26/12/2024

TP.HCM nên chuyển vận tải hàng hoá từ ngày sang đêm?

TP.HCM nên chuyển vận tải hàng hoá từ ngày sang đêm?

Theo ông Võ Văn Hoan – phó chủ tịch UBND TP.HCM, đường phố ban ngày xe dày đặc, đi ra đường gặp ùn tắc di chuyển khó khăn khiến ai cũng mệt mỏi, khó chịu. Do đó, cần phải có đề án kinh tế về đêm nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

 

 

TP.HCM nên chuyển vận tải hàng hóa từ ngày sang đêm? - Ảnh 1.

Rất nhiều xe tải chở hàng thường xuyên tập trung ở khu vực ngã tư Bình Triệu, TP.HCM – Ảnh: ĐỨC PHÚ

Một trong những điểm nhấn đề án này được lãnh đạo TP.HCM gợi ý là chuyển vận tải hàng hóa từ ngày sang đêm.

Lãng phí nhiều triệu giờ/năm

Một chuyên gia giao thông cho biết đến nay TP.HCM có tới 28 điểm nguy cơ ùn tắc, kẹt xe tập trung tại các khu vực nội thành, cửa ngõ sân bay và cảng Cát Lái. Tình trạng ùn tắc giao thông không chỉ làm người dân mệt mỏi, tốn thời gian di chuyển, mà còn làm ô nhiễm không khí.

Báo cáo tóm tắt đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng và kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tại TP đề cập tới một kết quả khảo sát từ Uber cùng Công ty Audience Project cho thấy: có tới 76% người dân TP chịu cảnh kẹt xe 30 phút/ngày, 13% kẹt xe 2 giờ mỗi ngày. Tính toán sơ bộ, mỗi năm toàn TP.HCM lãng phí khoảng 160 triệu giờ, gây thiệt hại về kinh tế trên 1 tỉ USD/năm.

Cũng theo chuyên gia này, nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết Manila (Philippines) là thành phố tắc nghẽn nhất trên 278 thành phố ở châu Á. Còn giao thông ở TP.HCM có chỉ số tắc nghẽn đứng thứ 10/278 thành phố. Tắc nghẽn xảy ra khi nhu cầu đi lại vượt quá khả năng đáp ứng của mạng lưới giao thông. Trung bình, người dân TP.HCM phải tốn thêm khoảng 48% thời gian để đi lại trong giờ cao điểm so với cung giờ bình thường.

Tại các buổi làm việc về tình hình giao thông mới đây, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh: cần nghiên cứu bổ sung thêm đề án kinh tế về đêm, từ đó điều chỉnh giờ giấc vận tải hàng hóa từ ngày sang đêm để không ùn tắc, nâng cao chất lượng đời sống của người dân TP.

Theo ông Hoan, hoạt động vận tải hàng hóa tập trung về đêm thì kinh tế đêm cũng sẽ phát triển. Đương nhiên khi triển khai, các vấn đề liên quan phải nghiên cứu kỹ, thực hiện có lộ trình.

“Đề án sẽ có tác động không nhỏ, khiến cho chi phí lao động tăng lên. Nhưng về tổng thể, sẽ có hàng loạt yếu tố tích cực đạt được như: giảm chi phí xã hội, nâng cao đời sống của người dân” – ông Hoan nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về đề án trên, một cán bộ Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP, sở sẽ tiến hành nghiên cứu và đánh giá tác động về vấn đề này.

TP.HCM nên chuyển vận tải hàng hóa từ ngày sang đêm? - Ảnh 2.

Đồ họa: TUẤN ANH

Doanh nghiệp vận tải nói gì?

Theo Sở Giao thông vận tải TP, trong năm 2019, sản lượng vận tải hàng hóa đạt 460 triệu tấn, tăng 5% so với năm trước, hàng hóa thông qua cảng biển đạt 130,4 triệu tấn, tăng 14%. Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP cũng cho biết các doanh nghiệp trong hiệp hội có khoảng 6.000 xe, còn tổng số xe thường xuyên lưu hành qua địa bàn TP khoảng 12.000 xe tải các loại…

Đánh giá về đề xuất chuyển vận tải hàng hóa về đêm, ông Bùi Văn Quản – chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM – cho rằng thực trạng ùn tắc không phải chỉ do vận tải hàng hóa gây ra mà nó thuộc về vấn đề quy hoạch.

Muốn xe tải không chạy xuyên nội đô, TP.HCM cần có quy hoạch di dời các cơ sở, bến xe và điều chỉnh dân cư giãn ra ngoại thành… “Tôi đi vào buổi sáng tại các tuyến đường thường xảy ra ùn tắc chỉ thấy toàn xe cá nhân, trong khi có rất ít xe tải lưu thông” – ông Quản nêu.

Theo ông Quản, vận tải hàng hóa là mạch máu của nền kinh tế. Do đó, việc hạn chế vận chuyển hàng hóa vào ban ngày sẽ có tác động rất lớn. Cụ thể, phía doanh nghiệp vận tải chấp nhận chạy ban đêm nhưng liệu các đối tác có bố trí người để giải phóng hàng?

“Tài xế chạy đêm đến nơi không có ai dỡ hàng phải nằm lại qua ngày sau mới dỡ. Dỡ xong phải chờ tới đêm mới chạy thì bao nhiêu ngày mới được một chuyến xe? Từ đó, làm ngày một đồng, làm đêm tốn tới 10 đồng, chi phí sẽ đội lên rất cao” – ông Quản phân tích. “Nếu đề án không đánh giá tác động cẩn trọng có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải trả giấy phép lưu hành, bán xe thôi” – ông Quản nói.

Còn ông Quang – chủ doanh nghiệp vận tải xe đầu kéo ở Q.9 (TP.HCM) – nhận định: giao thông TP đang ùn tắc nhưng muốn hạn chế vận tải hàng hóa ban ngày cần phải làm đồng bộ từ doanh nghiệp vận chuyển đến các đơn vị nhận hàng.

Chủ doanh nghiệp xe đầu kéo đánh giá khi chuyển đổi vận chuyển hàng hóa từ ngày sang đêm, chi phí phụ thu sẽ tăng cao. “Hiện nay một cuốc xe chở hàng vị chi khoảng 6 triệu. Khi làm ban đêm, doanh nghiệp sẽ thêm tiền cho tài xế 500.000-1 triệu đồng phụ thu” – ông Quang nói.

Chia sẻ về đề xuất trên, ông Nguyễn Ngọc Tường – phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP – cho biết lãnh đạo UBND TP đã đề nghị Sở Giao thông vận tải từ nay đến tháng 6 phải xây dựng đề án để trình UBND TP xem xét.

Trước mắt, sở sẽ xây dựng đề án, sau đó tiếp thu các góp ý, đảm bảo đúng quy định và thực hiện làm sao cho phù hợp với tình hình của TP.HCM. “Tôi cho rằng phương án này phù hợp với tình hình tại TP.HCM hiện nay. Mình có thể tận dụng ban đêm để có điều kiện di chuyển thông thoáng hơn” – ông Tường nói.

ĐỨC PHÚ
TTO