COVID-19 và câu chuyện dịch bệnh thời mạng xã hội
COVID-19 và câu chuyện dịch bệnh thời mạng xã hội
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) bùng phát từ cuối năm 2019 ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc đến nay đã thành vấn nạn y tế khẩn cấp toàn cầu, với số người chết cao hơn dịch SARS năm 2003.
Quan trọng là mọi người biết được chân tướng sự việc, minh oan đối với tôi đã không còn quan trọng nữa, chân lý lẽ phải trong lòng mỗi con người.
Bác sĩ Lý Văn Lượng trả lời phỏng vấn trên tờ Caixin
Thời kỳ dịch bệnh, ngoài kênh báo chí truyền thống của nhà nước, người dân Trung Quốc theo dõi khá sát sao các trang mạng xã hội như Weibo và WeChat, những nơi được cho là vẫn phản ánh tiếng nói của quần chúng trung thực hơn, ngay cả khi các trang này cũng được quản lý kiểm duyệt nghiêm ngặt.
Trung tâm an toàn WeChat ngày 25-1 đã ban hành thông báo về việc kiểm soát tin đồn về dịch bệnh nCoV gây ra, căn cứ dự thảo sửa đổi Bộ luật hình sự Trung Quốc.
Theo đó, việc cố ý đưa thông tin sai lệch, không đúng sự thật lên mạng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội sẽ bị cưỡng chế, phạt tù dưới 3 năm; gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị phạt 3 đến 7 năm tù.
WeChat nói họ sẽ kiên quyết xử lý nghiêm nội dung vi phạm trên mạng, kiểm duyệt nội dung, tùy mức độ vi phạm sẽ xử phạt, khóa tài khoản có thời hạn hoặc không thời hạn.
Dư luận đòi câu trả lời
Theo trang theinitium.com (Hong Kong), đêm 6 đến rạng sáng 7-2, thông tin về cái chết của Lý Văn Lượng, vị bác sĩ đầu tiên cảnh báo về virus corona ở Trung Quốc, đã dấy lên một làn sóng dư luận chưa từng có từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay.
Cư dân mạng bất bình vì người bị quy kết tung tin thất thiệt lại là người can đảm nói lên sự thật, trong tình cảnh người dân thì thiếu thông tin còn giới chức thì quan liêu, vô trách nhiệm. Cư dân mạng chia buồn và yêu cầu chính quyền xin lỗi, thậm chí tranh luận về tự do ngôn luận.
Đến 6h sáng 7-2, chủ đề “Bác sĩ Lý Văn Lượng từ trần” trên Weibo có đến 670 triệu lượt truy cập, 737.000 lượt bình luận; chủ đề “Lý Văn Lượng từ trần” có đến 230 triệu lượt truy cập, 209.000 lượt bình luận; chủ đề “Tôi muốn tự do ngôn luận” có đến gần 3 triệu lượt truy cập và gần 10.000 lượt bình luận (chủ đề này sau đó đã bị kiểm duyệt xóa bỏ).
Nhưng các tài khoản Weibo vẫn tiếp tục: “Nếu như anh phạm tội tung tin đồn thất thiệt, chúng tôi xin được tiễn biệt anh một cách chân thành. Chúng tôi không thể, chúng tôi không hiểu, chúng tôi không tha thứ!”; “Cho dù tôi và anh đều hiểu vẫn không thay đổi được gì, nhưng nhất định phải lên tiếng, luôn luôn phải lên tiếng”;
“Hãy rút lại cảnh cáo với Lý Văn Lượng, rút lại lệnh xóa bình luận trên mạng xã hội, rút lại tố cáo liên quan đến tội về ngôn luận, thành lập ủy ban điều tra độc lập truy cứu trách nhiệm quan chức liên quan, lập tức trả lại quyền tự do ngôn luận cho người dân”; “Tôi muốn có một ngày sẽ được giơ cao bức ảnh của bác sĩ Lý đi trên đường”;
“Tôi không muốn dùng các chữ đồng âm để thay thế từ nhạy cảm, tôi muốn được trò chuyện bình thường”; “Cảnh sát chỉ cảnh cáo theo yêu cầu, phát thanh viên chỉ biết đọc theo kịch bản, người quản lý xóa bài viết, xóa mục tìm kiếm theo ý lãnh đạo. Mọi người đều cho rằng mình là người tốt, tất cả vì cuộc sống. Chỉ đến khi mọi người đều dám nói “tôi từ chối nói dối”, “tôi từ chối chấp hành” thì chúng ta mới không phải gặp cảnh không người giúp đỡ, rơi vào bước đường cùng.
Nhưng bạn có dám không? Bạn không dám. Vì vậy, xin hãy nhớ, cho dù thế giới này cuối cùng có ra sao cũng là do sự đồng thuận của chúng ta mà ra”.
Một tài khoản WeChat với bài viết “7 câu hỏi sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng” đã bị kiểm duyệt vì có nội dung vi phạm. Thông tin bị kiểm duyệt gắt gao khiến cư dân mạng phẫn nộ yêu cầu hãy phong tỏa app của WeChat luôn cho xong.
Nhiều bài viết trên WeChat bị kiểm duyệt ngay sau khi đăng tải, nên các tài khoản khác đã chụp màn hình ngay khi đọc được, họ đùa rằng hiệu lực của thông tin có nghĩa là hôm nay không đọc ngày mai sẽ không còn.
Một tài khoản WeChat nhắc lại câu chuyện hơn chục năm trước của bác sĩ quân y Tưởng Ngạn Vĩnh, người đã báo cáo chính quyền và báo chí trong nước về tình hình dịch bệnh SARS năm 2003 nhưng không nhận được bất cứ hồi âm.
Sau khi thông tin đã được tờ Time của Mỹ đăng tải, số ca nhiễm bệnh chính xác mới được Trung Quốc công bố và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới bắt đầu hỗ trợ Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh.
Một tài khoản WeChat viết: “Thật ra, chúng ta đang khóc cho chính mình. Vì chúng ta chính là Lý Văn Lượng, chúng ta biết họ đang nói dối nhưng chúng ta lo sợ, vì sợ bị phong tỏa tài khoản nên không dám nói sự thật, sợ phong tỏa nhóm chat mà không dám nói sự thật.
Cái chết của bác sĩ Lý vạch trần sự thật về cuộc sống bi thảm của chúng ta…Tuy nhiên, dù bạn có căm ghét, phẫn nộ đến mấy, thế giới có thối nát đến mấy đều do sự đồng thuận của chính chúng ta. Bạn có hiểu không?”.
Cuộc chiến truyền thông
Cư dân mạng còn quay sang chỉ trích truyền thông về việc thông tin bác sĩ Lý là người tung tin thất thiệt, bao gồm cả Đài truyền hình trung ương CCTV. “Hệ thống miễn dịch xã hội đang có vấn đề lớn”, một tài khoản WeChat viết. Ngay trên WeChat của Tân Hoa xã, dòng bình luận “Phải trả lại công bằng cho bác sĩ Lý” nhận được hơn 17.000 lượt thích.
Tuy nhiên, cũng có những người ủng hộ việc siết chặt thông tin và xử lý mạnh tay tin đồn. Một tài khoản WeChat viết: “Không có xã hội nào hoàn mỹ. Cho dù là chế độ xã hội chủ nghĩa đi chăng nữa đều có ưu và khuyết điểm.
Chúng ta phải thừa nhận không có một chế độ nào là hoàn mỹ, khi đối phó thiên tai đại dịch khó tránh khỏi những sự việc đáng tiếc, như vụ Lý Văn Lượng, vụ thành phố Đại Lý cướp vật tư, vụ quan chức Huỳnh Thạch hỏi gì cũng không biết… Sự quang minh của Đảng Cộng sản ở chỗ không che giấu sai lầm, rồi sẽ có câu trả lời cho quần chúng.
Điều chúng ta cần là nhận diện nguyên nhân mâu thuẫn; đứng trước đại dịch, khả năng lãnh đạo và hành động của đất nước là nguyên nhân mâu thuẫn. Tôi muốn nhấn mạnh rằng không phải sự việc cá biệt không quan trọng, tính mạng của ai đó không quan trọng. Tuy nhiên, khi tham gia chiến đấu, trước sau cũng có sự hi sinh.
Nếu cứ phẫn nộ mãi, thử hỏi làm sao có thể nguôi giận? Phủ nhận tất cả, đạp đổ tất cả, diễn biến thành tình cảm cá nhân. Chúng ta cần quan tâm đến cá nhân và tổng thể, cá nhân và nhà nước là một thể mâu thuẫn. Với tư cách nhà quyết sách, cần tính toán đến bàn cờ của cả nước. Tin tưởng đảng, tin tưởng nhà nước, tin tưởng nhân dân, sau khi đại dịch kết thúc sẽ có sự điều chỉnh và có câu trả lời chính đáng”.
Trước làn sóng dư luận, ngày 7-2, Ủy ban Kiểm tra trung ương Trung Quốc đã quyết định vào cuộc điều tra toàn diện cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng.
Du thuyền 5 sao dịch bệnh rình rập không ai hay
Hàng ngàn du khách trên du thuyền World Dream với hành trình 6 ngày 5 đêm xuất phát từ cảng Nam Sa (Quảng Châu, Trung Quốc) đến Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng và quay về Quảng Châu đều không biết rằng trên du thuyền có 108 khách đến từ Hồ Bắc, trong đó 28 người đến từ Vũ Hán.
Họ lên tàu tối 19-1 và rời tàu ngày 24-1. Nhưng đến ngày 3-2, hành khách được thông báo trên du thuyền đã có 7 du khách nhiễm bệnh nCoV.
Theo chia sẻ của hành khách Hàn Hân Đông trên tờ Tân Kinh Báo, ngày đầu lên tàu thời tiết rất lạnh, chỉ 19oC, nhưng mọi người đều vui vẻ hưởng thụ dịch vụ phong phú trên du thuyền. Điều khiến cô cảm thấy bất tiện nhất là không có sóng điện thoại, không lên mạng được khi rời bến, vì WiFi của du thuyền phải mua với giá 80 nhân dân tệ/1G nên cũng ít người sử dụng.
Sáng 21-1, tàu cập bến Nha Trang tham quan một ngày. Lúc này, Đông mới mua sim điện thoại lên mạng và xem được thông tin xác nhận virus corona có thể truyền từ người qua người, tỉnh Hồ Bắc bắt đầu thông báo số ca nhiễm bệnh.
Trước khi khởi hành, dịch bệnh mới chỉ bùng phát ở Vũ Hán, chuyên gia cho rằng có thể khống chế nên mọi người không mấy quan tâm. Cô bắt đầu lo lắng và muốn đeo khẩu trang, nhưng hôm đó không mua được.
Tuy nhiên, trên tàu vẫn chưa có ai đeo khẩu trang. Đến ngày 22-1, khi cập bến Đà Nẵng, cô mới biết đã có 440 ca nhiễm bệnh, dịch bệnh đang lan ra các tỉnh thành khác. Hành khách bàn tán về vấn đề dịch bệnh nhiều hơn. Hôm đó, đoàn dành 40 phút cho hành khách đi siêu thị, họ đều chạy đi mua khẩu trang. Gia đình cô Đông cũng mua được 30 cái. Nhưng tối hôm đó cũng chỉ có vài hành khách đeo khẩu trang, chắc mọi người đều nghĩ trên du thuyền sẽ an toàn.
Đến 2h sáng 23-1, Vũ Hán tuyên bố dừng giao thông công cộng, tạm thời đóng cửa sân bay, nhà ga xe lửa. Các tỉnh Chiết Giang, Quảng Đông, Hồ Nam phát cảnh báo y tế công cộng cấp độ I nhưng trên du thuyền vẫn không có biện pháp khử trùng nào.
Sáng 24-1, du thuyền về đến Quảng Châu, tất cả hành khách và nhân viên trên thuyền đều đeo khẩu trang. Bến tàu có hai xe cứu thương đợi sẵn, nhân viên y tế mặc quần áo bảo hộ đến đo thân nhiệt, phun nước rửa tay diệt khuẩn cho hành khách. Lúc này, hành khách mới cảm thấy dịch bệnh có vẻ nghiêm trọng.
Khi về đến nhà, mấy ngày sau họ mới nhận được thông tin có hành khách bị bệnh và họ phải tự cách ly tại nhà.