25/12/2024

Linh động điều chỉnh kế hoạch dạy học

Phóng viên Tuổi Trẻ trao đổi với PGS.TS NGUYỄN XUÂN THÀNH – phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT – về kế hoạch học tập cho các trường trong thời gian phòng dịch virus corona ngày 5-2.

 

Linh động điều chỉnh kế hoạch dạy học

Phóng viên Tuổi Trẻ trao đổi với PGS.TS NGUYỄN XUÂN THÀNH – phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT – về kế hoạch học tập cho các trường trong thời gian phòng dịch virus corona ngày 5-2.


 

Linh động điều chỉnh kế hoạch dạy học - Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học Trung Đô, TP Vinh (Nghệ An) vẫn đến trường sáng 5-2 – Ảnh: DOÃN HÒA

 

Ông Thành cho biết: Hướng dẫn 269/BGDĐT-GDTC vừa được Bộ GD-ĐT ban hành đã yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các trường học chủ động xây dựng kế hoạch học bù trong khung thời gian năm học đã quy định tại quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT.

Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương chủ động, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch dạy học, tổ chức dạy học bù và ôn tập cho học sinh phù hợp điều kiện thực tiễn.

* Thưa ông, trước tình hình các trường nghỉ học phòng dịch bệnh do virus corona gây ra, bộ có hướng dẫn gì cho các trường trong kế hoạch học tập?

– Theo khung thời gian năm học do Bộ GD-ĐT ban hành, học kỳ II của năm học sẽ kết thúc trước ngày 25-5, kết thúc năm học vào trước ngày 31-5. Các sở GD-ĐT triển khai xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS trước ngày 15-6.

Kỳ thi THPT quốc gia sẽ theo hướng dẫn cụ thể của Bộ GD-ĐT.

Việc điều chỉnh để thực hiện kế hoạch dạy học phải đảm bảo các nguyên tắc có ít nhất 35 tuần thực học với cấp mầm non, tiểu học; 37 tuần thực học với cấp THCS, THPT và 32 tuần thực học với giáo dục thường xuyên.

Trong khung kế hoạch thời gian năm học đã tính quỹ thời gian dự phòng trong năm học, cũng đã tính đến tình huống học sinh phải nghỉ học do thiên tai, bệnh dịch, thời tiết khắc nghiệt.

Dựa trên khung thời gian này, các nhà trường có thể xây dựng lịch học bù đảm bảo thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục như quy định ở các cấp học, đảm bảo cho học sinh có đủ kiến thức, kỹ năng để hoàn thành các yêu cầu đánh giá quá trình và cuối cấp như quy định tại khung thời gian năm học.

* Dịch bệnh do virus có thể kéo dài. Trong trường hợp đó, ngành giáo dục có những biện pháp cụ thể nào để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên khi trở lại trường?

– Hầu hết các tỉnh, thành đã cho học sinh tạm nghỉ học đều có thời hạn 1 tuần. Trên thực tế, tuần học sinh tạm nghỉ này, các nhà trường vẫn hoạt động.

 

Bộ cũng đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục về những việc cần làm trong thời gian này như tiến hành vệ sinh, khử trùng trường học, trang bị vật dụng phòng ngừa dịch bệnh, xây dựng kế hoạch dạy bù, hướng dẫn giáo viên, học sinh theo dõi tình hình sức khỏe…

Việc cho học sinh nghỉ học trong thời gian này giúp nâng cao nhận thức cho giáo viên và học sinh; hướng dẫn học sinh các biện pháp phòng tránh; các nhà trường có thời gian tổ chức vệ sinh trường lớp; từ đó có sự đầu tư, quan tâm cho công tác phòng dịch, chuẩn bị sẵn sàng khi đón học sinh trở lại trường.

Các cấp quản lý và nhiều cơ sở giáo dục cũng đã chủ động xây dựng kịch bản với những phương án phòng chống dịch. Nhiều trường đã trang bị thêm xà phòng, nước rửa tay, dung dịch rửa tay cho các lớp học. Nhiều nơi cũng đã chuẩn bị khẩu trang để cấp miễn phí cho học sinh và giáo viên.

* Học sinh cuối cấp, đặc biệt là học sinh lớp 12 sắp phải tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2020. Ông chia sẻ gì với những thí sinh của kỳ thi năm nay?

– Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 về cơ bản không có thay đổi lớn. Đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.

Vì thế giáo viên có thể hướng dẫn từ xa bằng các hình thức phù hợp như đã nêu ở trên để học sinh tự ôn tập kiến thức cơ bản trong chương trình đã học, tham khảo đề thi minh họa năm 2019 do Bộ GD-ĐT đã công bố (năm 2020 Bộ GD-ĐT không công bố đề thi minh họa vì cấu trúc đề thi không thay đổi so với năm 2019 – PV).

Giáo viên bộ môn các nhà trường có thể hướng dẫn học sinh làm đề cương ôn tập ở các môn học liên quan tới bài thi THPT quốc gia, hướng dẫn học sinh ôn tập qua hệ thống câu hỏi, trả lời, bài tập ôn luyện được xây dựng theo ma trận đề thi của Bộ GD-ĐT.

Với các phương tiện và công nghệ hiện nay, giáo viên có thể có nhiều hình thức phù hợp để hỗ trợ học sinh tự học, ôn tập để có kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới…

Duy trì việc dạy, học

Bên cạnh việc phòng dịch, một số trường đã chủ động hướng dẫn học sinh tự học ở nhà thông qua nhiều hình thức khác nhau như tin nhắn, email, group của lớp, trang web của trường hoặc sổ liên lạc điện tử vốn đã được phần lớn các trường áp dụng…

Các hình thức này cho phép học sinh nghỉ ở nhà nhưng vẫn có thể tương tác với thầy cô, nhận nhiệm vụ học tập, được giáo viên chấm bài, chữa bài.

Đây là những giải pháp tích cực ứng phó với dịch bệnh và duy trì việc dạy học. Vì thế, việc cần làm của phụ huynh, học sinh là bình tĩnh, chủ động có các biện pháp phòng dịch.

 

 

 

VĨNH HÀ thực hiện

TTO