26/12/2024

Khẩu trang vải liệu có phòng chống được virus corona

Khẩu trang vải liệu có phòng chống được virus corona

Các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với khẩu trang vải nhằm khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, phục vụ cho phòng chống dịch bệnh, khắc phục việc khan hiếm nguồn cung khẩu trang y tế hiện nay.

 

 

 

Khẩu trang vải liệu có phòng chống được virus corona - Ảnh 1.

Khẩu trang được kiểm tra kỹ trước khi đóng gói tại Công ty Mebiphar (Q.Tân Phú, TP.HCM) – Ảnh: N.PHƯỢNG

Ông PHẠM TUẤN ANH – phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) – đã cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về các giải pháp đối phó với tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế trên thị trường, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp trong khi nguồn cung nguyên liệu sản xuất sản phẩm này hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc.

Ông Tuấn Anh khẳng định: Việc huy động doanh nghiệp (DN) dệt may tập trung sản xuất khẩu trang vải sẽ thuận lợi hơn và nhanh hơn rất nhiều nếu cơ quan chức năng có văn bản hướng dẫn về quy cách, đồng thời tuyên truyền thông tin về loại khẩu trang vải có thể sử dụng để phòng ngừa dịch bệnh hay không.

* Nhu cầu về khẩu trang y tế để phục vụ phòng chống dịch ngày càng tăng, năng lực sản xuất của các DN liệu có đáp ứng được nhu cầu thị trường?

– Bộ Công thương đã phối hợp cùng sở công thương các địa phương làm việc với 40 DN sản xuất khẩu trang y tế trên cả nước. Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy ngay sau Tết Nguyên đán, các DN đều đã hoạt động trở lại. Hầu hết các DN cũng huy động hết nguồn lực, động viên công nhân tăng ca, nhà máy hoạt động 24/24 giờ cả ngày thứ bảy và chủ nhật.

Tuy nhiên, với nhu cầu thị trường tăng mạnh, các DN này khó có thể đáp ứng được. Đặc biệt, các DN sản xuất khẩu trang y tế cũng gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào do vải lọc kháng khuẩn chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc (do trong nước chưa sản xuất được), nhưng nguồn cung này đang khan hiếm. Các DN đang tìm cách nhập khẩu từ Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Malaysia.

Bộ Công thương đã trao đổi và đề nghị thương vụ VN tại Ấn Độ, Ai Cập và Hàn Quốc khẩn trương tìm nguồn nguyên liệu hỗ trợ DN. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguyên liệu để nhập khẩu cũng gặp khó khăn, chưa kể giá nguyên liệu rất cao. Ngày 7-2, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý miễn thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng phục vụ việc phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, trong đó có mặt hàng nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế.

Khẩu trang vải liệu có phòng chống được virus corona - Ảnh 2.

Ông Phạm Tuấn Anh – Ảnh: Ng.Hiền

* Ngành công thương có giải pháp nào để giải quyết vấn đề này, thưa ông?

– Một trong những giải pháp đã được ngành công thương triển khai là khuyến khích các DN dệt may sản xuất khẩu trang vải sử dụng nguyên liệu là vải kháng khuẩn, nhằm đáp ứng nhu cầu về khẩu trang phòng chống dịch.

Ngày 4-2, Cục Công nghiệp đã trình lãnh đạo Bộ Công thương ký công văn gửi Hiệp hội Dệt may VN, Tập đoàn Dệt may VN về việc tăng cường sản xuất khẩu trang phòng chống dịch do virus nCoV gây ra. Theo đó, đề nghị các đơn vị chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm nguồn nguyên liệu, tăng cường sản xuất và cung ứng các sản phẩm khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang vải, đáp ứng nhu cầu của người dân sử dụng phòng chống dịch bệnh.

Những ngày gần đây, chỉ riêng Tập đoàn Dệt may VN đã đưa ra thị trường gần 100.000 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn. Lượng khẩu trang được làm từ vải dệt kim kháng khuẩn và vải kháng khuẩn không dệt đang tăng dần, với năng lực cung ứng là 40.000 – 60.000 chiếc/ngày và ngày 10-2 dự kiến tăng lên 200.000 chiếc/ngày. Từ ngày 14-2, năng lực cung ứng đạt 400.000 – 500.000 khẩu trang kháng khuẩn/ngày.

* Nhưng phần lớn các DN dệt may chưa từng sản xuất khẩu trang, chưa kể DN còn phải tổ chức sản xuất sản phẩm may mặc để đáp ứng các đơn hàng đã ký kết trước đó?

– Thông tin từ Hiệp hội Dệt may VN cho biết năng lực may của DN thành viên rất lớn. Dù chưa từng sản xuất khẩu trang nhưng trước diễn biến của dịch bệnh, một số DN đã chủ động may khẩu trang vải để phục vụ công nhân viên trong nội bộ, hoặc phát miễn phí cho người dân.

Trường hợp cần thiết và khi có yêu cầu, DN sẵn sàng huy động sản xuất, dành nguồn hàng với sản lượng lớn. Theo đó, DN dệt may một mặt vẫn duy trì sản xuất quần áo và các sản phẩm theo đơn hàng đã ký với khách hàng, một mặt bố trí thiết bị, nguyên liệu và nhân lực để sản xuất khẩu trang phục vụ cộng đồng. Năng lực sản xuất có thể đạt 2 triệu khẩu trang vải/ngày (có tính đến năng lực sản xuất vải), trong đó có 700.000 khẩu trang vải kháng khuẩn/ngày.

Nếu các DN giãn các đơn hàng quần áo và các sản phẩm khác, năng lực sản xuất có thể đạt 15 triệu khẩu trang vải/ngày và có thể nhiều hơn. Một khi các DN dốc toàn lực cho sản xuất khẩu trang, sản lượng sẽ tăng lên rất nhiều.

* Liệu các khẩu trang vải này có đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch, thưa ông?

– Bộ Công thương đã yêu cầu các DN sản xuất khẩu trang vải, dù trong tình huống cấp bách cũng phải thực hiện việc công bố hợp quy theo quy định đối với sản phẩm may mặc. Tuy nhiên, nhiều DN đề nghị cơ quan chức năng cần có văn bản hướng dẫn về quy trình sản xuất, quy cách khẩu trang vải như thế nào là hữu dụng trong việc ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh do nCoV gây ra.

Chẳng hạn, khẩu trang bao nhiêu lớp, có thể sử dụng vải với độ dày – mỏng như thế nào, chất liệu gì? Có tiêu chuẩn về mặt cơ lý hay hóa học thế nào không?… Nhiều DN cho biết nếu có các tiêu chuẩn, họ sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, sản xuất và cung ứng số lượng lớn khẩu trang vải ra cộng đồng. Bởi nếu DN sản xuất khẩu trang vải số lượng lớn ra thị trường mà không phù hợp hoặc không đảm bảo phục vụ phòng chống dịch bệnh (nCoV) sẽ không tiêu thụ được, gây ra sự lãng phí lớn và ảnh hưởng tới môi trường.

Do đó, Cục Công nghiệp đã làm việc với Vụ Trang thiết bị và công trình y tế – Bộ Y tế, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị sớm có văn bản hướng dẫn về vấn đề này. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đề nghị Bộ Y tế phối hợp dự báo được nhu cầu số lượng khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang vải thông thường để làm cơ sở huy động DN chuẩn bị cho sản xuất trong trường hợp cần thiết.

Cần ít nhất tới 9,7 triệu chiếc khẩu trang/ngày

Trao đổi với Tuổi Trẻ, vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế – Bộ Y tế Nguyễn Minh Tuấn cho biết dù các nhà sản xuất đã hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu thị trường do nhiều nguyên nhân như người tiêu dùng và các doanh nghiệp tăng mua, nguồn nguyên liệu khan hiếm…

Cũng theo ông Tuấn, dự kiến trong ngày 10-2, Bộ Y tế và Bộ Công thương sẽ có cuộc họp với các nhà sản xuất khẩu trang, tiếp tục tháo gỡ khó khăn về nguồn nguyên liệu và có khuyến cáo cụ thể để người dùng lựa chọn.

Theo dự báo của Bộ Y tế, với kịch bản dịch bùng phát và lan rộng ở cấp độ 4, nhu cầu khẩu trang cho 5-10% dân số là 2 chiếc/ngày/người, nhu cầu sẽ lên tới 9,7 – 19,4 triệu khẩu trang/ngày. Trước mắt, nhu cầu với 5% dân số sử dụng vào khoảng 9,7 triệu khẩu trang/ngày.

L.ANH

NGỌC AN
TTO