Giải toả nông sản ‘tắc đường’ xuất khẩu
Hàng ngàn tấn nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc như thanh long, dưa hấu đang ùn ứ tại các cửa khẩu do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm phổi cấp do vi rút Corona (nCoV).
Giải toả nông sản ‘tắc đường’ xuất khẩu
Hàng ngàn tấn nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc như thanh long, dưa hấu đang ùn ứ tại các cửa khẩu do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm phổi cấp do vi rút Corona (nCoV).
Thanh long Việt Nam chuyển hướng xuất khẩu sang Ấn Độ ngay trong ngày đầu năm 2020 Ảnh: Quốc Duẩn
Thanh long, dưa hấu là 2 loại trái cây được người dân Trung Quốc ưa chuộng, tiêu thụ rất mạnh trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán hằng năm nhưng hiện tại hàng ngàn tấn nông sản này đang ùn ứ tại các cửa khẩu do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Không tiếp tục đưa hàng lên biên giới
Chiều 3.2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh chủ trì hội nghị với đại diện các tỉnh biên giới phía bắc, các tỉnh phía nam và các hiệp hội, ngành hàng để đánh giá tác động của dịch bệnh viêm phổi cấp do vi rút Corona (nCoV) đối với thương mại nông lâm sản, thủy sản giữa Việt Nam – Trung Quốc.
Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết Trung Quốc ra lệnh đóng cửa 9 cặp chợ biên giới khiến xuất khẩu nông sản lập tức ùn ứ. Theo thống kê ở các cửa khẩu tại Lạng Sơn vẫn còn khoảng trên 330 xe đang chờ thông quan, trong đó riêng thanh long có 190 xe, tổng trọng lượng hơn 3.500 tấn.
Giá thanh long trước tết là 35.000 đồng/kg thì nay giảm xuống còn 3.000 – 4.000 đồng/kg; dưa hấu cũng chỉ còn 1.000 – 2.000 đồng/kg.
Ông Trưởng khẳng định mấu chốt hiện nay là lệnh cấm tụ tập đông để kiểm soát dịch bệnh khiến hệ thống chợ, nhà hàng, chuỗi bán lẻ đều không hoạt động, nhu cầu tiêu thụ giảm sút. Trong khi đó, xe hàng nếu không có hợp đồng tiêu thụ, chỉ là hàng bán chợ thì thông quan sang cũng không có nơi bán hàng khi các chợ đầu mối ngừng hoạt động. “Xe vẫn ùn ứ ở cửa khẩu mà hàng vẫn cứ lên cửa khẩu. Chúng tôi khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngừng đưa hàng lên Lạng Sơn hoặc tìm giải pháp tiêu thụ trong nội địa, phía Trung Quốc không nhập thì có đưa lên xe hàng cũng phải nằm chờ, tốn kém chi phí”, ông Trưởng nói.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản hiện chậm lại, sụt giảm so với cùng thời điểm năm ngoái. Nhiều đơn hàng doanh nghiệp ký với phía Trung Quốc gần đến ngày giao nhưng họ thông báo nhận hàng chậm so với hợp đồng. Không chỉ khó khăn ở đường bộ, một số hãng tàu biển chuyên đi Trung Quốc cũng thông báo ngừng vận chuyển container đến nước này khiến lượng hàng tồn kho ngày càng lớn.
Với mỗi đơn vị hàng bảo quản lưu kho hiện nay doanh nghiệp đang phải thiệt hại 0,9 – 1 USD. “Qua bàn bạc với các đối tác Trung Quốc, sau dịch bệnh người tiêu dùng thường chuộng sản phẩm đồ hộp, đồ đông lạnh hơn là đồ tươi sống nên chúng tôi cũng khuyến cáo doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến, chuẩn bị sẵn nguồn hàng trong chu kỳ 3 – 5 tháng tới, dự báo thị trường Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ rất lớn”, ông Nam nói.
Giảm lãi vay, miễn thuế và tìm thị trường mới
Ông Phạm Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết dự báo sản lượng thanh long đạt 320.000 tấn, trong đó 75% bán qua Trung Quốc, phần còn lại xuất khẩu sang Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Nhưng hiện ghi nhận 2 doanh nghiệp đã hủy các đơn hàng khoảng 500 container xuất đi Trung Quốc. Hiện tại, thanh long tồn đọng khoảng 20.000 tấn nhưng sản lượng thu hoạch trong tháng 2 đạt khoảng 28.000 tấn. Trong khi đó, sản lượng lưu trữ trong các kho lạnh toàn tỉnh hiện nay chỉ có sức chứa khoảng 7.000 – 8.000 tấn.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, dịch bệnh ảnh hưởng toàn diện đến các hoạt động xuất nhập khẩu nông sản, thủy sản giữa Việt Nam – Trung Quốc, dự báo có thể kéo dài 6 – 8 tháng.
Nhưng khó nhất đối với những mặt hàng nông sản vốn chỉ hướng đến thị trường Trung Quốc như thanh long, dưa hấu hiện nay là khó chuyển đổi thị trường khi các nước khác chưa được cấp phép nhập khẩu. Nhiều loại rau quả Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu về bao gói, truy xuất nguồn gốc.
Cũng theo ông Khánh, Trung Quốc và Thái Lan hiện đã có chính sách hỗ trợ các hoạt động giao thương bị ảnh hưởng của dịch bệnh viêm phổi cấp bằng cách cắt giảm các loại thuế, giảm lãi suất cho vay, hoãn trả vốn vay.
Thứ trưởng Bộ Công thương kiến nghị trong bối cảnh hiện nay, Bộ NN-PTNT tổng hợp nhu cầu của ngành nông nghiệp trình Chính phủ các biện pháp hỗ trợ tương tự để giúp các doanh nghiệp, nông dân vượt qua khó khăn, đặc biệt với ngành hàng trái cây. “Chúng tôi cũng đề nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính cùng vào cuộc, rà soát các loại thuế, phí nhất là phí vận chuyển đường bộ, thuế với nhiên liệu máy bay… để xem xét giảm thuế, phí cho hàng hóa lưu thông trong giai đoạn hiện nay”, ông Khánh bày tỏ.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng tác động từ dịch bệnh viêm phổi cấp với các mặt hàng nông sản đòi hỏi các địa phương tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp. Đối với dưa hấu, ông Cường đề nghị các tỉnh ngừng xuống giống mà chuyển sang các loại cây trồng khác giảm áp lực tiêu thụ trong những tháng tới. Còn đối với quả thanh long, Bộ trưởng NN-PTNT đề nghị các địa phương chủ động họp bàn với các doanh nghiệp thu mua, cơ sở chế biến thống nhất giải pháp xúc tiến thương mại, nâng công suất chế biến. Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương cam kết hỗ trợ kêu gọi các doanh nghiệp lớn đưa nông sản ùn ứ do gặp khó khi xuất khẩu sang Trung Quốc vào các chuỗi bán lẻ, cũng như kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ các kho lạnh để bảo quản thanh long.
Tích cực mở thêm thị trường mới
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Trung Quốc là thị trường tiêu thụ khổng lồ các mặt hàng nông sản Việt Nam nhưng nếu lệ thuộc duy nhất vào thị trường này sẽ rất rủi ro. Ngay trong tháng tới, Bộ NN-PTNT cử các đoàn đi xúc tiến thương mại nông sản ở Dubai, Brazil, Nhật Bản, Nga để mở thêm các thị trường mới cho các mặt hàng nông sản Việt Nam”.
Cũng theo ông Cường, dịch bệnh viêm phổi cấp không chỉ làm ngưng trệ hoạt động xuất nhập khẩu nông lâm sản, thủy sản mà thiệt hại gián tiếp khác là quá trình thương thảo xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm: sầu riêng, tổ yến, khoai lang… với phía Trung Quốc đang dần đi đến hồi kết nhưng đã bị đóng lại. Công tác ứng phó tác động dịch bệnh không quá hoảng sợ, bi quan mà phải tìm cách thích ứng, khai thác cơ hội khi thời gian tác động sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng tới.
PHAN HẬU
TNO