24/01/2025

Kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng hơn thời dịch SARS

Hậu quả của dịch virus corona đối với kinh tế Trung Quốc và toàn cầu dự báo sẽ khốc liệt hơn trận dịch SARS trước đây. Vai trò của Trung Quốc trong kinh tế thế giới đã quá lớn so với gần 20 năm trước.

Kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng hơn thời dịch SARS

 

Hậu quả của dịch virus corona đối với kinh tế Trung Quốc và toàn cầu dự báo sẽ khốc liệt hơn trận dịch SARS trước đây. Vai trò của Trung Quốc trong kinh tế thế giới đã quá lớn so với gần 20 năm trước.

Kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng hơn thời dịch SARS - Ảnh 1.

Apple thông báo sẽ đóng cửa tạm thời toàn bộ cửa hàng ở Trung Quốc, bao gồm cửa hàng Bắc Kinh trong ảnh, trước nguy cơ từ dịch virus corona – Ảnh: AFP

Hồi năm 2002, khi virus SARS xuất hiện ở Trung Quốc, các nhà máy của nước này gia công chủ yếu hàng hoá rẻ tiền như áo thun, giày thể thao… cho khách hàng khắp thế giới.

17 năm sau, tức thời điểm hiện tại, loại virus corona mới đang lây lan nhanh chóng ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Chỉ có điều Trung Quốc bây giờ đã là một mắt xích quan trọng của kinh tế toàn cầu, bất cứ sự gián đoạn, suy thoái nào do dịch bệnh cũng sẽ kéo theo cả hệ thống.

Theo báo New York Times, ngay thời điểm này, các công ty quốc tế lệ thuộc vào hệ thống nhà máy sản xuất và thị trường tiêu dùng Trung Quốc đã nhìn nhận về những khoản tổn thất khổng lồ sắp tới.

Trung Quốc hắt hơi, nhiều ông lớn sổ mũi

Apple, Starbucks, Ikea đã tạm đóng chuỗi cửa hàng ở Trung Quốc. Các trung tâm thương mại vắng tanh lập tức đe doạ doanh số của Nike (giày dép), Under Armour (quần áo), McDonald’s (thức ăn nhanh)…

Các nhà máy lắp ráp xe cho General Motors và Toyota đang ngừng hoạt động chờ công nhân quay lại sau tết Âm lịch, nhưng chính quyền đang kéo dài kỳ nghỉ để chặn tốc độ virus lây lan.

Các hãng hàng không quốc tế, bao gồm American, Delta, United (Mỹ), Lufthansa (Đức) và British Airways (Anh), đã huỷ mọi chuyến bay đến Trung Quốc.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có khả năng chỉ đạt 5,6% năm 2020, giảm từ mức 6,1% năm ngoái, theo một dự báo của hãng phân tích tài chính Oxford Economics (Anh) dựa trên đánh giá về ảnh hưởng của dịch corona tính đến thời điểm này.

Nếu điều đó xảy ra, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm 0,2% trong năm nay, xuống còn 2,3% – mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính cách đây một thập niên.

Kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng hơn thời dịch SARS - Ảnh 2.

Một trong những con đường đông đúc ở Bắc Kinh vắng tanh người qua lại hôm cuối tuần rồi – Ảnh: NYT

Chứng khoán mất ngay hàng trăm tỉ USD

Trở lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ dài, các nhà đầu tư Trung Quốc đã khiến thị trường bốc hơi hàng trăm tỉ USD ngay trong phiên giao dịch sáng thứ Hai (3-2). Thị trường chứng khoán khắp thế giới thì đã yểu xìu trong mấy ngày gần đây khi người ta cảm nhận trận dịch ở Trung Quốc sẽ gây ra một cú sốc kinh tế.

Có một dấu hiệu đáng chú ý khác, chính quyền Trung Quốc vừa lên kế hoạch bơm thêm hơn 170 tỉ USD vào nền kinh tế để giúp vực dậy thị trường tiền tệ và giải cứu các doanh nghiệp.

Trận dịch ngày càng tỏ ra đáng sợ này trùng với thời điểm tết Âm lịch trước hết đánh vào ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn của Trung Quốc. Ở thời điểm này nhiều cơ sở đã vắng khách, các sự kiện giải trí, thể thao thì bị huỷ…

Dù tết đã trôi qua, kinh doanh cũng khó trở lại như bình thường. Nhiều khu công nghiệp lớn, bao gồm Thượng Hải, Tô Châu và tỉnh Quảng Đông, đã kéo dài kỳ nghỉ thêm ít nhất 1 tuần, ngăn không cho công nhân quay lại nhà máy.

Cùng với việc các chuyến bay quốc tế đến Trung Quốc bị giới hạn và lệnh phong toả được ban bố ở nhiều nơi, hoạt động của các công ty đa quốc gia ở Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng. 

Các ngân hàng lớn như Goldman Sachs và JPMorgan Chase đã hướng dẫn nhân viên đi công tác Trung Quốc ở nhà 2 tuần để phòng bệnh.

Hiệu ứng cánh bướm

General Motors năm ngoái bán xe hơi ở Trung Quốc còn nhiều hơn ở Mỹ. Các nhà máy của hãng này sẽ phải đóng cửa ít nhất thêm 1 tuần theo yêu cầu của chính quyền Trung Quốc. Ford Motor thì cho phép các quản lý của họ làm việc từ nhà trong lúc nhà máy không hoạt động…

Tất cả yếu tố trên sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp phụ thuộc vào Trung Quốc cung ứng phụ tùng, linh kiện, từ nhà máy ôtô ở Mỹ, Mexico cho đến nhà máy may mặc ở Bangladesh và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu khách hàng không thể mua những gì họ cần từ Trung Quốc, các nhà máy Trung Quốc sẽ buộc phải cắt các đơn hàng nhập khẩu máy móc, linh kiện, nguyên liệu thô – ví dụ chip xử lý của Đài Loan, Hàn Quốc, kim loại đồng từ Chile, Canada, máy móc từ Đức, Ý…

“Nó có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện vẫn còn quá sớm để nói chuyện này sẽ kéo dài trong bao lâu” – nhà kinh tế Rohini Malkani thuộc hãng đánh giá tín dụng DBRS Morningstar, đánh giá.

Những lo ngại tương tự đã từng có từ thời dịch SARS bùng phát ở tỉnh Quảng Đông các năm 2002-2003. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, Trung Quốc ngày nay đã khác xưa rất nhiều.


Trung Quốc chiếm đến 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tỉ lệ nhiều hơn cả Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cộng lại”

Nhà kinh tế Andy Rothman trình bày trước một ủy ban của Quốc hội Mỹ gần đây

Kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng hơn thời dịch SARS - Ảnh 4.

Hai nhân viên bảo vệ bên trong một trung tâm thương mại trống rỗng ở Bắc Kinh ngày 1-2 – Ảnh: REUTERS

Quả thật, không ai biết được dịch virus corona sẽ kéo dài trong bao lâu, lây lan bao xa, bao nhiêu sinh mạng sẽ mất vì nó. Do vậy chưa thể tính toán được đầy đủ mức độ ảnh hưởng của dịch đối với kinh tế Trung Quốc vào thời điểm này.

Nhưng vai trò của Trung Quốc trong kinh tế thế giới đồng nghĩa hậu quả của trận dịch này sẽ vượt qua SARS năm nào.

“Hiệu ứng domino đối với kinh tế toàn cầu sẽ lớn hơn nhiều so với thời dịch SARS”, ông Nicholas R. Lardy, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Washington), nhận định.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, thời điểm dịch bùng phát giúp giảm thiểu phần nào thiệt hại. Cao điểm sản xuất của quý 4-2019 đáp ứng mùa lễ hội cuối năm vừa kết thúc, cuối tháng 1 thường nhu cầu hàng hoá không cao.

Nhưng tác động đối với chuỗi cung ứng vốn phức tạp thì rất khó dự báo. 

Các bộ phận của một sản phẩm hiện đại như tivi thông minh có thể cấu thành từ hàng chục linh kiện nhỏ, mỗi linh kiện lại làm từ nhiều thành phần nhỏ hơn. Chỉ cần xuống 3-4 nấc, các công ty đã không biết được nhà cung cấp là ai.

“Nếu anh cạn sạch linh kiện mà chúng lại xuất xứ từ Trung Quốc, cả hệ thống sản xuất của anh sẽ bị đình trệ. Những vấn đề kiểu vậy nhiều khả năng sẽ xuất hiện khắp nơi trên thế giới”, nhà kinh tế Ben May thuộc Oxford Economics ở London dự báo.

Sau dịch SARS, Trung Quốc đã trải qua vài tháng kinh tế suy thoái trước khi bật dậy mạnh mẽ. Điều này có thể lặp lại lần này, hoặc không. 

Điều duy nhất chắc chắn: Bất cứ điều gì xảy ra ở Trung Quốc sẽ cảm nhận được ở mọi nơi.


PHÚC LONG

TTO