Bài làm văn ‘quá hay và sáng tạo’ của nữ sinh TP.HCM
Bài làm văn ‘quá hay và sáng tạo’ của nữ sinh TP.HCM
Học sinh Trương Gia Hân (lớp 11 chuyên văn Trường trung học thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM) đã dựng lên cuộc đối thoại về thân phận và tình yêu khi làm kiểm tra văn tại lớp.
Giáo viên ra đề như sau:
Và đây là bài làm của học sinh Trương Gia Hân:
Một chàng trai trẻ bước lên chuyến xe đêm đi từ Sài Gòn về Đà Lạt. Mối tình đầu kéo dài ba năm của anh vừa mới kết thúc. Ở độ tuổi hai mươi chênh vênh và đứt gãy ấy, ai lại không khao khát tình yêu nhưng liệu có mấy ai đủ sáng suốt, can đảm và chín chắn để giữ lấy tình yêu khi sự nghiệp vẫn còn dang dở. Anh ngồi cạnh ô cửa sổ, ngắm nhìn vẻ yên tĩnh lúc ngủ say của thành phố náo nhiệt và khắc nghiệt này. Anh trút tiếng thở dài.
– Sao cậu còn trẻ mà đã thở dài rồi? Một giọng Huế khàn bất chợt vang lên từ người đàn ông ngồi cạnh.
– Tình yêu thật đáng sợ ông ạ. Đó là sự đau khổ của con người trong cuộc đời này. Cậu trai trẻ đáp với một giọng nói nặng nề, có lẽ lòng cậu cũng đang trĩu nặng. Cậu trông đợi sự đồng cảm từ người đàn ông lớn tuổi có vầng trán cao rộng và khá nhiều nếp nhăn ngồi bên cạnh. Trông ông có vẻ từng trải, có lẽ ông sẽ thấu hiểu cậu. Nhưng ông lắc đầu mỉm cười nói:
– Một người từng nói: Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm thế nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời.
Chàng trai hoài nghi hỏi:
– Người đó là Trịnh Công Sơn? Tôi rất ngưỡng mộ ông ấy.
Ông lão gật gù.
Chàng trai trầm ngâm, im lặng hồi lâu. Có lẽ anh đang suy ngẫm về câu nói ấy. Không thể giải đáp những băn khoăn của bản thân, anh bèn cất tiếng hỏi:
– Theo ông thì “thân phận”, “tình yêu” và “cây thập giá đời” ấy nghĩa là gì?
Ông đáp:
– Tôi nghĩ “thân phận” ấy là cuộc đời, là kiếp làm người này của cậu. Cậu sinh ra là ai, cậu sống như thế nào. Chúng ta như những người lữ khách của thân phận, “ở trọ” trần gian. Còn tình yêu thì chẳng ai định nghĩa rõ được nó cả. Cậu có thể hiểu đó là tình cảm, cảm xúc, sự gắn bó, quyến luyến của mình dành cho một người nào đó hoặc một thứ gì đó.
Còn “cây thập giá đời” ở đây cũng như cây thập giá mà Chúa Giêsu vác trong cuộc tử nạn. Đó là những khổ đau, bi kịch hay những khó khăn đã được định sẵn. Nói đơn giản hơn, câu nói ấy có nghĩa là tình yêu là thứ cứu chuộc chúng ta trước những đắng cay bất hạnh khi chúng nhận kiếp làm người này.
Anh nghe thấy vậy liền cảm thấy không đồng ý. Anh hỏi:
– Làm sao tình yêu có thể cứu chuộc con người được chứ? Ông không thấy nó đã dày vò biết bao nhiêu trái tim đấy sao. Đau khổ cũng từ đấy mà ra.
Ông điềm tĩnh nói:
– Dù thế nào cũng đừng phỉ báng tình yêu bởi nghĩ cho cùng vẫn chỉ có tình yêu là nguồn an ủi duy nhất. Kiếp làm người là vô nghĩa. Con người là khổ đau. Chỉ có tình yêu làm vơi bớt khổ đau và đó là nơi trú ẩn cuối cùng. Nếu cậu từng đau đớn vì tình yêu chắc hẳn cậu đã từng hạnh phúc vì nó. Và mai đây tình yêu sẽ lại đến và chính nó sẽ xoa dịu, chữa lành những vết thương lòng đã từng có của cậu.
Trong những phút bế tắc, khó khăn nhất, tình yêu khiến cậu tin vào một tương lai tốt đẹp, tin là bản thân xứng đáng nhận được hạnh phúc, tin rằng thế giới vẫn còn tươi đẹp rực rỡ. Tình cảm thiêng liêng ấy sẽ vực cậu dậy, là một chiếc phao cứu sinh hay là một cánh tay nâng đỡ phần thập giá cậu đang vác.
Ở đây, tôi không nói cụ thể là tình yêu đôi lứa mà là tất cả những tình yêu trên đời. Từ tình cảm gia đình, tình cảm bạn bè hay tình cảm nam nữ tất cả đều giúp cậu sống tràn ngập trong tình yêu thương và con người thì luôn khao khát tình yêu, sự bình yên, an toàn trong tâm hồn. Với tất cả niềm tin và hi vọng mãnh liệt, tình yêu là chốn êm dịu, tuyệt vời nhất mà con người hướng đến. Bởi thế sau cùng chỉ có tình yêu là liều thuốc chữa lành và là ngọn nến hy vọng.
Cậu trai trẻ gật gù:
– Vâng. Có lẽ ông nói đúng. Nhưng liệu có đến một lúc nào đó người ta chán nản và thất vọng, họ sợ hãi tình yêu sau những bi ai của cuộc đời?
Ông đưa mắt nhìn xa xăm rồi nói:
– Tôi vẫn tin là con người luôn khao khát tình yêu. Cuộc sống không thể không có tình yêu. Không có nó thì đời sống không biết sẽ tẻ nhạt đến nhường nào. Có người yêu thì hạnh phúc. Có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù có hạnh phúc hay đau khổ thì con người vẫn muốn yêu. Cậu đã yêu, đã đau khổ vì tình yêu. Nhưng rồi trái tim cậu sẽ lại thổn thức và nồng cháy như chưa từng nếm mùi đau thương.
Tình yêu thật nhiệm màu. Nó có thể nâng bổng con người, lắm lúc nhấn chìm kẻ háo hức. Nhưng dù tình yêu có mang đau đớn cho người đi chinh phục thì chúng ta cũng đừng vì thế mà chối bỏ tình yêu bởi “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Có lẽ cậu đã nghe bài Cát Bụi “bao nhiêu năm làm kiếp con người” rồi thì cũng “cho trăm năm vào chết một ngày”. Ta nhận biết cuộc đời là hữu hạn, cuộc sống này chỉ là tạm tạm bợ, là “ở trọ” mà thôi.
Kiếp này chỉ có một lần sao không dành nó để yêu thương. Sống cho trọn vẹn phần hồn, sống hết mình, sống đến tận độ. Yêu cuộc đời, yêu bản thân, yêu con người, yêu mọi thứ xung quanh. Hãy yêu khi ta còn có thể. Sống vô cảm không yêu thương chẳng khác nào ta tách riêng ta ra ngoài xã hội, sống như một cái xác không hồn. Sau này cũng trở về với cát bụi sao không yêu cho trọn vẹn cảm xúc, tâm hồn của một đời làm người.
Ta đến với cuộc đời này bằng tình yêu. Hãy mang theo nó bồi đắp và làm nó trở nên phong phú đến khi rời đi. Bởi thứ ở lại thế gian này không là danh vọng hay địa vị mà chỉ là tình yêu. Hãy để trái tim cậu rung lên nhịp yêu thương để cảm nhận trọn vẹn cảm xúc của một đời làm người.
Chàng trai trẻ gật gù. Có lẽ cậu thán phục và tin vào lời của ông. Màn đêm càng về khuya. Bóng tối lãnh đạm, tĩnh mịch bao trùm không gian. Thời khắc này con người ta dễ cảm thấy cô đơn và lạnh lẽo nhất cộng với hơi lạnh của mùa đông và cũng đã gần đến Lâm Đồng.
Chàng trai ngồi ngẫm nghĩ, anh bị thuyết phục bởi người đàn ông đeo mắt kính ngồi bên cạnh. Chợt anh vẫn nhớ ra vài câu thơ trong bài Dã Tràng Ca 2 của Trịnh Công Sơn. Anh đọc với vẻ thấm thía và tâm đắc cho ông cụ người bên cạnh nghe.
“Tên tháng ngày viết lên môi cười
Đốt đêm dài nghe ngóng tình yêu
Nghe dã tràng xuống hai vai gầy
Gọi tình yêu, gọi vào tình yêu
Ta ra ngàn lối bắc loa gọi vào tình yêu”.
Anh chia sẻ:
– Tôi rất tâm đắc những câu thơ này. Có lẽ Trịnh Công Sơn cũng nghĩ như ông vậy. Thay vì tỏ thái độ tuyệt vọng, buông xuôi ông cho ta thấy chỉ có tình yêu mới có thể xoa dịu nỗi đau và đó cũng là nơi trú ẩn cuối cùng. Trường ca dã tràng nhuốm màu triết lý về thân phận làm người và kiếp người là khổ đau. Mọi công sức của chúng ta đổ xuống cuối cùng chỉ như “dã tràng khóc cho thân mình” khi “trùng dương đưa sóng vào bờ, đùa lên biển cát hoang vu xóa từng mảnh công dã tràng”.
Thế nhưng ông vẫn “bắc loa gọi vào tình yêu” có lẽ chính tình yêu cho ta sức mạnh, cho ta niềm hy vọng. Tình yêu chữa lành vết thương và an ủi ta. Tình yêu giúp ta tin vào những điều tốt đẹp và nhờ tình yêu ta thấy mình vẫn còn lại chút gì trên đời ngay cả khi sóng xóa hết tất cả. Với trái tim khát khao hạnh phúc, tràn ngập năng lượng tích cực, dã tràng sẽ tiếp tục se cát mặc cho trùng dương kia có đưa sóng vào bờ. Trong khi ta tạm cư ở chốn trần gian này, ta tìm chỗ ẩn náu trong tình yêu.
Ông lão cười nói:
– Đấy! Cậu hiểu ra rồi đấy.
Chợt chiếc radio trên xe đổi sang bài hát kế tiếp. Giọng của nữ ca sĩ Khánh Ly vang lên.
“Trời còn làm mưa mưa rơi mênh mang
Từng gót chân trần em quên em quên…”
Rồi anh lại nghĩ “cái đời sống ta có bao lâu mà hững hờ”, bởi thế phải sống sao cho không mang cái hư hao, không mang cái buồn thấm thía của “Tuổi Buồn”. Bài ca thấm đẫm bi cảm thời gian, hạnh phúc, thân phận con người nhói lên trong lòng ngực nỗi buồn về tuổi trẻ, tuổi xuân, tuổi buồn và cuộc đời.
Cô gái đã quên những ước mơ đẹp đẽ nơi “miền giáo đường, quên những khao khát tình yêu để rồi lại “muộn phiền” và “bạc lòng”. “Mưa rơi mênh mang”, “đoá hoa hồng tàn”, cô gái, tất cả đều mang một nỗi buồn thấm thía và những khoảng trống man mác. Bởi thế, khi còn có thể, hãy sống, hãy yêu thương cho trọn vẹn.
Con người vẫn luôn khao khát tình yêu và dù cho có đau khổ, bi ai, chính tình yêu cũng làm cuộc sống ta muôn màu, phong phú hơn. Những trải nghiệm hỉ, nộ, ái, ố trong cuộc đời khiến cuộc sống của chúng ta thêm phần ý nghĩa. Ta chỉ sống có một lần, có mấy khi được yêu, được thương. Sống cho trọn vẹn, sống đến tận độ để tình yêu cho ta sống trọn vẹn tâm hồn và cảm xúc của phận người.
Chuyến xe cũng đã đến Đà Lạt. Chuyến hành trình xuyên đêm và cuộc gặp gỡ đầy đặc biệt với người đàn ông trông giống Trịnh Công Sơn ấy có lẽ đã gợi ra trong lòng chàng trai trẻ nhiều suy nghĩ. Cũng như bao người anh tìm đến Đà Lạt để xoa dịu nỗi đau, tìm lại bình yên trong tâm hồn mình. Đà Lạt, khí trời se lạnh, những rừng thông lãng mạn, những chiều hoàng hôn buông…
Có lẽ người đàn ông Huế kia cũng vì thế mà gắn bó với nơi này. Anh chào tạm biệt ông và dù chẳng biết ông là ai nhưng anh rất biết ơn ông vì những triết lý mà ông đã chia sẻ. Ông đã khiến anh nhận ra nhiều điều và an ủi tâm hồn anh. Thật vậy giữa cuộc đời và tình yêu, phải yêu sao cho tình yêu ấy trở thành liều thuốc, ngọn nến hi vọng và làm phong phú đời sống phận người.
TRƯƠNG GIA HÂN
Sáng tạo và trải nghiệm sâu sắc
*Thầy Trần Lê Duy – giáo viên ra đề – cho biết với đề này, học sinh làm 90 phút tại lớp. Trước đó, các bạn có một tuần chuẩn bị nhưng khi làm không được dùng tài liệu. “Tôi đánh giá rất cao bài làm văn của Hân. Khi chuẩn bị, em có tìm tôi trợ giúp. Nhưng khi viết, tự em viết ra. Bài viết cho thấy sự sáng tạo và trải nghiệm khá sâu sắc…” – thầy Duy nói.
*Chị Thân Phương Thu – phó tổng biên tập phụ trách tạp chí Văn học và Tuổi Trẻ: “Bài viết rất sáng tạo về hình thức, phong phú về nội dung kiến thức. Để có được những bài văn hay như vậy, một yếu tố quan trọng là phải có những đề văn hay. Đề văn hay, thường là đề mở. Đề mở luôn hấp dẫn người viết, khơi gợi nhiều ý tưởng, cảm xúc, phát huy được sức sáng tạo của học sinh…”.
Chị Phương Thu cho biết bài văn của Gia Hân cũng được chọn đăng trong tạp chí Văn học và Tuổi Trẻ tháng 2-2020. Khi thầy Trần Lê Duy đưa bài viết lên Blog Chuyên văn của thầy, nhiều người bình luận bài văn “quá hay và sáng tạo”, “thực sự xuất sắc”.