24/11/2024

Nghỉ học phòng Covid-19: Coi chừng học sinh ‘giết’ thời gian bằng ti vi, điện thoại…

Nghỉ học phòng Covid-19: Coi chừng học sinh ‘giết’ thời gian bằng ti vi, điện thoại…

Sau đề nghị của Bộ GD-ĐT, đến thời điểm này, 63/63 địa phương trên cả nước tiếp tục cho học sinh (HS) nghỉ học từ 1 đến 2 tuần nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Nếu phụ huynh không chú ý, nhiều trẻ em lợi dụng cơ hội nghỉ dài ngày để xem ti vi, lên mạng... /// Ảnh: Độc Lập
Nếu phụ huynh không chú ý, nhiều trẻ em lợi dụng cơ hội nghỉ dài ngày để xem ti vi, lên mạng… Ảnh: Độc Lập
Nếu tính luôn cả thời gian nghỉ tết, số ngày nghỉ của HS một số địa phương đã lên đến 6 tuần. Trong khi đó, TP.HCM còn kiến nghị Chính phủ cho HS địa phương mình nghỉ học đến hết tháng 3 để phòng dịch.
Cùng lúc đó, Bộ GD-ĐT cho biết dự kiến sẽ kéo thời gian kết thúc năm học sang tháng 6. Với thời gian nghỉ dài như thế, chúng ta không thể coi đây là “kỳ nghỉ tết kéo dài” như suy nghĩ nhiều người được, mà phải xem đây là kỳ nghỉ “đột xuất giữa năm học” chưa có trong tiền lệ, là “kỳ nghỉ hè lần một”. Vì kế hoạch giảng dạy của năm học, thi tuyển sinh lớp 10, thi THPT quốc gia chắc chắn sẽ lùi lại và kỳ nghỉ hè năm nay sẽ rút ngắn lại. Hơn bao giờ hết, vấn đề đặt ra ở đây là thái độ ứng xử của cha mẹ HS như thế nào? Bản thân các em phải làm gì? Và nhà trường, giáo viên phải có trách nhiệm ra sao?
Có thể nói, đa số phụ huynh hiện nay đều rất quan tâm, lo lắng cho sức khỏe của con em. Một dẫn chứng cụ thể là, khi Báo Thanh Niên làm một cuộc khảo sát thì có đến gần 90% số phụ huynh có ý kiến là cho con em mình tiếp tục nghỉ tại nhà để phòng chống dịch. Vì việc nghỉ học là giải pháp nhằm cách ly trẻ để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh giữa trẻ với nhau do có thể trẻ bị nhiễm bệnh từ cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn chủ quan, tìm mọi cách để gửi trẻ.
Chia sẻ với chúng tôi, một phụ huynh khá trẻ có con học mầm non (xin giấu tên) cho biết: “Hai vợ chồng tôi làm công nhân, khi nghe có quyết định cho HS nghỉ học thêm 2 tuần lễ làm chúng tôi rất lo lắng, vì không ai trông coi con. Tuần trước vợ chồng tôi đã xin công ty thay nhau nghỉ để trông cháu ở nhà, nhưng công việc không cho phép chúng tôi được nghỉ thêm nữa. Vì vậy, chúng tôi phải gửi trẻ trực tiếp tại nhà riêng của các bảo mẫu trong trường”.
Nhiều phụ huynh trong “cái khó” (không có ông bà, người thân, người giúp việc) cũng đã “ló” ra “cái khôn” bằng cách thay phiên giữ hộ con cái lẫn nhau. Và như thế, dù trẻ không trực tiếp đến trường, song với một nhóm trẻ 5, 6 bé thì chẳng khác gì một lớp học thu nhỏ. Trong khi đa số các trường hiện nay đều vệ sinh, sát trùng, trang bị các vật dụng phòng dịch cho trẻ, thì các lớp “tự phát” tại nhà như thế là hết sức mạo hiểm sức khỏe của con em mình.
Ngược lại, nhiều phụ huynh bỏ mặc thời gian nghỉ này của con em mình ở nhà. Không kiểm tra, sắp xếp, tạo điều kiện việc tự học cho con em. Tai hại hơn, nhiều cha mẹ “giữ chân” con em mình ở nhà bằng ti vi, điện thoại, máy tính…
Trong khi đó, nhiều giáo viên lúng túng trong việc cho HS tự học tại nhà. Không phải mọi địa phương, trường học, giáo viên và gia đình đều có điều kiện, có cách “kết nối” tốt để các em được học trực tiếp một cách hiệu quả tại nhà. Đa số giáo viên ở các tỉnh “án binh bất động”, chờ hết dịch mới dạy tiếp.
TRẦN NHÂN TRUNG
TNO