22/01/2025

‘Công thức’ của các nước hạnh phúc nhất thế giới: cân bằng cuộc sống

Ai cũng biết có được sự cân bằng giữa gia đình và công việc, cuộc sống mỗi người sẽ trọn vẹn, hạnh phúc nhất. Nhưng làm sao để đạt được trạng thái cân bằng đó?

 

‘Công thức’ của các nước hạnh phúc nhất thế giới: cân bằng cuộc sống

Ai cũng biết có được sự cân bằng giữa gia đình và công việc, cuộc sống mỗi người sẽ trọn vẹn, hạnh phúc nhất. Nhưng làm sao để đạt được trạng thái cân bằng đó?

 

 


Công thức của các nước hạnh phúc nhất thế giới: cân bằng cuộc sống - Ảnh 1.

Vào mùa hè, người Đan Mạch dành thời gian tối đa cho các hoạt động ngoài trời – Ảnh: The Independent

 

Hãy xem kinh nghiệm từ những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới ở Bắc Âu.

Hạnh phúc không phải là sự đo đếm việc ai đó cười ít hay nhiều ngày hôm qua, mà là việc một người cảm thấy thế nào về cuộc sống hằng ngày của họ.

Nhà kinh tế học Jeff Sachs (GS ĐH Columbia, một trong những người đồng sáng lập Báo cáo hạnh phúc thế giới)

Hạnh phúc dường như là một khái niệm trừu tượng rất khó định lượng, nhưng thực tế có hẳn một khoa học nghiên cứu về nó.

Mỗi năm, theo Đài CNBC (Mỹ), một nhóm các chuyên gia hạnh phúc từ khắp nơi trên thế giới lại cùng tham gia đánh giá, xếp hạng 156 quốc gia về mức độ hạnh phúc của công dân mỗi nước. Kết quả xếp hạng được công bố trong Báo cáo hạnh phúc thế giới (World Happiness Report) thường niên.

Thước đo hạnh phúc

Kể từ khi Báo cáo hạnh phúc thế giới công bố lần đầu năm 2012, các quốc gia Bắc Âu, gồm Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Iceland, cùng với quần đảo Faroe, Greenland (quốc gia tự trị thuộc Đan Mạch) và Aland (vùng tự trị thuộc Phần Lan) thường xuyên có mặt trong nhóm dẫn đầu bảng xếp hạng hạnh phúc.

Tất cả những chuyện này không hề ngẫu nhiên. Các nước Bắc Âu có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng hạnh phúc vì họ có những chính sách phúc lợi xã hội dồi dào, hào phóng. Họ có chính sách giáo dục và y tế miễn phí, tỉ lệ phạm tội thấp, các mạng lưới an ninh xã hội dễ chịu, cộng đồng dân cư tương đối thuần nhất và đời sống người dân thịnh vượng.

Song có lẽ điều quan trọng hơn, các nước này đều ưu tiên sự cân bằng trong cuộc sống, một điều được cho là “công thức của hạnh phúc”, như quan điểm của nhà kinh tế học Jeff Sachs. “Họ không phải những xã hội dành mọi thời gian và nỗ lực để trở thành những người siêu giàu, họ sẽ tìm kiếm sự cân bằng hiệu quả trong đời sống và các kết quả thì vô cùng tích cực” – ông thông tin thêm.

“Chúng ta tìm thấy hạnh phúc trong những theo đuổi riêng của bản thân, giống như những đam mê nghề nghiệp và những sở thích – ông Sachs nói – Và nhờ vào việc được sống trong những xã hội có sự cân bằng hơn như vậy”.

Làm ít giờ nhưng hiệu quả cao

Một tuần làm việc “toàn thời gian” ở Đan Mạch thông thường là 37 tiếng trong 5 ngày. Để so sánh, một người Mỹ làm việc trung bình một tuần 44 giờ, tương đương 8,8 tiếng mỗi ngày.

Trong khi phần lớn mọi người coi chuyện ai đó làm việc quá nhiều giờ mỗi ngày (ngoài 8 tiếng trở lên) là một minh chứng cho sự thành công và như một cách để vượt trội trong sự nghiệp thì người Đan Mạch lại coi đó là điểm yếu.

Theo bà Xander Mellish – nhà tư vấn doanh nghiệp người Đan Mạch đồng thời là tác giả cuốn sách How to work in Denmark (tạm dịch: Làm việc ở Đan Mạch như thế nào), người Đan Mạch cho rằng việc ai đó phải làm việc thêm ngoài giờ cho thấy người này đã không thể hoàn thành nhiệm vụ trong khoảng thời gian được giao. Theo Bộ Ngoại giao Đan Mạch, hầu hết người lao động ở nước này đều rời công sở vào khoảng 16h mỗi ngày.

Trên thực tế, để làm việc hiệu quả tối đa, người Đan Mạch không tụ tập, tán gẫu với đồng nghiệp hay tranh thủ những khoảng thời gian rảnh rỗi để mua sắm nọ kia.

Thu xếp thời gian làm việc linh động cũng là chuyện rất phổ biến ở các nước Bắc Âu. Chẳng hạn chị Saara Alhopuro, nhà ngoại giao làm việc ở Helsinki (Phần Lan), cho biết chị chỉ phải tới văn phòng 3 lần mỗi tuần. Chị được phép làm việc từ xa 1 ngày trong tuần và sau đó dành thời gian rảnh rỗi cho đam mê riêng là chụp ảnh những cây nấm.

Thực tế ở Phần Lan, người lao động còn có quyền đổi thời gian ngày làm việc của họ sớm hoặc chậm hơn 3 tiếng so với yêu cầu thông thường của chủ lao động để có thể thu xếp cuộc sống riêng hợp lý hơn.

Chẳng hạn, theo Đài BBC, khi đã chán ngán với những mùa đông dài u ám ở thủ đô Helsinki, anh Miika Härkönen, nhân viên một công ty IT, đã đề nghị cấp trên cho phép làm việc từ xa ở Tây Ban Nha trong 6 tháng và sếp anh đồng ý.

5 tuần nghỉ ngơi

Tại Đan Mạch, bất kể vị trí hay lĩnh vực công tác là gì, người lao động toàn thời gian ở một tổ chức luôn được đảm bảo có 5 tuần nghỉ ngơi theo quy định.

Chính bởi đặc biệt coi trọng sự cân bằng này, nhiều người lao động ở Bắc Âu sẵn sàng bỏ việc nếu cảm thấy việc đó tạo cho họ quá nhiều áp lực. Điều đáng nói hơn khi chính phủ sẵn sàng hậu thuẫn họ trong quyết định đó.

Như trường hợp của chị Christina Konig Koehrse ở Copenhagen, khi quyết định nghỉ việc vì quá stress, chị được chính phủ hỗ trợ 2.000 USD/tháng để có thời gian cân nhắc và lựa chọn công việc khác phù hợp hơn.

 

 

D.KIM THOA

TTO