Mỗi ký ớt lỗ gần 10.000 đồng
Nếu như trước tết 2020, tại Đồng Tháp giá ớt được thương lái thu mua từ 13.000 – 15.000 đồng/kg, thì hiện nay chỉ còn 6.000 – 7.000 đồng/kg. Theo tính toán của người trồng ớt, chi phí sản xuất, công lao động cho 1 ký ớt khoảng 15.000 đồng. Với giá bán như trên nông dân thua lỗ gần 10.000 đồng/kg.
Bà Trần Thị Mai Hoa, ấp Tân Thuận A, xã Tân Mỹ, H.Lấp Vò trồng 2.500 m2 ớt đang giai đoạn thu hoạch than: “Giá ớt quá rẻ nên tôi bị lỗ nặng. Thời điểm này năm rồi giá bán hơn 20.000 đồng/ký”.
Mặt hàng ớt tại H.Thanh Bình (Đồng Tháp) tiêu thụ khó khăn Ảnh: Trần Ngọc
H.Thanh Bình (Đồng Tháp) có vài trăm hecta ớt hiện bước vào chính vụ thu hoạch, tuy nhiên do thị trường Trung Quốc không nhập ớt nên các thương lái chỉ thu mua cầm chừng để tiêu thụ nội địa. Anh Nguyễn Phước Nhờ, chủ vựa ớt Phước Nhờ ở thị trấn Thanh Bình, H.Thanh Bình, vừa bị thua lỗ gần 300 triệu đồng vì 3 xe container ớt không xuất qua Trung Quốc được. “Ngày 27 tết 3 xe ớt của tôi có mặt tại cửa khẩu ở Lạng Sơn nhưng chờ 10 ngày vẫn không qua cửa khẩu được. Tôi đành phải quay về Bình Định thương lượng bán được 1 xe và còn lại 2 xe vài chục tấn phải mang về Đồng Tháp phơi khô”.
Không chỉ ớt, nông dân trồng khoai lang tại Đồng Tháp cũng như ngồi trên đóng lửa do đến ngày thu hoạch mà thương lái thu mua chỉ lác đác vài người. Ông Nguyễn Văn Hai, một hộ trồng khoai ở ấp Tân Thuận, xã Tân Phú cho biết: “Toàn xã Tân Phú có 650 ha khoai, trong đó hơn 80% là giống khoai lang tím để xuất khẩu sang Trung Quốc. Mọi năm thời điểm này, ngoài đồng cảnh thu hoạch khoai vui như hội. Giờ khoai đến ngày thu hoạch nhưng gọi cho thương lái đều nói không mua hoặc thu rất nhỏ giọt”.
Thống kê toàn H.Châu Thành, diện tích trồng khoai ở 2 xã Phú Long, Tân Phú lên đến gần 1.000 ha. Giá khoai lang tím hiện nay chỉ khoảng 400.000 đồng/tạ, giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Xoài sụt giá mạnh
Tương tự với trái xoài. Đồng Tháp có diện tích trồng xoài hơn 9.600 ha, chiếm 18% diện tích trồng xoài của toàn vùng ĐBSCL, chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Thế nhưng gần đây các công ty, doanh nghiệp xoài tại Đồng Tháp không nhận được đơn đặt hàng từ nước này nên việc thu mua xoài rất “nhỏ giọt”.
Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp (phường 11, TP.Cao Lãnh) thông tin, các năm trước trung bình mỗi tháng đơn vị thu mua và xuất khẩu 500 tấn xoài các loại. Còn năm nay mỗi tháng chỉ xuất 100 tấn, vì không có các đơn đặt hàng từ thị trường Trung Quốc.
Khác với cảnh mua bán nhộn nhịp như các năm trước, thời điểm này các vựa xoài và công ty chuyên thu mua xoài xuất khẩu tại TP.Cao Lãnh và H.Cao Lãnh khá đìu hiu. Đến nay, nhiều công ty chuyên xuất khẩu xoài vẫn còn đóng cửa chưa hoạt động sau kỳ nghỉ tết. Một số ít công ty tiến hành thu mua, nhưng chủ yếu phục vụ cho thị trường trong nước nên sản lượng có hạn.
Không có đầu ra nên các nhà vườn rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. Anh Nguyễn Văn Tân, có hơn 10 công xoài ở xã Mỹ Hiệp, H.Chợ Mới (An Giang) cho biết: “Nhiều nông dân có xoài bán nhưng kêu thương lái đến bán hoài không được. Mỗi công xoài tốn cả chục triệu đồng đầu tư, nhưng không có đầu ra nông dân rất khó khăn”.
Xoài tại Đồng Tháp giảm giá sâu do ít có đơn hàng từ thị trường Trung Quốc Ảnh: Trần Ngọc
Giá xoài tại Đồng Tháp đang giảm sâu. Trước tết, xoài Đài Loan loại 1 giá bán mỗi ký gần 20.000 đồng/kg, đến ngày 6.2 chỉ còn 8.000 đồng/kg. Giá xoài Cát Chu thương lái mua tại vườn cũng chỉ 15.000 – 18.000 đồng/kg, trong khi trước tết có giá hơn 20.000 đồng/kg.
Thanh long ruột đỏ tại Đồng Tháp tuy diện tích không lớn bằng các tỉnh Tiền Giang, Long An nhưng nhà vườn cũng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, giá giảm giá nặng nề, từ 44.000 đồng/kg trước tết hiện nay giá chỉ còn 5.000 đồng/kg.
Bà Võ Phương Thủy, Phó giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp, cho biết: “Ảnh hưởng từ dịch bệnh do virus Corona tại Trung Quốc đã tác động lớn đến tình hình tiêu thụ của một số loại nông sản của tỉnh. Ngành công thương sẽ phối hợp với các siêu thị, nhà bán lẻ giúp nông dân đưa hàng đi tiêu thụ trước đối với các loại nông sản cần tiêu thụ gấp như thanh long, ổi… Hiện nay, Sở đang yêu cầu các huyện tổng hợp sản lượng các loại nông sản chủ lực của từng địa phương đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ để tham mưu với UBND tỉnh có giải pháp hỗ trợ”.
Đại diện của Siêu thị Big C khu vực phía nam cho biết, sẽ đồng hành tiêu thụ mỗi tuần từ 15 – 20 tấn thanh long cho nông dân Đồng Tháp, đồng thời xem xét đưa vào hệ thống siêu thị một số loại nông sản khác.
TRẦN NGỌC