chết.
Việc phát triển văcxin góp phần quan trọng vào việc ngăn ngừa các ca nhiễm COVID-19 trong tương lai.
Tuy nhiên, cần có thời gian để phát triển các loại văcxin này do phải qua các bước thử nghiệm trên động vật cũng như người để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả trước khi đưa vào sử dụng đại trà.
Phát triển văcxin cũng tốn kém. Theo ông Michael Osterholm – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và chính sách tại ĐH Minnesota, tiền để phát triển, cấp giấy phép và sản xuất văcxin ngừa COVID-19 có thể lên đến 1 tỉ USD.
Nhanh hơn dịch SARS, MERS
Virus corona chủng mới lần này bùng phát từ thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc từ tháng 12-2019 và lan rộng ra khắp Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Các nhà khoa học đã cố gắng tìm văcxin sau hai đợt bùng phát virus corona trước đây gây hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).
Đối với dịch SARS năm 2003, các nhà khoa học phải mất 4 tháng để giải mã trình tự gen của virus corona gây dịch bệnh này, sau đó phát triển các kháng nguyên để dùng trong các thử nghiệm nuôi cấy tế bào và trên động vật.
Thử nghiệm lâm sàng trên người đầu tiên của một văcxin SARS tiềm năng được tiến hành tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào tháng 12-2004. Tuy nhiên, vào thời điểm này thì dịch bệnh đã kết thúc và có nhiều bệnh khác cần ưu tiên tìm văcxin hơn nên việc thử nghiệm trên đang tạm gác lại.
Với COVID-19, cả thế giới đã có những bước tiếp cận nhanh chóng với virus corona chủng mới và chạy đua để phát triển văcxin. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng thông báo sẽ có văcxin ngừa COVID-19 trong vòng 18 tháng tới.
Giai đoạn đầu của dịch bệnh, Trung Quốc đã nhanh chóng phân lập virus và công bố trình tự gen cho cộng đồng khoa học vào ngày 10-1, tuyên bố virus có thể lây từ người sang người vào ngày 21-1.
Bắc Kinh cũng sẵn sàng huy động mọi nguồn lực cần thiết cho nghiên cứu khoa học và thành lập một đội đặc nhiệm để phối hợp các nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
“Kể từ khi lực lượng đặc nhiệm được thành lập, phát triển văcxin là ưu tiên hàng đầu và chúng tôi đã tập hợp các đơn vị ưu tú nhất trong nước để phát triển…” – ông Zhang Xinmin, giám đốc Trung tâm Phát triển công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc và trực thuộc Bộ Công nghệ và khoa học, cho biết.
Bên ngoài Trung Quốc, Liên minh Sáng kiến phòng chống dịch bệnh (CEPI), một nhóm do Quỹ Bil & Melinda Gates, cùng Tổ chức Wellcome Trust (Anh) và các tổ chức từ nhiều quốc gia khác cũng đang tài trợ cho các viện y sinh, các công ty dược để tăng tốc phát triển văcxin.
Chưa đầy 2 tháng sau khi xác định được dịch bệnh lần này là do virus corona chủng mới gây ra, một số viện nghiên cứu ở Trung Quốc, Mỹ và châu Âu đã bắt đầu thử nghiệm trên động vật. WHO cho biết tới nay đã có 5 ứng cử viên văcxin đã đạt đến giai đoạn tiền lâm sàng, bao gồm nuôi cấy tế bào và thử nghiệm trên động vật để xem liệu chúng có thể miễn dịch hay không.
Hãng dược Moderna của Mỹ có kế hoạch thử nghiệm văcxin trên người vào tháng 4-2020 trong khi nhóm nghiên cứu tại Imperial College London (Anh) hi vọng có thể thử nghiệm trên người vào hè năm nay.
Trung Quốc ngày 21-2 cũng tuyên bố hướng đến việc tiến hành các thử nghiệm lâm sàng trên người vào giữa hoặc cuối tháng 4.
Báo SCMP cho biết tốc độ phát triển văcxin COVID-19 là chưa từng có. Trước đây, các nhóm nghiên cứu phải mất một vài năm để có thể đạt đến giai đoạn thử nghiệm trên con người.
Trong số 33 văcxin ứng cử cho SARS, chỉ có 2 văcxin đủ điều kiện để thử nghiệm lâm sàng trên người. Đối với MERS, chỉ có 3 trong số 48 văcxin ứng cử có thể thử nghiệm lâm sàng trên người.
Có kịp 18 tháng?
WHO từng nói có thể rút ngắn thời gian phát triển văcxin Ebola nhờ các nỗ lực toàn cầu và khẳng định có thể làm điều tương tự đối với COVID-19. WHO cho biết đang mong chờ các thử nghiệm lâm sàng trên người sẽ bắt đầu khoảng 3-4 tháng nữa.
Tuy nhiên một số nhà khoa học cho rằng thời gian 18 tháng của WHO là quá tham vọng vì phát triển một văcxin là một quá trình phức tạp để kiểm chứng tính an toàn và độ hiệu quả.
“Điều chế văcxin không phải là một quá trình đơn giản. Trước tiên cần có văcxin tiềm năng, rồi thử trên động vật để xem có hiệu quả không” – ông Allen Cheng, giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại ĐH Monash (Úc), cho biết.
“Sau đó cần có thử nghiệm trên người để xem phản ứng của hệ miễn dịch và để xác định liều lượng thích hợp. Sau nữa thì vẫn cần các thử nghiệm thích hợp để xem liệu văcxin có thật sự chống được sự nhiễm bệnh và không có phản ứng phụ hay không” – ông Cheng nói thêm.
Ông Cheng cho biết đó là chưa tính đến thời gian để xin cấp phép từ cơ quan chức năng, sản xuất số lượng lớn, chính phủ mua văcxin và phân phối về các cơ sở y tế. “Tôi cho rằng tất cả việc này phải mất vài năm” – ông Cheng nhận định.
Một số người đã đặt câu hỏi rằng liệu có đáng để rót tiền vào việc phát triển văcxin cho một chủng khác của virus corona hay không sau khi nhìn thấy việc phát triển văcxin ngừa SARS đã bị hoãn lại từ nhiều năm trước.
Theo các nhà khoa học, việc đáng hay không phụ thuộc vào việc virus có xuất hiện trở lại hay không. Nếu dịch bệnh chỉ bùng phát và hoành hành trong năm nay thì câu trả lời sẽ là không đáng. Nhưng nếu COVID-19 tái phát thì câu trả lời sẽ là đáng.