Khai mở thêm thị trường 18.000 tỉ USD
Khai mở thêm thị trường 18.000 tỉ USD
Dự kiến hôm nay 12-2, Nghị viện châu Âu xem xét thông qua Hiệp định thương mại tự do VN – EU (EVFTA). VN có cơ hội ở thị trường này và EU cũng đang rất cần thị trường VN.
Nếu hiệp định được thông qua sẽ hiện thực hóa nhiều cơ hội và cả thách thức bởi cả hai phía đều đã có những bước tiến trong việc thâm nhập thị trường của nhau.
Hai bên cần nhau
Liên tiếp trong 4 năm qua, ông Peter Weishaupt, giám đốc bán hàng toàn cầu của Công ty Haus Rabenhorst (Đức), đều đến TP.HCM để tham dự hội chợ thực phẩm quốc tế nhằm tìm kiếm cơ hội đưa sản phẩm của công ty vào VN.
Là công ty gia đình với trên 200 năm tuổi chuyên sản xuất các loại đồ uống tốt cho sức khỏe và danh tiếng tại Đức, ông Peter Weishaupt cho biết công ty đang hướng tới những thị trường lớn bên ngoài châu Âu như Hàn Quốc, Trung Quốc và VN.
Việc tham gia các hội chợ vừa để tìm kiếm các nhà nhập khẩu mới, đồng thời cũng gặp gỡ và hỗ trợ các nhà nhập khẩu hiện có trong việc bán hàng và marketing.
Có thể thấy các gian hàng thực phẩm của Liên minh châu Âu nói chung và các doanh nghiệp châu Âu nói riêng ngày càng to đẹp và hoành tráng ở các hội chợ thực phẩm quốc tế tổ chức tại VN. Các doanh nghiệp châu Âu đem đến VN những sản phẩm chất lượng cao từ nông sản, thực phẩm chế biến, các loại thịt, sữa… hợp xu hướng tiêu dùng mới về sức khỏe, thực phẩm hữu cơ.
Ông Nguyễn Minh Tin, giám đốc phụ trách nhập khẩu của một công ty thương mại tại quận 2 (TP.HCM), cho biết các mặt hàng thực phẩm từ châu Âu nhập khẩu về VN đang chịu mức thuế 10-30%.
Nếu EVFTA được thông qua, thuế của các mặt hàng này giảm xuống sẽ giúp doanh nghiệp dễ nhập khẩu và kinh doanh, người tiêu dùng cũng có cơ hội tiếp cận nhiều mặt hàng với giá cả phải chăng hơn.
Cũng theo ông Tin, các doanh nghiệp châu Âu cũng rất chú trọng đến phát triển thị trường VN. Bên cạnh việc tham gia các hội chợ tại VN, các nhà xuất khẩu châu Âu cũng có nhiều chính sách linh động để doanh nghiệp VN nhập hàng của họ.
“Họ không yêu cầu phải nhập khẩu nhiều giai đoạn đầu mà sẵn sàng hỗ trợ mình nhập nhiều mặt hàng với số lượng nhỏ. Thậm chí có những nhà sản xuất còn cấp tín dụng cho doanh nghiệp nhập khẩu, một dạng cho nhập khẩu trước rồi trả tiền sau”, ông Tin chia sẻ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tôn Quyền – chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN – cho biết trong những năm gần đây kim ngạch xuất khẩu gỗ sang EU đang có xu hướng tăng lên, từ mức 10% lên 12%.
Nguyên nhân tăng là do trước đây khách hàng chủ yếu tập trung ở các nước thuộc EU như Đức, Pháp, Anh, Ý… thì những năm gần đây có thêm các nước thuộc khu vực Đông Âu cũ như Czech, Ba Lan…
“Kim ngạch xuất khẩu tăng lên. Năm 2019 đạt 800 triệu USD nhưng dự kiến năm nay tăng lên khoảng 1 tỉ USD. Chúng tôi cho rằng nếu hiệp định EVFTA được đàm phán và sớm đi vào thực thi thì những lợi ích mang lại cho doanh nghiệp ngành gỗ là rất lớn” – ông Quyền nói.
Trong lĩnh vực cà phê, ông Nguyễn Viết Vinh, tổng thư ký Hiệp hội Cà phê – ca cao VN, cho biết EU là thị trường tiềm năng hiện nay.
Dẫn chứng, tổng lượng xuất khẩu cà phê sang EU năm qua chiếm khoảng 60%, riêng thị trường Đức chiếm khoảng 10-13%, sau đó đến các thị trường như Tây Ban Nha, Bỉ, Ý.
Nếu thuế xuất khẩu cà phê vào EU giảm về mức từ 0-5%, sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành cà phê VN vào thị trường này, cũng như thúc đẩy hoạt động đầu tư vào ngành cà phê chế biến với giá trị cao hơn.
Thúc ép doanh nghiệp Việt “làm mới mình”
Cũng theo ông Nguyễn Tôn Quyền, sản phẩm xuất khẩu của ngành gỗ từ năm 2019 trở về trước vẫn sản xuất theo đơn đặt hàng của nước ngoài, xuất khẩu tại cảng của VN nên có giá trị thấp.
Vì vậy, ông Quyền cho rằng cần phải tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, chú trọng thiết kế sản phẩm mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, hiệp hội cũng sẽ tăng cường thêm các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm để khai thác tốt hơn các thị trường mới tại Đông Âu cũ để gia tăng thêm khách hàng.
Mừng cho cơ hội ngành cà phê nhưng ông Nguyễn Viết Vinh cũng công nhận hiện nay lượng xuất chủ yếu là cà phê thô chưa qua chế biến của VN chiếm tới 90% nên giá trị không cao.
Ngay khi EVFTA được đàm phán, ông Vinh cho hay đã có những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rót vốn vào lĩnh vực cà phê rang xay, chế biến để xuất khẩu sang EU hoặc sang nước thứ ba.
Vì vậy, hiện nay hiệp hội đang thực hiện việc tái cơ cấu ngành theo đề án nâng cao giá trị cạnh tranh cho ngành cà phê được Thủ tướng phê duyệt, đồng bộ các khâu giống, khoa học kỹ thuật, chế biến, sơ chế, thị trường, nên nút thắt quan trọng cần tháo gỡ là huy động nguồn vốn đầu tư vào khâu chế biến…
Theo ông Vinh, nếu tăng được giá trị gia tăng cho sản phẩm thì sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho ngành.
Nếu giá cà phê thô xuất khẩu 1.700 USD/tấn, cà phê rang xay là trên 2.000 USD/tấn thì cà phê chế biến có giá trị lên tới trên 5.000 USD/tấn.
Việc tăng sản lượng cà phê chế biến cũng sẽ giúp cà phê VN giảm phụ thuộc vào giá của những trung tâm giao dịch nông sản lớn thế giới như London, New York.
Hỗ trợ doanh nghiệp VN nhập khẩu
EVFTA sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp VN phải làm ăn bài bản hơn để cạnh tranh. Bởi không chỉ đến trực tiếp VN để quảng bá, các doanh nghiệp sản xuất châu Âu cũng có nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp VN tới châu Âu tìm hiểu thị trường và nhập khẩu hàng.
Theo ông Nguyễn Minh Tin, các hiệp hội ngành hàng châu Âu làm rất bài bản, họ có chính sách hỗ trợ một phần vé máy bay và toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở đối với doanh nghiệp từ VN đến tham gia các chương trình hội chợ xúc tiến xuất khẩu của nước họ.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, không chỉ quảng bá, đưa sản phẩm vào các hệ thống khách sạn, nhà hàng cao cấp, vài năm trở lại đây, các nhà xuất khẩu châu Âu hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu đưa hàng hóa ra các cửa hàng bán lẻ, hệ thống siêu thị… để tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng bình dân.
Việc giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp các mặt hàng chăn nuôi như thịt gà, thịt heo, thịt bò, sữa… từ châu Âu vào VN nhiều hơn trước.