24/11/2024

Ổn định giá, không để thiếu hàng hoá trong mùa dịch corona

Ổn định giá, không để thiếu hàng hoá trong mùa dịch corona

Các siêu thị đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng hóa thiết yếu để đáp ứng nhu cầu của người dân có xu hướng tăng lên vì tâm lý lo ngại dịch bệnh do virus corona (nCoV) gây ra.

 

 

 

Ổn định giá, không để thiếu hàng hóa trong mùa dịch corona - Ảnh 1.

Kệ rau quả ở Vinmart trên đường Phan Xích Long khoảng 18h ngày 9-2 đã hết hàng – Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Dịch viêm phổi cấp do virus corona (nCoV) gây ra đã đảo lộn gần như toàn bộ kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ.

Dù hàng hóa dồi dào, nhưng có những thời điểm trên quầy kệ tại siêu thị hết hàng do người dân thay đổi thói quen mua sắm để đối phó với dịch bệnh.

Một số mặt hàng chế biến đã được người dân mua trữ nhiều hơn. Không ít người đi siêu thị mua một lần cho cả tuần để bớt phải ra đường…

Có hiện tượng hụt hàng, tăng giá

Ngày 9-2, tại Co.op Mart trên đường Nguyễn Kiệm (Q. Phú Nhuận, TP.HCM), một số kệ hàng kinh doanh đồ hộp chế biến sẵn như heo, gà ác, patê, cá nục… trong tình trạng hết hàng hoặc số lượng hàng còn lại ít hẳn.

Khoảng 16h ngày 9-2, tại cửa hàng Vinmart đường Phan Xích Long (Q. Phú Nhuận), gian hàng trứng và rau trống trơn, trái cây và thực phẩm chế biến số lượng còn lại khá ít.

Theo nhân viên tại đây, nhiều ngày qua lượng rau ngày nào cũng về đầy kệ nhưng chỉ tầm trong vài giờ buổi sáng là được “vét sạch”.

Cũng chiều 9-2, tại Co.op Food đường Nguyễn Kiệm (Q. Phú Nhuận), ngoài mặt hàng cháo gói trống kệ, hai tủ lạnh lớn chủ yếu chưng bán sữa chua và thực phẩm đông lạnh đóng gói như lẩu hải sản, cá viên chiên… cũng không còn.

Nhân viên tại đây cho biết nhiều ngày qua, các mặt hàng trên không được nhập về và cũng chưa biết khi nào có hàng lại.

Khoảng 12h15 ngày 9-2, một số mặt hàng mì gói tại siêu thị Emart ở Q.Gò Vấp treo bảng hết hàng và không “hẹn ngày trở lại”.

Đẩy xe hàng đầy ắp mì gói, thịt, trứng, rau…, chị Minh (Q. Bình Thạnh) nói mua thực phẩm đủ gia đình dùng trong một tuần thay vì chỉ vài ngày vì ngại ra đường.

Ghi nhận giá thu mua rau tại các vườn Đà Lạt ngày 9-2 cho thấy các loại nông sản này đồng loạt tăng giá từ 2 – 3 lần trong 10 ngày trở lại đây.

Cá biệt, cải thảo tăng gấp 7 lần. Tại TP.HCM, giá nông sản Đà Lạt tăng khoảng 5 lần giá cửa vườn do ảnh hưởng chi phí vận chuyển và lợi nhuận của người bán hàng.

Ổn định giá, không để thiếu hàng hóa trong mùa dịch corona - Ảnh 2.

Rau lá Đà Lạt được cắt bán khi còn non để kịp đáp ứng nhu cầu của thị trường – Ảnh: M.VINH

Để đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho các đầu mối, nhiều thương lái đặt mua rau của nhà vườn ngay khi nông sản còn đến 4 tuần nữa mới tới kỳ thu hoạch.

Bà Nguyễn Linh Thủy (phường 7, TP Đà Lạt) cho biết: “Cách đây 4 ngày họ tới đặt mua vườn xà lách xoăn hơn 5.000m2 của tôi, hẹn 2 tuần nữa cắt. Nhưng mới 2 ngày họ đã cho người đến cắt toàn bộ rau còn non vì ‘đang hiếm hàng phải tranh thủ bán'”.

Việc thương lái mua rau non phổ biến tại vùng nông sản Đà Lạt trong thời điểm này.

Theo Trung tâm khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, giá nông sản cao như hiện nay là do nông sản cùng loại từ Trung Quốc không xuất sang Việt Nam từ sau tết.

Hàng tồn kho trong tết còn nhiều

Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu không chỉ trấn an đủ hàng mà còn khẳng định thực tế đang có lượng hàng tồn kho rất lớn từ trước tết.

Đại diện Vissan thông tin thực phẩm chế biến các loại của công ty đủ để cung ứng đến tháng 3-2021.

Công ty còn đang lo ngại tình trạng nghỉ học kéo dài của học sinh, sinh viên và người lao động chưa đổ về thành phố nhiều, các bếp ăn tập thể chưa hoạt động được… khiến lượng hàng tồn kho tăng.

Sở Công thương TP.HCM cho biết khi làm việc với các doanh nghiệp, phản hồi của họ là hàng hóa rất dồi dào, hàng bán tết chưa tiêu thụ hết cũng còn nhiều nên cần phải có những chương trình khuyến mãi để đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ.

Đủ cách chống gom hàng

Để đáp ứng sức mua, nhiều nhà bán lẻ có kế hoạch điều tiết trong việc đưa hàng lên quầy kệ trong nhiều khoảng thời gian khác nhau, khuyến cáo khách hàng không tích trữ, tránh hiện tượng khan hiếm giả tạo.

Theo đại diện Co.op Mart, trừ mặt hàng khẩu trang y tế và nước rửa tay khô đang thiếu, các mặt hàng thực phẩm tại đơn vị hiện lượng khá dồi dào, riêng các mặt hàng thiết yếu như gạo, trứng, thịt thường xuyên được châm lên kệ, thậm chí còn đang tăng lượng khuyến mãi.

“Trường hợp thiếu hàng ở một số điểm bán chỉ mang tính cục bộ do khách hàng mua nhiều trong thời gian ngắn và nhân viên chưa kịp thời bổ sung hàng lên kệ”, đại diện đơn vị này khẳng định.

Theo ghi nhận rộng hơn tại nhiều thời điểm và tại nhiều hệ thống siêu thị, hầu hết các mặt hàng thực phẩm hiện khá dồi dào. Ngay những sản phẩm hút hàng như trứng gia cầm, bưởi, cam, chanh, thực phẩm tươi sống… cũng khá nhiều.

Sở Công thương TP.HCM cho biết đơn vị vừa làm việc với 200 nhà phân phối, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, kết nối nguồn hàng hóa thiết yếu, cung ứng cho thị trường và nhận được các báo cáo tích cực.

Thúc đẩy giảm giá, chia sẻ với người tiêu dùng

Bên cạnh những mặt hàng thiết yếu, nhiều mặt hàng đối mặt nguy cơ giảm giá, tiêu thụ chậm, thậm chí phải “giải cứu” do mất thị trường Trung Quốc.

Theo Sở Công thương TP.HCM, để kích cầu, giải phóng hàng hóa, sở sẽ làm việc với Sở Tài chính và các hệ thống phân phối đẩy mạnh chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng hóa thiết yếu, giúp doanh nghiệp giải phóng nhanh lượng hàng tồn kho.

Theo đó, sẽ có các chương trình liên kết giữa nhà sản xuất và nhà bán lẻ, cùng chia sẻ lợi nhuận để giảm giá hàng hóa ở mức 5 – 15%, tùy mặt hàng.

Riêng với những mặt hàng thiết yếu không tham gia trong chương trình bình ổn cũng sẽ cam kết không tăng giá và không để xảy ra tình trạng thiếu hàng.

Cam kết từ siêu thị

Thực tế, đại diện MM Mega Market VN cho biết hiện sản lượng hàng thiết yếu dự trữ quý này của đơn vị hơn 1.200 tỉ, trong đó nhiều mặt hàng tăng từ 19-40% lượng nhập từ nhà cung cấp.

Do đó, hầu hết các sản phẩm thiết yếu không thiếu hàng, thậm chí nhiều mặt hàng như trái cây, thịt, rau đang giảm giá so với trước.

Riêng với hai mặt hàng nóng bỏng nhất hiện nay, đơn vị làm việc với các đối tác để sản xuất khoảng 300.000 chiếc khẩu trang vải có chức năng kháng khuẩn. Nếu đơn hàng thuận lợi sẽ tung ra thị trường ngay trong tháng này.

Về việc đủ nguồn cung và giá bán ổn định, theo Saigon Co.op là nhờ quan điểm “chia sẻ vì cộng đồng” của đối tác.

Theo đó, các đối tác cung cấp hàng của Saigon Co.op phải cam kết về sự ổn định về giá và sản lượng trong thời gian dài.

Theo đại diện Big C, hiện đơn vị đã đặt hàng nhà cung cấp 500.000 khẩu trang, 120.000 chai nước rửa tay kháng khuẩn.

Lượng mì gói đủ cung cấp trong 3 tháng nên dù nhu cầu tăng gấp 3 lần vẫn đủ hàng, với mặt hàng tươi sống nếu nhu cầu tăng gấp 5 lần ngày thường vẫn không thiếu.

Ông Trần Tuấn Anh (bộ trưởng Bộ Công thương):

Không để thiếu hụt nguyên liệu sản xuất

Nhằm tăng nguồn cung cho thị trường, Cục Công nghiệp là đầu mối làm việc với các doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất vải kháng khuẩn, đảm bảo nguồn cung cho sản xuất; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện tác động của dịch bệnh đến sản xuất công nghiệp và các ngành kinh tế liên quan, đặc biệt là chuỗi cung ứng có sự tham gia của Việt Nam và các quốc gia khác, tránh làm gián đoạn nguồn cung, thiếu hụt nguyên liệu sản xuất.

Với khẩu trang, Tổng cục Quản lý thị trường cần đấu tranh chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá để trục lợi; có văn bản đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính phối hợp để yêu cầu niêm yết giá, đối chiếu với giá cung ứng của 38 cơ sở sản xuất khẩu trang y tế để xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, sớm có hướng dẫn xử lý rác thải để có cơ sở ngăn chặn việc lợi dụng kẽ hở đưa vào tái sử dụng…

Ông Trần Duy Đông (vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương):

Thúc đẩy tiêu thụ khẩu trang vải

Đối với mặt hàng khẩu trang, chúng tôi đã làm việc với Saigon Co.op để tăng năng lực cung ứng sản phẩm khẩu trang kháng khuẩn; phối hợp với Aeon vận chuyển hơn 16.000 khẩu trang y tế.

Để chuẩn bị cho sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, chúng tôi phối hợp với các doanh nghiệp may mặc, có kế hoạch sản xuất, xử lý hóa chất sản xuất 6-7 tấn vải kháng khuẩn, đủ sản xuất 300.000 – 400.000 khẩu trang kháng khuẩn/ngày.

Để thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng này, Vụ Thị trường trong nước đã làm việc với các nhà phân phối lớn nhằm đưa mặt hàng khẩu trang vải vào hệ thống siêu thị, giúp bình ổn thị trường và giảm tình trạng khan hiếm khẩu trang. (NGỌC AN ghi)

NGUYỄN TRÍ – NHƯ BÌNH – MAI VINH
TTO