Cứ thế này, điện gió sẽ chết
Các nhà đầu tư điện gió chịu rất nhiều thiệt thòi. Đến nay lại gặp khó khăn do bị cắt giảm công suất. Đang là mùa gió tốt, nhưng có thời điểm chúng tôi bị cắt giảm 61%.
Cứ thế này, điện gió sẽ chết
Các nhà đầu tư điện gió chịu rất nhiều thiệt thòi. Đến nay lại gặp khó khăn do bị cắt giảm công suất. Đang là mùa gió tốt, nhưng có thời điểm chúng tôi bị cắt giảm 61%.
Điện gió là năng lượng tái tạo có hiệu số công suất cao, không tốn nhiều diện tích, có thể dự báo được tương đối chính xác, giúp điều độ tốt hơn. Song các nhà đầu tư điện gió lại chịu rất nhiều thiệt thòi. Sau nhiều đấu tranh, giá cũng đã tăng lên được 8,5 cent/kWh. Nhưng đến nay lại gặp khó khăn do bị cắt giảm công suất.
Nếu cứ như thế này thì các ông điện gió sẽ chết. Với Điện gió Phú Lạc do tôi đầu tư, bình quân thiệt hại 100 triệu đồng/ngày đêm.
Ông Bùi Văn Thịnh
Đơn cử như các dự án nối lưới, trong đó có 3 dự án ở Bình Thuận, Ninh Thuận đang phải chịu chung cảnh cắt giảm công suất cùng các dự án điện mặt trời trên địa bàn. Chúng tôi kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cố gắng đưa điện gió ra khỏi danh sách cắt giảm, hoặc cắt giảm ít vì các dự án điện gió không phải là nguyên nhân gây quá tải. Trong khi về mặt kinh tế, giá mua điện gió chỉ 8,5 cent/kWh trong khi giá điện mặt trời là 9,35 cent/kWh, chưa kể về kỹ thuật điện gió thân thiện hơn nhiều.
Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị và EVN đã xin ý kiến Bộ Công thương, nhưng Bộ Công thương trả lời đây là trách nhiệm của EVN và cuối cùng vẫn như vậy. Dù đã có cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư điện gió được EVN tổ chức trước tết, nhưng đến nay vẫn… như cũ. Đang là mùa gió tốt, nhưng có thời điểm cao nhất chúng tôi bị cắt giảm 61%, chỉ chạy được 39% vào ban ngày, còn ban đêm thì huy động được tối đa.
Đến thời điểm hiện nay, sản lượng của chúng tôi chỉ được 3 triệu kWh, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 11 triệu kWh. Nếu cứ như thế này thì điện gió sẽ chết. Nếu vẫn tiếp diễn, sẽ phải kiến nghị tiếp tới cấp cao hơn vì đây là vấn đề sống còn. Như với Điện gió Phú Lạc do tôi đầu tư, bình quân thiệt hại 100 triệu đồng/ngày đêm cho dự án 24MW. Chúng tôi hầu như không có lãi, mà chỉ mong có nguồn tiền để trả nợ, thực tế đã có dự án vỡ nợ rồi. Tình trạng cắt giảm công suất thế này, doanh nghiệp chỉ mong tồn tại, phát triển là rất khó.
Chưa kể nhà đầu tư điện gió đang rất lo lắng khi hết thời hạn 1-1-2021 có thể sẽ không còn duy trì giá mua điện gió là 8,5 cent/kWh. Bài học điện mặt trời là quá lớn, sau 30-6-2019 gần như bị khoảng trống chính sách, không rõ giá mua được bao nhiêu, nên nhà đầu tư điện gió cũng sợ. Chúng tôi cũng lo ngại giá mua điện gió sẽ giảm, bởi với điện gió giá thành giảm không nhiều như điện mặt trời. Các tấm pin mặt trời bình quân mỗi năm giảm vài chục phần trăm nhưng nhiên liệu điện gió giá không giảm, thậm chí có thời điểm cục bộ còn tăng. Chẳng hạn như lúc này cung cầu chênh lớn, giá tuôcbin hiện nay cao hơn cách đây 1 năm.
Điện gió cũng phải sử dụng công nghệ hiện đại nhất, như phải cẩu lắp rất đặc thù, làm chi phí đầu tư điện gió nhiều hơn. Đầu tư điện gió cũng không thể làm ào ào như điện mặt trời. Với mức giá như hiện nay lợi nhuận đã không cao, còn sau năm 2021 không biết giá thế nào, nếu giảm thì thị trường điện gió không còn hấp dẫn. 10 năm nay phát triển điện gió mới có 300MW.
Chúng tôi thấu hiểu rằng EVN phải cân đối tài chính. Giá bán điện bình quân của EVN cho người tiêu dùng là 7,5 cent/kWh nhưng mua vào điện mặt trời là 9,35 cent/kWh và điện gió là 8,5 cent/kWh, nên đương nhiên càng huy động nhiều năng lượng tái tạo EVN càng lỗ. Song VN đang thiếu điện, nguồn điện rẻ là thủy điện đang cạn kiệt, năm nay lượng mưa thấp nhất 30 năm… Dù huy động năng lượng tái tạo giá cao nhưng vẫn tốt hơn mua điện chạy dầu, nên chúng tôi kỳ vọng huy động được nhiều hơn.
TTO