Quốc gia đang phát triển và tác động từ quyết định của Mỹ
Quốc gia đang phát triển và tác động từ quyết định của Mỹ
Việc bị Mỹ đưa ra khỏi danh sách các nước hưởng quy chế quốc gia đang phát triển có thể khiến các nền kinh tế mất đi một số quyền lợi về thương mại.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 10.2 đưa nhiều quốc gia ra khỏi danh sách các nước “đang phát triển” vì cho rằng quy định được cập nhật gần nhất vào năm 1998 “đã lỗi thời”. Quyết định được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump hồi tháng 7.2019 chỉ thị chính quyền cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng các nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tự tuyên bố là “nước đang phát triển” để tận dụng những ưu đãi về thương mại toàn cầu.
Tiêu chí phân loại
WTO không đưa ra định nghĩa “nước phát triển” hay “nước đang phát triển” và các thành viên có quyền tự tuyên bố điều đó. Ngày nay, có gần 2/3 trong tổng số 164 thành viên WTO tuyên bố là “nước đang phát triển”. Tuy nhiên, các thành viên khác có thể phản đối quyết định của những nước tuyên bố là “đang phát triển”.
Trong khi đó, USTR không cân nhắc các yếu tố như tỷ suất tử vong ở trẻ em, tỷ suất mù chữ ở người lớn hay tuổi thọ trung bình để làm cơ sở đánh giá tiến bộ xã hội và định nghĩa nước “phát triển” hay “đang phát triển”. Thay vào đó, USTR đưa ra 3 tiêu chí riêng để nhìn nhận các nền kinh tế thuộc dạng “đang phát triển” gồm: tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người; tỷ trọng của nền kinh tế đó trong tổng kim ngạch thương mại toàn cầu, và liệu nền kinh tế đó có phải là thành viên của nhóm những nước phát triển như Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Liên minh Châu Âu (EU) hoặc G20 hay không.
Trước đây, USTR coi các nền kinh tế là “đang phát triển” nếu chiếm không quá 2% kim ngạch thương mại toàn cầu, nhưng hiện điều chỉnh xuống còn 0,5% và cho rằng con số này là hợp lý. Dựa vào dữ liệu được cập nhật mới nhất từ năm 2018, USTR giải thích rằng có tương đối ít các nước chiếm hơn 0,5% kim ngạch thương mại toàn cầu và những nước đó thường là “các nền kinh tế giàu có nhất”. Do đó, USTR coi các nước có tỷ trọng thương mại toàn cầu từ 0,5% trở lên “là nước phát triển” và Việt Nam bị đưa ra khỏi danh sách “nước đang phát triển” dù có GNI bình quân đầu người dưới mức thu nhập cao là 12.375 USD, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB).
Mặt khác, USTR cho biết quy định năm 1998 của cơ quan này có một danh sách các nước phát triển nhưng theo Đạo luật Thuế quan của Mỹ, quốc hội không bắt buộc USTR phải duy trì danh sách này nên trong quy định mới nhất không còn phần của các nước phát triển nữa.
Tác động thương mại
Việc bị Mỹ loại khỏi danh sách các nước đang phát triển có thể tác động tiêu cực đến ngành thương mại của các nền kinh tế, theo trang Alt News dẫn nhận định của các chuyên gia. Như trường hợp của Ấn Độ, với tư cách là nước đang phát triển, được hưởng ưu đãi về thuế theo Hệ thống ưu đãi tổng quát (GSP) của chính quyền Mỹ.
Tờ The Economic Times dẫn số liệu từ USTR cho thấy Ấn Độ xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 6,3 tỉ USD sang Mỹ theo diện ưu đãi GSP trong năm 2018, chiếm 12,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Tổng số tiền thuế mà Ấn Độ được miễn giảm lên đến 240 triệu USD.
Mặt khác, cải cách mới của chính quyền Mỹ sẽ “cởi trói” cho các cơ quan trong việc điều tra chống trợ giá và khiến các nước xuất khẩu dễ bị trừng phạt. Theo quy định chung của WTO, các nước bắt buộc phải chấm dứt cuộc điều tra chống trợ giá nếu mức trợ giá dưới 1% giá trị ước tính của hàng hóa bị đánh thuế. Tuy nhiên, ngưỡng điều tra đối với các nước đang phát triển là từ 2% trở xuống.
Chính quyền Mỹ lâu nay tìm cách thay đổi quy định về việc tuyên bố các nước hưởng quy chế đang phát triển của WTO và cho rằng Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang lợi dụng điều này để hưởng ưu đãi đáng ra dành cho các nước nghèo hơn. Nhiều nền kinh tế như Brazil, Singapore hay Hàn Quốc đã đồng ý từ bỏ quyền lợi được hưởng nhờ tư cách nền kinh tế “đang phát triển” trong các thỏa thuận thương mại trong tương lai, theo Bloomberg.
Hậu quả nghiêm trọng
Trong bài xã luận đăng trên tờ Saamana sau quyết định của USTR, đảng Shiv Sena của Ấn Độ cảnh báo rằng hành động của Mỹ sẽ là cú đấm mạnh cho mối quan hệ thương mại của Ấn Độ với Mỹ, và New Delhi sẽ đối diện hậu quả nghiêm trọng trong quan hệ thương mại toàn cầu. Bài viết nhấn mạnh rằng Ấn Độ còn lâu mới đủ tiêu chuẩn để được coi là một nước phát triển, xét trên các tiêu chí như y tế, giáo dục, việc làm, môi trường và xóa đói giảm nghèo. Động thái này được đưa ra chỉ 2 tuần trước khi Tổng thống Donald Trump có chuyến thăm Ấn Độ ngày 24.2. “WTO mang lại rất nhiều trợ cấp cho các nước đang phát triển và ông Trump không nhìn thấy điều này. Thay vì mang đến một giỏ kẹo, ông ấy lại mang đến một giỏ mướp đắng”, bài xã luận viết.
VY TRÂN
TNO