26/12/2024

Không kịp giao kinh phí, công nhân đường sắt không có lương, nguy cơ dừng chạy tàu

Không kịp giao kinh phí, công nhân đường sắt không có lương, nguy cơ dừng chạy tàu

Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, không vì 1, 2 vướng mắc mà doanh nghiệp lại chuyển về bộ chủ quản thì đi ngược lại chủ trương lớn lập Uỷ ban Quản lý vốn.
Ông Nguyễn Hoàng Anh (đứng) /// Ảnh Chí Hiếu

Ông Nguyễn Hoàng Anh (đứng)   Ảnh Chí Hiếu
Trước thông tin Thủ tướng giao đánh giá ý kiến của chuyên gia về việc chuyển Tổng Công ty Đường sắt về lại Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, không vì 1, 2 vướng mắc mà doanh nghiệp lại chuyển về bộ thì đi ngược lại chủ trương lớn lập Uỷ ban Quản lý vốn.
Quan điểm trên được ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh tại buổi làm việc giữa Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (gọi tắt là Uỷ ban) với Tổ công tác của Thủ tướng.
Tâm điểm của cuộc họp là câu chuyện về các khó khăn của Tổng Công ty Đường sắt VN (VNR). Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR, cho biết cả vạn công nhân thuộc 20 công ty của VNR đang không có lương, và lo nhất là nếu các gác chắn mà nghỉ việc thì nguy cơ dừng chạy tàu là hoàn toàn có thể.
“Các năm trước, trước ngày 30.12 là chúng tôi đã được Bộ GTVT giao tiền dự toán kinh phí bảo trì để ký hợp đồng với các công ty này. Nhưng nay sắp hết tháng 2 rồi mà vẫn chưa có. 1 gác chắn dừng là buộc phải dừng tàu. Vấn đề cực kỳ cấp bách lắm rồi. Chúng tôi đã báo cáo các cấp, rồi gặp từng đồng chí một để báo cáo thêm nữa”, ông Minh nói, song cũng lưu ý việc chậm trễ này “không phải do Uỷ ban Quản lý vốn” mà do cơ chế, cụ thể là cơ chế thay đổi sau khi doanh nghiệp chuyển từ Bộ GTVT về Uỷ ban.
Ông Minh cho biết, để đảm bảo việc chạy tàu và an toàn, ông đành phải chỉ đạo 20 doanh nghiệp thuộc VNR tiếp tục thực hiện các dịch vụ công ích, dù biết điều này “làm cũng sai mà không làm cũng sai”.
Tương tự, theo ông Minh, trong gói 7.000 tỉ nâng cao kết cấu hạ tầng đường sắt mà Quốc hội đã giao cho ngành Giao thông, Tổng Công ty đã được Bộ GTVT dành cho 2 gói, nhưng là trước khi chuyển về Uỷ ban. “Nhưng do giờ không thuộc Bộ GTVT nên Bộ không giao được nữa. Trong khi chúng tôi quản lý toàn bộ hệ thống hạ tầng. Nếu giao cho người khác thì không khác gì “anh này cầm chai nước cho anh kia uống, sặc là cái chắc. Chưa kể do chậm trễ giao nên giờ chưa khởi công được gói nào, vì vậy cái đích 31.6.2021 chắc chắn không hoàn thành”, ông Minh cho biết thêm.
Dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng, ông Nguyễn Cao Lục, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho hay các kiến nghị, phản ánh của VNR đã nằm trên bàn Chính phủ. “Thủ tướng đã giao VNR trong mọi hoàn cảnh phải bảo đảm chạy tàu thông suốt và an toàn”, ông Lục nói.
Theo ông Lục, điều cần nhất là sớm giao thêm vốn cho VNR. Dù vậy, ông Lục cũng lưu ý các thành viên liên quan cho ý kiến liệu có nên xem lại cơ quan phụ trách VNR. “Liệu có cần quay lại Bộ Giao thông vận tải để đảm bảo hiệu quả trong điều hành? Việc này có thể báo cáo Chính phủ sớm trong tháng 3 không”, ông Lục đặt vấn đề.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công cho hay, Bộ không quan trọng chuyện doanh nghiệp về lại Bộ hay ở Uỷ ban, mà quan trọng nhất lúc này là sớm giao dự toán ngân sách bảo trì cho doanh nghiệp. “Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ. Chúng tôi cũng đã nói mong Quốc hội cho phép Bộ giao cho Tổng Công ty đường sắt”, ông Công nói.
Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Anh cho hay, việc hình thành Uỷ ban là chủ trương lớn của Đảng. “Nếu vì 1, 2 việc vướng mắc mà xin trở về các bộ hết thì đi ngược chủ trương lớn”, ông Hoàng Anh lưu ý, và cho biết thêm trong lịch sử đã có tiền lệ là Chính phủ có nghị quyết đề nghị sửa một số điều của luật, như trường hợp với luật Các tổ chức tín dụng.
“Vậy với đường sắt xem có thể làm tương tự, chứ chờ Quốc hội sửa luật thì phải có ít nhất 2 kỳ họp. Khi đó, những việc của Tổng Công ty Cảng hàng không, VNR thế nào”, ông Hoàng Anh đặt vấn đề.
CHÍ HIẾU
TNO