25/12/2024

Cúm mùa và virus corona cái nào đáng lo hơn?

Virus chủng corona mới gây viêm phổi cấp đang thu hút sự quan tâm toàn cầu. Nhưng còn đó một dịch cúm tấn công khắp các nước: cúm mùa.

 

Cúm mùa và virus corona cái nào đáng lo hơn?

Virus chủng corona mới gây viêm phổi cấp đang thu hút sự quan tâm toàn cầu. Nhưng còn đó một dịch cúm tấn công khắp các nước: cúm mùa.

 


Cúm mùa và virus corona cái nào đáng lo hơn? - Ảnh 1.

Bên trong một bệnh viện tại bang California, Mỹ – Ảnh: REUTERS

 

Là người đọc tin trên báo chí và mạng xã hội những ngày này, bạn hẳn chứng kiến những cuộc tranh cãi. Vì virus corona không chỉ gây bệnh, nó còn tạo ra mâu thuẫn xã hội. Bạn có “pray for China” không? Bạn có đang làm quá khi nói về nguy cơ đại dịch corona không?

Tới nay, virus chủng corona mới gây viêm phổi cấp (2019-nCoV), đã khiến gần 30.000 người nhiễm bệnh với hơn 560 trường hợp tử vong, lan sang ít nhất 25 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Nhưng liệu virus corona này có thực sự nguy hiểm? Nhóm phản đối không nghĩ vậy. Họ cho rằng cúm mùa mới là đại dịch, chứ không phải “sản phẩm truyền thông xã hội” 2019-nCoV. 

Tính riêng ở Mỹ, cúm mùa đã khiến 19 triệu người nhiễm bệnh, 180.000 người nhập viện và 10.000 người chết riêng mùa này, theo số liệu của Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh CDC.

Chưa kể, không phải thuộc dạng “mới” như nCoV, cúm mùa đã là đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học suốt hàng thập kỉ nay.

Nhưng nói theo chiều ngược lại, điều đó cũng phần nào cho thấy chúng ta đã biết nhiều về virus gây cúm mùa và đoán được phần nào thương vong của năm nay. Còn đối với nCoV, những người lo ngại có lý do để… lo ngại: nó quá mới, chưa ai biết quá rõ về nó và giờ cái đáng sợ là mức độ lây lan và khả năng gây chết người.

Dẫu sao, tranh cãi cũng nổ ra. Còn nhiệm vụ của giới khoa học là cung cấp kiến thức để người dân phòng ngừa, hoặc ít nhất có cơ sở để cãi nhau. Và trang Live Science ngày 5-2 có bài viết phân biệt giữa cúm mùa với virus corona dựa trên những gì đã biết tính tới nay.

Triệu chứng và mức độ nghiêm trọng

Cả cúm mùa (gồm virus cúm A và cúm B) lẫn 2019-nCoV đều là virus truyền nhiễm gây bệnh đường hô hấp.

Khi bị cúm, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng điển hình như sốt, ho, đau họng, đau cơ, nhức đầu, chảy nước mũi, nghẹt mũi, mệt mỏi… đôi lúc cúm còn gây nôn mửa và tiêu chảy. 

Những triệu chứng này xuất hiện đột ngột và hầu hết người bị cúm sẽ hồi phục sau chừng hai tuần. Nhưng cũng có những người chịu biến chứng của cúm dẫn tới viêm phổi. Trong mùa cúm năm nay, khoảng 1% người dân Mỹ đã có biểu hiện nghiêm trọng tới mức nhập viện.

Với 2019-nCoV, các bác sĩ tới nay đang cố tìm hiểu một bức tranh đầy đủ nhất về các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng khi mắc bệnh. Trong một nghiên cứu gần đây về khoảng 100 người bị nhiễm virus corona, công bố vào ngày 30-1 trên tạp chí Lancet, các triệu chứng phổ biến nhất là sốt, ho và khó thở.

Chỉ có khoảng 5% bệnh nhân trong nghiên cứu đó cho biết có đau họng và chảy nước mũi, và chỉ 1-2% báo cáo về biểu hiện tiêu chảy, nôn và buồn nôn. Trong số hơn 20.000 trường hợp được báo cáo ở Trung Quốc cho tới nay, khoảng 14% đã được chẩn đoán nghiêm trọng, theo dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 4-2.

Cũng theo WHO, điều quan trọng là các loại virus gây bệnh đường hô hấp thường khiến bệnh nhân có các triệu chứng tương tự nhau, nên rất khó phân biệt nếu chỉ dựa vào báo cáo triệu chứng từ bệnh nhân.

Tỉ lệ tử vong

Cho đến lúc này của mùa cúm năm nay, có khoảng 0,05% những người bị cúm đã chết vì virus ở Mỹ, theo dữ liệu của CDC.

 

Với 2019-nCoV – virus corona mới – tỉ lệ tử vong vẫn chưa rõ ràng do dịch đang tiếp diễn, nhưng dường như cao hơn so với cúm. Trong suốt đợt bùng phát năm nay, nCoV có tỉ lệ tử vong rơi vào khoảng 2%.

Có điều, trong một cuộc họp báo ngày 28-1, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar lưu ý rằng nCoV chưa hẳn nguy hiểm như bản chất của nó. Theo ông Azar, đây là đợt bùng phát khởi điểm, nên số ca tử vong sẽ cao. Tỉ lệ tử vong có thể sẽ xuống thấp hơn khi các trường hợp nhiễm virus corona nhẹ hơn được xác định.

Khả năng lây nhiễm

Cách thức các nhà khoa học dùng để xác định mức độ dễ lây lan của virus được dựa trên “hệ số lây nhiễm cơ bản” R0 (phát âm là R-naught). Đây là cách ước tính số người trung bình nhiễm virus từ một ca nhiễm virus. Ví dụ một virus có R0 bằng 5 tức một người nhiễm có thể lây cho 5 người. Hiện nay theo New York Times, R0 của cúm mùa là khoảng 1,3.

Các nhà nghiên cứu tới nay vẫn tìm cách xác định R0 cho virus chủng corona mới. Hôm 29-1, một nghiên cứu công bố trên tạp chí y học New England (NEJM) ước tính giá trị R0 của 2019-nCoV là 2,2, tức cứ một người nhiễm thì hơn 2 người khác sẽ bị lây.

Nhưng theo Live Science, điều quan trọng cần lưu ý là R0 không nhất thiết là chỉ số bất biến. Ước tính R0 có thể thay đổi theo vị trí địa lý, phụ thuộc vào các yếu tố khác như tần suất người bị nhiễm tiếp xúc với người khác và nỗ lực giảm sự lây lan của virus.

Nguy cơ nhiễm bệnh

Theo ước tính của CDC, trung bình khoảng 8% dân số nước Mỹ bị cúm mỗi mùa. Cũng ở Mỹ lúc này, có 11 trường hợp nhiễm virus corona, nhưng CDC cho biết rằng các loại virus mới bùng phát như 2019-nCoV luôn là mối quan tâm cho sức khỏe cộng đồng. Hiện nay cơ quan này cũng khuyến cáo cẩn thận vì không rõ tình hình virus mới sẽ diễn biến ra sao, song nhìn chung, nguy cơ sức khỏe tức thời đối với 2019-nCoV vẫn còn thấp.

Cái nào là đại dịch?

2019-nCoV và cúm mùa, cái nào “xứng danh đại dịch”? Có vẻ tới nay cả hai đều sai.

Dịch bệnh hàng năm như cúm mùa không được nhầm lẫn với “đại dịch cúm”. Sự bùng phát toàn cầu của một loại virus gây cúm mới cũng rất khác với các chủng virus gây cúm đang hiện diện. 

Lấy ví dụ vào năm 2009, đại dịch cúm lợn giết chết khoảng 151.000 – 575.000 người trên toàn cầu thì gọi là đại dịch, còn cúm mùa hiện nay không gọi là đại dịch, không tuyên bố đại dịch.

Với 2019-nCoV, tới nay loại virus này cũng chưa được tuyên bố đại dịch do phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong xảy ra ở Trung Quốc.

Ngày 30-1, WHO tuyên bố 2019-nCoV là “tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng đang được quốc tế quan tâm”, với mục đích cảnh báo khả năng lây lan tới các nước có hệ thống y tế yếu.

 

 

NHẬT ĐĂNG

TTO