22/01/2025

Virus corona khiến thanh long miền Tây từ 37.000/kg rớt giá còn 5.000 đồng

Việc xuất khẩu thanh long qua Trung Quốc những ngày qua đang bị dịch bệnh do chủng mới virus corona gây ảnh hưởng nặng nề. Giá đặt cọc đang từ 37.000 đồng trước tết, nay thương lái thông báo chỉ còn 5.000 đồng

 

Virus corona khiến thanh long miền Tây từ 37.000/kg rớt giá còn 5.000 đồng

Việc xuất khẩu thanh long qua Trung Quốc những ngày qua đang bị dịch bệnh do chủng mới virus corona gây ảnh hưởng nặng nề. Giá đặt cọc đang từ 37.000 đồng trước tết, nay thương lái thông báo chỉ còn 5.000 đồng.



Virus corona khiến thanh long miền Tây từ 37.000/kg rớt giá còn 5.000 đồng - Ảnh 1.

Một số vườn thanh long tại huyện Châu Thành, Long An vẫn đang được thu mua trong sáng 30-1 – Ảnh: SƠN LÂM

 

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra đang hoành hành ở Trung Quốc khiến tình hình tiêu thụ nông sản từ Việt Nam cũng đang vấp phải nhiều trở ngại lớn. Những ngày đầu năm, người trồng thanh long vùng Châu Thành (Long An) và Chợ Gạo (Tiền Giang) đang đứng ngồi không yên khi mức giá thương lái đưa ra thay đổi từng giờ.

“Nín thở” chờ thông tin xuất khẩu

Sáng mùng 6, ngày khai trương đầu năm nhưng nhiều vựa thanh long trên tuyến đường từ huyện Châu Thành sang Chợ Gạo vẫn gần như “đứng hình”.

Nhiều kho thu mua thanh long vẫn đang đóng cửa, hoặc chỉ bày biện đồ cúng đầu năm. Một số chủ vựa cho biết họ dời ngày khai trương sang mùng 9 với hi vọng diễn biến sẽ khác.

Trước đó từ ngày mồng 3 Tết Nguyên đán, khi thông tin về virus corona đang gây hoang mang chưa có dấu hiệu dừng lại, một số nhà kho đã ra thông báo dừng thu mua.

Giá thanh long từng được thương lái đặt cọc trước tết cao lên đến 37.000 đồng/kg loại 1, khi vừa bước sang năm mới đã được thương lái thông báo chỉ còn có thể thu mua với giá… 5.000 đồng/kg. Một số thương lái đã đặt cọc trước đó giờ “mất biệt” khiến người trồng thanh long càng thêm thấp thỏm.

Ông Võ Trọng Nghĩa, nông dân trồng thanh long xã Đăng Hưng Phước, Chợ Gạo, cho biết đợt này 3 công thanh long của ông ước thu hoạch từ 4-5 tấn.

Trước tết, thương lái đã vô tận vườn đặt cọc 60 triệu đồng (tương đương 2 tấn thanh long) với giá thỏa thuận là 30.000đ/kg, dự kiến đến rằm tháng giêng sẽ thu hoạch và trả nốt phần tiền còn lại.

Tuy nhiên mới đây, thương lái đã đến vườn xin chỉ trả thêm 20 triệu tức tổng cộng 80 triệu (thay vì phải 120 triệu trở lên) để mua thu hoạch thanh long với lý do thị trường Trung Quốc bị đóng băng bởi tác động của virus corona, chưa tìm được đầu ra tiêu thụ.

“Về nguyên tắc nếu vi phạm hợp đồng thì mất tiền cọc. Nhưng đây là tình hình chung ngoài ý muốn, và thương lái cũng là mối mua xưa nay nên tui cũng nhận lời, xem như chia sẽ cùng nhau trong lúc khó khăn” – ông Nghĩa bộc bạch.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Sinh, nông dân ngụ xã Tân Bình Thạnh (Chợ Gạo) nói như mếu: “Tui vừa xông đèn xong hơn 5 công thanh long khoảng 3 tuần. Dự kiến 5 tuần nữa sẽ đến kỳ thu hoạch, mấy ngày nay chạy giáp các vựa thanh long trong vùng tìm người mua nhưng ai cũng lắc đầu. Giờ bỏ thì tiếc, còn đeo theo chăm sóc thì hổng biết có bán được không. Giờ không biết đường đâu mà lần”.

Tương tự như ông Sinh, nhiều người dân trồng thanh long tại huyện Châu Thành, Long An đang dự kiến thu hoạch khoảng từ giữa đến cuối tháng giêng cũng đang lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” với vườn thanh long.

Một số chủ vườn gọi điện thì thương lái chấp nhận bỏ cọc, một số chủ vườn khác quen với việc tới kỳ thu hoạch thì tìm thương lái, nay không gọi được ai.

“Tui đang dự tính bỏ luôn đợt thu hoạch này, giờ đang hóng tin từ phía nhà nước xem thử tình hình xuất khẩu như thế nào. Nếu biên giới đóng cửa thì phải bỏ chăm sóc luôn, chờ đợt sau. Chứ chăm sóc rồi không bán được thì càng tốn kém”, ông Nguyễn An, một chủ vườn chia sẽ khi đang đứng giữa vườn thanh long trái đang chuẩn bị chín, ngả màu từ xanh sang đỏ.

Khẩn trương tìm nhiều đường tiêu thụ khác

Tình cảnh của các chủ vựa mua thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc cũng không khả quan hơn. Ông N.V.H. – chủ một vựa thanh long lớn ở xã Quơn Long (Chợ Gạo) - cho hay mấy chục xe thanh long của ông còn đang nằm chờ ngoài cửa khẩu chưa thể thông quan. Để bảo quản, tài xế phải chạy máy lạnh 24/24. Vừa tốn xăng, vừa tốn thời gian mà không biết ngày nào được quay về.

“Hàng tới cửa khẩu mình phải đợi bán, thanh long đã đặt cọc với nông dân sắp thu hoạch, họ đang đợi mình mua. Mua thì được như biết bán đi đâu vì lâu nay mình chỉ bán mỗi thị trường Trung Quốc. Không bán được thì sao mua, mà không mua cũng không được vì đã hứa. Giờ hổng biết làm sao luôn” – ông N.V.H nói.

Virus corona khiến thanh long miền Tây từ 37.000/kg rớt giá còn 5.000 đồng - Ảnh 2.

Vườn thanh long nhà ông Võ Trọng Nghĩa ở Chợ Gạo, Tiền Giang sắp thu hoạch, đồng ý “bán lỗ” để chia sẻ với thương lái quen – Ảnh: THANH TÚ

 

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Quốc Trịnh – Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An – cho biết trước tình hình diễn biến phức tạp, Hiệp hội thanh long tỉnh Long An đã có họp bàn lại công tác thu mua.

Theo ông Trịnh, tại Long An, trừ một nhà kho chuyên thu mua và xuất khẩu trực tiếp thanh long sang vùng Vũ Hán, Trung Quốc, hiện không thể xuất hàng phải dừng mua bởi kho đã đầy hàng trữ, còn lại những nhà kho trong hiệp hội đã thống nhất sẽ cố gắng tiếp tục thu mua thanh long với mức giá giảm 10.000 đồng/kg.

“Đây đều là các nhà kho đã có hợp đồng bao tiêu với nhà vườn. Do tình hình tiêu thụ khó khăn, nên hiện tại phải giảm giá. Nếu như trước tết lên đến 37.000 đồng/kg loại I thì hiện sẽ thu mua của bà con với giá 27.000 đồng/kg. Đồng thời tiếp tục chờ xem các diễn biến tiếp theo bởi các nhà kho thanh long khi ứng tiền mua thanh long từ nhà vườn, thường đến cửa khẩu mới thanh toán với các mối mua từ Trung Quốc, nên hiện vẫn phải thận trọng” – ông Trịnh nói.

Trong khi đó, ông Lê Minh Đức – giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An – cho biết đã có buổi làm việc với nhiều doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu thanh long để tìm phương án ứng phó, nhằm bảo đảm đầu ra.

Cũng theo ông Đức, tình hình xuất khẩu thanh long vẫn đang chưa rõ ràng, do đó bà con nên bình tĩnh chờ các thông tin tiếp theo từ phía nhà nước, tránh để thương lái ép giá tận đáy.

“Hướng tới, Sở cũng đang cố vận động bà con vùng chuyên canh thanh long nên tham gia vào các hợp đồng tiêu thụ ổn định, sẽ đỡ thiệt hại khi có những diễn biến thất thường. Thay vì cứ kiểu tiêu thụ nhỏ lẻ, gọi thương lái ngoài mỗi khi đến kỳ thu hoạch thì khi thị trường biến động rất dễ bị ép giá” – ông Đức nói thêm.

 

 

SƠN LÂM – THANH TÚ

TTO