Thoả thuận quốc tế về thuế kỹ thuật số: Mỹ một mình chống thế giới
Chặng đường đàm phán một thoả thuận quốc tế về đánh thuế các công ty kỹ thuật số vẫn còn gập ghềnh. Mỹ tiếp tục chống trả với hàng trăm nước tham gia đàm phán.
Thoả thuận quốc tế về thuế kỹ thuật số: Mỹ một mình chống thế giới
Chặng đường đàm phán một thoả thuận quốc tế về đánh thuế các công ty kỹ thuật số vẫn còn gập ghềnh. Mỹ tiếp tục chống trả với hàng trăm nước tham gia đàm phán.
Trong tuyên bố chung công bố ngày 31-1 (giờ địa phương), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thông báo 137 quốc gia tham gia đàm phán thỏa thuận quốc tế về thuế kỹ thuật số đã nhất trí tiếp tục thương lượng.
Tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị kéo dài hai ngày do OECD chủ trì tại Paris (Pháp). Bộ trưởng Kinh tế và tài chính Pháp Bruno Le Maire đã hoan nghênh “một giai đoạn quan trọng” vừa mới vượt qua.
Phải tìm ra thỏa hiệp để mọi người đều thắng. Sóng gió sẽ xảy ra như trên máy bay vậy, nhưng tôi nghĩ sẽ không có tai nạn nào cả.
Ông Pascal Saint-Amans (giám đốc Trung tâm Chính sách và quản lý thuế của OECD)
Pháp cứng nhưng Mỹ cứng hơn
Trong thời gian qua, năm đại gia Mỹ Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft (viết tắt là nhóm GAFAM) với biệt danh “Big Five” (“Năm ông lớn”) đã thống trị lĩnh vực kỹ thuật số toàn cầu.
Tiền chảy vào túi năm đại gia này như nước sông Đà nhưng Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận họ chỉ trả bình quân 9% thuế trên lợi nhuận so với 23% của các công ty khác. Để tránh nộp thuế cao, nhóm GAFAM còn tìm đến các thiên đường thuế hoặc chuyển lợi nhuận qua các nước áp thuế thấp như Ireland chẳng hạn.
Trong bối cảnh các quy tắc thuế hiện hành đã lỗi thời và thế giới chưa có thỏa thuận quốc tế về thuế, một số nước ở châu Âu đã chọn giải pháp xây dựng luật thuế kỹ thuật số riêng. Quốc gia đi đầu là Pháp.
Pháp đã ban hành đạo luật đánh thuế các doanh nghiệp kỹ thuật số vào tháng 7-2019. Luật của Pháp áp thuế suất 3% trên doanh thu thực hiện ở Pháp thay vì trên lợi nhuận như cách thông thường và tiền thuế ước tính thu được khoảng 400 triệu euro.
Pháp làm được, các nước châu Âu khác cũng làm theo. Áo, Ý, Tây Ban Nha và Anh đã trình ra các dự luật thuế kỹ thuật số tương tự như Pháp. Mỹ lo ngại nếu không có biện pháp ngăn chặn, thuế kỹ thuật số sẽ như vết dầu loang.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump bèn tuyên bố Pháp áp thuế như thế là hành vi phân biệt đối xử. Để trả đũa, Mỹ đe dọa sẽ tăng thuế hải quan đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Pháp như pho mát, rượu vang, rượu sâm banh hoặc mỹ phẩm với trị giá tổng cộng 2,4 tỉ USD.
Trước sức ép của Mỹ, Pháp đành phải xuống nước. Bộ trưởng Pháp Bruno Le Maire tuyên bố “hưu chiến”. Pháp đồng ý hoãn đánh thuế đối với các đại gia Mỹ đến cuối năm 2020, bù lại Mỹ phải ngừng đe dọa đánh thuế hàng Pháp.
Chờ bầu cử Mỹ
Trong quá trình đàm phán, Mỹ muốn đưa vào thỏa thuận quốc tế một nguyên tắc gọi là “thuế tùy chọn”. Theo nguyên tắc này, các công ty kỹ thuật số Mỹ được tự do lựa chọn giữa hệ thống thuế hiện tại và các quy tắc đánh thuế tương lai. Hầu hết các đại biểu tham dự hội nghị vừa qua của OECD ở Paris đã thẳng thừng bác bỏ giải pháp tùy chọn này và tán thành kế hoạch của Tổng thư ký OECD Angel Gurria trình bày vào mùa thu năm ngoái.
Kế hoạch của OECD nhắm đến hai mục tiêu. Một là phân bổ lại một phần lợi nhuận của các doanh nghiệp kỹ thuật số cho các nước mà các doanh nghiệp này đang có hoạt động đáng kể. Hai là lập mức thuế tối thiểu áp dụng trên toàn cầu đối với mọi doanh nghiệp kỹ thuật số. OECD dự kiến kế hoạch sẽ đạt được thỏa thuận trước cuối năm nay và đi vào thực hiện từ năm 2021.
Hội nghị đàm phán tiếp theo do OECD chủ trì sẽ diễn ra vào tháng 7-2020 tại Berlin (Đức) để thảo luận các chi tiết kỹ thuật của thỏa thuận quốc tế về thuế kỹ thuật số (các công ty nào liên quan, quy tắc phân bổ lợi nhuận, mức thuế tối thiểu…).
Ông Pascal Saint-Amans, giám đốc Trung tâm Chính sách và quản lý thuế của OECD, ghi nhận: “Mỹ cứ theo đuổi con đường của mình dù không có cơ hội. Nhiều quốc gia phản đối biện pháp như thế”.
Bộ trưởng Pháp Bruno Le Maire đã gạt phắt quan điểm của Mỹ: “Chúng ta không có giải pháp tùy chọn nào để thảo luận”. Thậm chí Pháp, Ý và Tây Ban Nha đã tuyên bố sẽ sử dụng luật quốc gia để đánh thuế các công ty kỹ thuật số nếu OECD không đạt được thỏa thuận quốc tế nào vào cuối năm nay.
Trong giai đoạn tranh cử tổng thống ở Mỹ, ông Trump chắc chắn sẽ không “buông súng” đầu hàng song ông chấp thuận “hưu chiến” với Pháp đến cuối năm cũng nhằm có thời gian lo chuyện bầu cử.
Như vậy bóng ma chiến tranh thương mại vẫn còn ám ảnh. Hiện thời OECD đã chọn giải pháp an toàn là chỉ thảo luận giải pháp “thuế tùy chọn” của Mỹ vào cuối năm 2020 để nghe ngóng kết quả bầu cử Mỹ xem sao.
TTO