05/01/2025

Mỹ phẩm nhiễm độc thuỷ ngân, không phải ‘chuyện đùa’ với phụ nữ

Tình trạng nhiễm độc thuỷ ngân trong mỹ phẩm không phải mới. Có những trường hợp vào viện trong tình trạng mặt thâm sì, nổi đầy mụn… do nhiễm độc da.

 

Mỹ phẩm nhiễm độc thuỷ ngân, không phải ‘chuyện đùa’ với phụ nữ

Tình trạng nhiễm độc thuỷ ngân trong mỹ phẩm không phải mới. Có những trường hợp vào viện trong tình trạng mặt thâm sì, nổi đầy mụn… do nhiễm độc da.


 

Những ví dụ đáng báo động

Mới đây, trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (tiếng Anh: Centers for Disease Control and Prevention, viết tắt là CDC) cho biết vào tháng 7 – 2019, một phụ nữ 47 tuổi phải nhập viện trong tình trạng tê ở tay và mặt, đi lại khó khăn và khó nói chuyện. Tình trạng càng trở nên xấu đi trong vài tuần tiếp theo. 

Phía các quan chức y tế ở bang California cho biết, ban đầu, bà có thể đáp ứng các mệnh lệnh bằng lời nói, nhưng sau đó chuyển xấu thành trạng thái nửa hôn mê. Xét nghiệm cho thấy người này có hàm lượng thủy ngân cao trong máu. 

Các bác sĩ đã kiểm nghiệm các sản phẩm mỹ phẩm bệnh nhân sử dụng và phát hiện loại kem dưỡng da có tác dụng làm sáng da chứa lượng lớn methylmercury, loại thủy ngân hữu cơ rất độc hại đối với con người, đặc biệt là người già và trẻ em.

Trước đó, tại Bệnh viện Thạch Gia Trang (Hà Bắc, Trung Quốc) từng phát hiện 20 cô gái có hàm lượng thủy ngân trong người vượt quá tiêu chuẩn cho phép, trong đó có 6 người phải nhập viện. 

Nguyên nhân là do họ đã dùng mỹ phẩm tự chế để chữa mụn. Các trường hợp này đều xuất hiện chứng chảy máu răng, mất ngủ, đi không vững. Sau khi thăm khám, các bác sĩ mới biết cơ thể có hàm lượng thủy ngân cao quá mức cho phép và một trong những nguyên nhân là do dùng mỹ phẩm.

Riêng tại Việt Nam, trường hợp bệnh nhân đến khám do biến chứng sau khi dùng mỹ phẩm là không hề ít. Tình trạng nhiễm độc thủy ngân trong mỹ phẩm không phải mới. Có những trường hợp vào viện trong tình trạng mặt thâm sì, nổi đầy mụn… do nhiễm độc da.

Ngộ độc thủy ngân là gì ?

Thủy ngân là một kim loại nặng và có độc tính rất cao, đã bị cấm sử dụng trong chữa bệnh (tuy nhiên, thủy ngân ở dạng amalgam vẫn còn được sử dụng để trám răng và đây vẫn là vấn đề còn gây tranh cãi).

Thủy ngân tồn tại ở nhiều thể. Thủy ngân thể lỏng được cho là ít độc, nhưng thủy ngân thể hơi, các hợp chất và muối của thủy ngân thì là các chất kịch độc – và nhiều trong số ấy là có khả năng hấp thụ qua da dễ dàng. Ví dụ chỉ cần vài microlit của dimethyl thủy ngân tiếp xúc với da thì có thể gây tử vong ở người.

Thủy ngân có tác dụng ngăn các sắc tố phát triển, khiến da trắng sáng hơn chính vì thế không ít những cơ sở sản xuất mỹ phẩm đã trộn chất này vào sản phẩm của mình rồi bán ra thị trường. 

Thủy ngân còn được sử dụng làm chất bảo quản trong các loại phấn mắt và các mỹ phẩm trang điểm vùng mắt khác. Thủy ngân là một thành phần rất độc hại, có khả năng thẩm thấu qua da, bài tiết qua nước tiểu, mồ hôi hoặc sữa mẹ. Nhiễm độc thủy ngân có tác động nghiêm trọng tới hệ thần kinh, làm tổn thương não bộ, gây ra chứng mệt mỏi, trầm cảm, chóng mặt, đau đầu, thậm chí làm hư thận.

Mối nguy hiểm không dừng lại ở đó. Phần lớn thủy ngân trong kem làm sáng da và xà bông sẽ xâm nhập nguồn nước thải, từ đó đi vào chuỗi thức ăn. 

Hồi thập niên 1950, một nhà máy hóa chất xả thủy ngân vào vịnh Minamata (Nhật Bản). Người dân địa phương ăn phải cá nhiễm thủy ngân. Khoảng 900 người thiệt mạng, hơn 2.000 người ngộ độc thủy ngân với các triệu chứng từ yếu cơ đến điên loạn, tê liệt, tử vong và kéo theo dị tật bẩm sinh. Sau cuộc khủng hoảng Minamata, thế giới đã hiểu ra hiểm họa của tình trạng ô nhiễm môi trường do thủy ngân.

Thực tế tại Việt Nam

 

Toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã cấm việc sử dụng thủy ngân vào mỹ phẩm từ lâu. Ở Việt Nam, hiện có 3 kim loại nặng không được phép cho vào mỹ phẩm là chì, thủy ngân và asen. Tuy vậy, mỗi kim loại nặng này đều có một giới hạn tạp chất cho phép. Cụ thể, trong mỹ phẩm, chì, asen và thủy ngân không được vượt ngưỡng lần lượt là 20ppm (20 phần triệu), 5ppm (5 phần triệu), và 1 ppm (1 phần triệu). (1 phần triệu = 0.0001%).

Mặc dù là chất cấm, thủy ngân vẫn có mặt trong mỹ phẩm làm trắng da kém chất lượng, hay nói ngắn gọn là “kem trộn”. 

Mấy năm nay, khi nói đến “kem trộn”, thì hầu hết mọi người chỉ biết đến “corticoid” và cho rằng corticoid làm nên tất cả mọi tội lỗi của kem trộn, nhưng điều đó là không đúng. Hầu hết chúng ta không ý thức được rằng thủy ngân mới là “chất ức chế melanin (chất tạo màu nâu cho da)” trong kem trộn, còn corticoid chỉ làm trắng lên bằng cách khiến da ngậm nước

Sử dụng thủy ngân trong kem trộn là hoạt động diễn ra một cách phổ biến và trong nhiều năm nay, chú yếu ở các nước châu Phi và châu Á, trong đó có Việt Nam. 

Ở các nước này,  hàm lượng của thủy ngân khi được phát hiện đều là những con số rất lớn. Ví dụ như một sản phẩm tiêu thụ ở Pakistan được phát hiện chứa thủy ngân ở hàm lượng 29600ppm (tương đương 2,96% trọng lượng của một sản phẩm mỹ phẩm), Trung Quốc – 14700ppm (1,47%), Bangladesh 16353ppm (hơn 1,63%), Philippines – 10576ppm (1,05%) v.v… 

Hãy so những con số này với giới hạn nghiễm thủy ngân trong mỹ phẩm là 1ppm, bạn sẽ thấy thủy ngân đã được lạm dụng trong kem trộn ra sao!

Cách phòng tránh sử dụng mỹ phẩm có chứa thủy ngân

Trước hết, cần nhớ rằng tác dụng chính của thủy ngân trong mỹ phẩm là làm trắng da, do đó nếu bạn không dùng mỹ phẩm làm trắng, thì bạn không cần phải lo đến việc mỹ phẩm mình dùng có chứa thủy ngân hay không.

Nếu bạn dùng mỹ phẩm làm trắng, hãy mua ở những hãng uy tín, đảm bảo được về chất lượng. Mọi sản phẩm làm trắng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chưa đăng ký với Bộ Y Tế hoặc Sở Y Tế  đều có khả năng chứa thủy ngân ở hàm lượng vượt ngưỡng (bên cạnh những thành phần cấm khác như corticoids, hydroquinone v.v…). 

Tuyệt đối, không ham đồ rẻ hay các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt các mỹ phẩm được tiếp thị bằng hình thức livestream qua mạng xã hội của các “Hot Girl”, “người nổi tiếng”…

Vì là một chất bị cấm trong làm đẹp và chữa bệnh, việc tìm các thành phần liên quan thủy ngân bằng cách đọc nhãn mác sản phẩm gần như không có tác dụng. Tuy nhiên, mẹo nhỏ sau có thể sẽ giúp bạn phần nào: Bạn dùng các loại kem nền, kem dưỡng mà bạn đang dùng bỏ vào trong cốc nước, khuấy đều tay khoảng 20 giây, sau đó quan sát hiện tượng xảy ra. Thường thì sẽ xuất hiện 1 trong 3 hiện tượng sau: Phấn hoặc kem sẽ bám trên thành cốc, nổi trên mặt nước hay lắng dưới đáy cốc. Sản phẩm của bạn nhiều khả năng có chứa thủy ngân nếu mỹ phẩm lắng xuống đáy cốc do thủy ngân là kim loại nặng, lực ly tâm khi khuấy sẽ khiến nó chìm xuống đáy cốc nhanh hơn.

Nếu bạn có biểu hiện rõ ràng của việc tổn thương da do kem trộn (giãn mao mạch, trắng bệch, da kích ứng, dễ nhiễm khuẩn), đặc biệt có dấu hiệu ảnh hưởng đến thận và hệ thần kinh, thì hãy đi khám ngay ở các bệnh viện uy tín. 

Nếu được chẩn đoán là nhiễm độc thủy ngân, hãy làm theo phác đồ của bác sĩ, dù rằng đây là một liệu trình dài và tốn kém. Không nên đến các spa có dịch vụ “hút chì”, “hút thủy ngân”, bởi vì kim loại nặng không thể được “hút” ra dễ dàng như vậy, những dịch vụ này thực sự vô ích.

 

 

ThS.BS TẠ QUỐC HƯNG (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM)

TTO