26/12/2024

‘Cửa hẹp’ với trái phiếu doanh nghiệp

‘Cửa hẹp’ với trái phiếu doanh nghiệp

Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu tại báo cáo tài chính quý gần nhất, lãi suất trái phiếu cũng không được vượt quá 20%/năm.

 

Cửa hẹp với trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Lãi suất trái phiếu cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà đầu tư cá nhân cần cân nhắc, nhất là khi VN chưa có thị trường trái phiếu thứ cấp. Trong ảnh: giao dịch tại ngân hàng ở TP.HCM – Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

Nếu muốn phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp (DN) phải lựa chọn kênh phát hành ra công chúng với tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn và công khai, minh bạch hơn… Đây là một số nội dung tại dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 163/2018 quy định về phát hành trái phiếu DN, đang được Bộ Tài chính xây dựng.

Tiềm ẩn rủi ro do nhiều “lỗ hổng”

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, trưởng khoa tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng những điều kiện mà Bộ Tài chính đưa ra không hẳn là siết lại thị trường trái phiếu mà là lấp lại lỗ hổng của thị trường này tồn tại thời gian qua. Theo ông Bảo, nền kinh tế VN vốn lệ thuộc vào ngân hàng trong một thời gian dài, dẫn đến một số hệ lụy nhất định.

Và để giảm bớt phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp đã được “bật đèn xanh” để phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn trên thị trường. “Tuy nhiên, trong giai đoạn “chạy thử”, thị trường này đã phát sinh những lỗ hổng nên Bộ Tài chính phải đề ra quy định trên nhằm vá lỗi”, ông Bảo nói.

Trong thực tế, nhiều DN bất động sản đã đua nhau phát hành trái phiếu khi nguồn vốn tín dụng bị siết lại trong đó, nhiều DN phát hành với lãi suất rất cao.

Chẳng hạn, trong năm 2019, Công ty CP đầu tư thương mại Hồng Hoàng (TP.HCM) đã phát hành thành công hơn 1.400 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm, với lãi suất lên tới 20%/năm – mức lãi suất kỷ lục trên thị trường trái phiếu DN, dù DN này mới được thành lập từ cuối năm 2016 với số vốn điều lệ chỉ 5 tỉ đồng.

Dù mức lãi suất trái phiếu DN do các DN phát hành đều cao hơn rất nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm, nhưng theo các chuyên gia, việc cá nhân đầu tư tiền nhàn rỗi vào trái phiếu DN sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi VN mới có thị trường trái phiếu sơ cấp chứ chưa có thị trường thứ cấp, nơi mà sản phẩm được mua đi bán lại.

Hơn nữa, VN vẫn chưa có đơn vị nội địa nào cung cấp được dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đủ tin cậy. Do đó, khi đầu tư vào trái phiếu DN, các nhà đầu tư có tổ chức như ngân hàng, các quỹ, công ty bảo hiểm đều phải tự đánh giá DN có an toàn hay không, sức khỏe tài chính tốt đến mức nào. Còn nhà đầu tư cá nhân không thể làm được việc này.

“Để nhà đầu tư cá nhân có thể rót tiền vào trái phiếu DN, cần có thị trường thứ cấp, nơi có tính thanh khoản cao hơn, đặc biệt là dịch vụ định hạng tín nhiệm phải uy tín, tạo được niềm tin nơi nhà đầu tư”, một chuyên gia khuyến cáo.

Nâng chất cho thị trường trái phiếu DN

Tuy nhiên, theo ông Quỳnh, các thành viên của hiệp hội đều ủng hộ việc siết lại thị trường trái phiếu DN. Bởi nếu cho phép DN tự do phát hành trái phiếu, tức là vay không có giới hạn so với mức vốn chủ sở hữu, sẽ xuất hiện nhiều hàng hóa là các công cụ nợ tiềm ẩn độ rủi ro rất cao.

Ví dụ, DN chỉ có vốn chủ sở hữu là 10 tỉ mà phát hành trái phiếu lên đến 1.000 tỉ đồng. Nếu thị trường biến động 1% theo hướng tiêu cực, DN có thể mất đi 100% vốn chủ sở hữu, có nguy cơ không có khả năng trả gốc và lãi cho những người mua trái phiếu.

“Việc quy định giới hạn tối đa cho phép DN được đi vay thông qua phát hành trái phiếu hay bất cứ hình thức nào khác là cần thiết trong từng giai đoạn và đối với từng loại hình DN để quản lý thị trường phát triển bền vững. Và khi bị giới hạn quy mô vốn đi vay so với mức vốn chủ sở hữu, DN sẽ tính toán lựa chọn rất kỹ phương án kinh doanh để sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn, nâng cao hơn chất lượng các công cụ nợ do DN phát hành ra thị trường”, ông Quỳnh nói.

Theo các chuyên gia, với những quy định này, Bộ Tài chính đang muốn nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường trái phiếu. Nếu có nền tảng hạ tầng thị trường tốt như dịch vụ định hạng tín nhiệm chất lượng cao, hệ thống kiểm toán tin cậy, hệ thống đại lý định giá trái phiếu độc lập, hệ thống thông tin thị trường minh bạch, tính chuyên nghiệp của các DN phát hành và nhà đầu tư được nâng cao…, các chính sách thông thoáng sẽ giúp thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh, hiệu quả.

“Nếu thiếu hoặc yếu một hoặc nhiều yếu tố nền tảng như vậy, các chính sách quản lý quá tự do, thông thoáng sẽ có thể dẫn đến sự tích tụ các rủi ro tiềm ẩn làm mất sự ổn định hoạt động của thị trường, thậm chí là đổ vỡ, ngưng trệ”, một chuyên gia nói. Cũng theo vị này, khi bị hạn chế phát hành trái phiếu riêng lẻ, DN sẽ nỗ lực phấn đấu để đủ điều kiện phát hành trái phiếu theo hình thức ra công chúng với thông tin minh bạch hơn, giảm rủi ro cho nhà đầu tư.

Theo thống kê công bố từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong năm 2019 có 211 DN chào bán tổng cộng 300.588 tỉ đồng trái phiếu. Tổng số trái phiếu phát hành cả năm là 280.141 tỉ đồng, tương đương 93,2% giá trị chào bán và tăng 25% so với năm 2018.

Và theo Công ty chứng khoán SSI, chỉ trong tháng 1-2020, tổng lượng phát hành trái phiếu DN đã đạt 13.374 tỉ đồng, trong đó nhóm các DN bất động sản chiếm hơn một nửa.

LÊ THANH – ÁNH HỒNG
TTO