29/12/2024

Dịch COVID-19: Vì sao số ca nhiễm và chết ở Trung Quốc tăng vọt?

Dịch COVID-19: Vì sao số ca nhiễm và chết ở Trung Quốc tăng vọt?

Số liệu công bố cho thấy chỉ trong 1 ngày, số nạn nhân tử vong vì dịch Covid-19 tăng thêm 258, số người nhiễm tại Trung Quốc tăng thêm 15.582 so với ngày hôm trước.
Bác sĩ kiểm tra hình ảnh chụp CT phổi trong khu cách ly tại một bệnh viện ở Vũ Hán	  /// Ảnh: AFP - Nguồn: Bộ Y tế - Đồ họa: Đông Xuân

Bác sĩ kiểm tra hình ảnh chụp CT phổi trong khu cách ly tại một bệnh viện ở Vũ Hán  Ảnh: AFP – Nguồn: Bộ Y tế – Đồ họa: Đông Xuân
Cụ thể, tính đến ngày 13.2, số nạn nhân tử vong vì dịch Covid-19 bất ngờ tăng vọt lên 1.370 người, trong đó có 1.367 người ở Trung Quốc đại lục, tăng 258 người so với ngày trước đó.
Chỉ tính riêng tại tâm dịch tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), số ca tử vong mới được ghi nhận là 242 người. Cũng theo số liệu trên trang của Bộ Y tế Việt Nam, Trung Quốc đại lục đã có 59.804 ca nhiễm, riêng Hồ Bắc có 14.840 ca. Hiện toàn thế giới đã có 60.387 ca nhiễm, tăng 15.594 ca so với ngày hôm trước. Đây là ngày có mức tăng cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 12.2019.

Thay đổi cách xác nhận ca nhiễm

Lý giải về con số tăng vọt bất thường, giới chức tỉnh Hồ Bắc cho biết họ vừa mở rộng định nghĩa cho trường hợp nhiễm vi rút Corona chủng mới và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng xác nhận điều này, theo AFP.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, tỉnh Hồ Bắc chỉ xác nhận ca nhiễm bằng xét nghiệm RNA, vốn mất nhiều ngày để xử lý. RNA hay ARN là a xít ribonucleic chứa đựng thông tin di truyền giúp xác định các sinh vật như vi rút. Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc hôm qua thông báo đã bắt đầu kết hợp xét nghiệm RNA và sử dụng chụp cắt lớp vi tính (CT) phổi để xác nhận ca nhiễm nhanh hơn.
Dù vậy, con số thống kê vẫn có thể không chính xác do những trường hợp có triệu chứng nhẹ và tình huống khác không được tính, Phó cục trưởng Cục Y khoa thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc Tiêu Nhã Huy thừa nhận. Bên cạnh đó, số ca nhiễm có thể không phản ánh quy mô thực sự của dịch Covid-19 do có nhiều bệnh nhân không được chẩn đoán vì bệnh viện quá tải và thiếu dụng cụ xét nghiệm, theo tờ South China Morning Post.
Bác sĩ kiểm tra hình ảnh chụp CT phổi tại một bệnh viện ở Vũ Hán Ảnh: REUTERS

Bác sĩ kiểm tra hình ảnh chụp CT phổi tại một bệnh viện ở Vũ Hán  Ảnh: REUTERS

Trước diễn biến này, Giám đốc Chương trình tình trạng y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan hôm qua cho biết: “Tôi nghĩ rằng còn quá sớm để dự đoán sự khởi đầu, đỉnh điểm hoặc kết thúc dịch Covid-19”. Tuyên bố được đưa ra sau khi các chuyên gia hàng đầu Trung Quốc lẫn quốc tế dự báo đỉnh dịch trong nửa cuối tháng 2, có thể kết thúc vào tháng 4 và hiện vẫn chưa rõ nguồn gốc của vi rút Corona chủng mới.

Cách chức Bí thư tỉnh Hồ Bắc và Bí thư thành ủy Vũ Hán

Đến nay, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus vẫn giữ nguyên quan điểm ca ngợi cách xử lý dịch bệnh của chính phủ Trung Quốc dù nhóm chuyên gia của tổ chức này vẫn chưa được đến Trung Quốc để điều tra và hỗ trợ. Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân khẳng định Bắc Kinh xử lý dịch bệnh Covid-19 “một cách minh bạch” và “có trách nhiệm cao”.
Trong khi đó, dư luận Trung Quốc chỉ trích giới chức ở Hồ Bắc phản ứng trì trệ, che giấu thông tin ban đầu và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Hôm qua 13.2, Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc Tưởng Siêu Lương và Bí thư thành ủy Vũ Hán Mã Quốc Cường đã bị cách chức chỉ vài giờ sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố “kết quả tích cực” trong công tác dập dịch. Tân Hoa xã không nêu lý do miễn nhiệm 2 người này và trước đó 2 quan chức y tế hàng đầu của Hồ Bắc cũng đã bị cách chức.
Thị trưởng TP.Thượng Hải Ứng Dũng được bổ nhiệm làm Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc, trong khi ông Vương Trung Lâm, Bí thư thành ủy Tế Nam (tỉnh Sơn Đông), được bổ nhiệm làm Bí thư thành ủy Vũ Hán, theo Tân Hoa xã.

Khủng hoảng lan rộng

Bên ngoài Trung Quốc đại lục, tính đến ngày 13.2, số ca nhiễm trên thế giới tăng lên 569 người. Trong đó, Nhật Bản đứng đầu danh sách với 251 trường hợp nhiễm. Số ca nhiễm theo nhóm cao nhất ngoài Trung Quốc đại lục là trên tàu du lịch Diamond Princess đang bị cách ly ở cảng Yokohama, Nhật Bản.
Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato hôm qua xác nhận có thêm 44 người nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên tàu Diamond Princess lên 218 người. Ông Kato đồng thời xác nhận có ca tử vong đầu tiên tại Nhật Bản là cụ bà 80 tuổi ngụ ở tỉnh Kanagawa, phía nam thủ đô Tokyo.
Như vậy, đến hôm qua đã có 3 người tử vong bên ngoài Trung Quốc đại lục, gồm ở Hồng Kông, Philippines và Nhật Bản. Đài NHK ngày 13.2 cũng đưa tin một tài xế taxi ở thủ đô Tokyo được xét nghiệm dương tính với vi rút Corona chủng mới.
Trong một diễn biến liên quan, tàu du lịch MS Westerdam đã được Campuchia tiếp nhận sau khi bị từ chối cập cảng ở Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan, đảo Guam và Philippines vì mối lo ngại Covid-19.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nhiều hãng hàng không đình chỉ chuyến bay đến Trung Quốc, trong khi các quốc gia đã áp dụng lệnh cấm hoặc cách ly đối với những người từ Trung Quốc đến. Covid-19 làm gián đoạn hoạt động kinh doanh sản xuất và khiến nhiều hội nghị cùng sự kiện thể thao quốc tế bị hủy.

Trung Quốc thử nghiệm thuốc điều trị

Tại trụ sở WHO ở Geneva (Thụy Sĩ), nhà dịch tễ học Marie-Paule Kieny đã đồng chủ trì một hội nghị khoa học kín trong hai ngày 11 – 12.2 và sau đó thông báo các nhà khoa học Trung Quốc đang thử nghiệm 2 loại thuốc điều trị HIV hiện có để chống lại nCoV. Hội nghị kín quy tụ hơn 300 nhà khoa học, trong đó có một số người tham dự trực tuyến từ Trung Quốc.
Bà Kieny cho biết nhiều bệnh nhân nhiễm nCoV mới đang được điều trị bằng thuốc Ritonavir và Lopinavir. Các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố họ đang chờ kết quả thử nghiệm lâm sàng “trong vài ngày hoặc vài tuần tới”.
“Remdesivir từng được thử nghiệm trong dịch bệnh do vi rút Ebola gây ra nhưng không thành công. Dù vậy, vi rút Ebola và Corona khác nhau nên nó có thể thành công hơn với nCoV”, bà Kieny cho biết thêm.
PHÚC DUY
TNO