25/12/2024

Mang tết Việt ra thế giới

Tết cổ truyền Việt Nam hiện nay không chỉ được tổ chức trong nước và cộng đồng người Việt ngoài nước, mà ngày càng lan toả đến bạn bè quốc tế qua nhiều “dáng vẻ”, sắc màu khác nhau.

 

Mang tết Việt ra thế giới

Tết cổ truyền Việt Nam hiện nay không chỉ được tổ chức trong nước và cộng đồng người Việt ngoài nước, mà ngày càng lan to đến bạn bè quốc tế qua nhiều “dáng vẻ”, sắc màu khác nhau.
 
 
 
 
 

Các cháu thiếu nhi nhận lì xì sau khi tham gia một tiết mục của Đoàn nghệ thuật TP.HCM tại Bỉ  /// Ảnh: Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài cung cấp

Các cháu thiếu nhi nhận lì xì sau khi tham gia một tiết mục của Đoàn nghệ thuật TP.HCM tại Bỉ   Ảnh: Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài cung cấp

 

 
Người viết đã 2 lần tham dự tết Việt tại khu Little Saigon (Quận Cam, miền nam California, Mỹ). Nhìn những cô gái trẻ và các em bé người Mỹ mặc áo dài nhảy múa tưng bừng trong giai điệu, lời ca quen thuộc về tết Việt Nam (như: Ngày tết quê em, Tết ơi là tết, Ngày xuân long phụng sum vầy, Xúc xắc xúc xẻ, Mùa xuân đến…) mới thực sự cảm nhận rằng hoạt động đón tết Việt nơi xứ người đã hòa vào đời sống văn hóa sở tại.

Mong tết đến để được mặc áo dài, ăn bánh chưng

Đứng chen lẫn trong số hàng trăm người dự sự kiện tết Việt cho các em thiếu nhi ở Quận Cam, vợ chồng anh Tom Hiddleston (người Mỹ, sống tại TP.Westminster, bang California) cho biết, họ đưa con gái đầu đi diễn văn nghệ do nhóm người Mỹ gốc Việt tổ chức.

Tôi cảm nhận tết Việt đang lan tỏa đến cả người Mỹ. Các em nhỏ người Mỹ cũng được ba mẹ cho mặc áo dài khi tết đến. Các em được lì xì, tham gia những hoạt động tết Việt như các bạn người Mỹ gốc Việt. Theo tôi, việc tổ chức tết Việt cho bà con Việt kiều xa quê rất ý nghĩa để “giữ lửa” tết cổ truyền dân tộc và truyền sự ấm áp của ngày tết Việt đến người Mỹ

Chị Trang Nguyễn (TP.Seattle, bang Washington, Mỹ)
 

“Con tôi háo hức không khác gì được tham dự một sự kiện trọng đại trong đời. Trước đây tôi ít quan tâm tết Việt Nam, nhưng 2 năm qua do con gái tham gia biểu diễn vào mỗi dịp tết nên vợ chồng tôi cùng… ăn theo. Tôi thấy tết Việt vui, rộn ràng lắm, làm trẻ con và cả người lớn như tôi cũng vui lây. Con gái tôi mong đến tết Việt để được mặc áo dài, diễn văn nghệ và nhất là xem múa lân, ăn bánh chưng, bánh tét”, anh Tom nói.
Đông đảo bạn bè quốc tế, Pháp và kiều bào dự Tết Nguyên đán tại Tòa Thị chính Paris (Pháp) ẢNH: CTV

Đông đảo bạn bè quốc tế, Pháp và kiều bào dự Tết Nguyên đán tại Tòa Thị chính Paris (Pháp)    Ảnh: CTV

 
 
Tại TP.Seattle (tiểu bang Washington, Mỹ), một số hội đoàn, nhà thờ, chùa… cũng đang chuẩn bị các hoạt động Tết Canh Tý. Chị Trang Nguyễn (sống tại TP.Seattle) bộc bạch: “Tôi xa quê hương 11 năm nhưng thật may mắn tôi đã ở tại Seattle có đông người Việt sinh sống. Cứ tết đến, nhiều đoàn thể trong và ngoài nước Mỹ luôn tổ chức các hoạt động tết cổ truyền ấm áp với sân khấu ca nhạc xuân, hội chợ tết, múa lân, xổ số xuân; tổ chức gói bánh tét, bánh chưng… Vào ngày 30 tết, các nhà thờ, chùa gần khu tôi ở hay tổ chức hội chợ bên những cành hoa đào, hoa mai, cây tắc… Tôi cảm nhận tết Việt đang lan tỏa đến cả người Mỹ. Các em nhỏ người Mỹ cũng được ba mẹ cho mặc áo dài khi tết đến. Các em được lì xì, tham gia những hoạt động tết Việt như các bạn người Mỹ gốc Việt. Theo tôi, việc tổ chức tết Việt cho bà con Việt kiều xa quê rất ý nghĩa để “giữ lửa” tết cổ truyền dân tộc và truyền sự ấm áp của ngày tết Việt đến người Mỹ”.

Lan tỏa muôn nơi

Nhiều người Việt đang sinh sống, làm việc tại Pháp, Ba Lan, Bỉ, Đức, Canada, CH Czech… đều có cùng cảm nhận tết Việt đã lan tỏa đến bạn bè thế giới.
 
Ông Võ Văn Long (Phó tổng biên tập Báo Quê Việt tại Ba Lan, người sống 28 năm tại Ba Lan) phấn khởi kể về những mùa tết Việt tại Ba Lan. “Tết Việt ở đây do Đại sứ quán Việt Nam và các tổ chức, cộng đồng tại Ba Lan tổ chức. Năm ngoái, Hội Người Việt Nam tại Ba Lan đứng ra tổ chức tết, có khoảng 300 – 400 người tham dự, trong đó khá đông người Ba Lan. Năm nay chương trình Vui tết mừng xuân Canh Tý 2020 tại thủ đô Warszawa diễn ra vào ngày 19.1 với những nghi lễ truyền thống ngày tết nhằm góp phần giữ gìn, quảng bá văn hóa Việt đến bạn bè Ba Lan cùng quốc tế. Chương trình có các nghệ sĩ nổi tiếng thuộc Đoàn ca múa nhạc Thăng Long và Nhà hát chèo Hà Nội cùng ca sĩ cộng đồng tại Ba Lan biểu diễn”.
Ca sĩ Minh Thư hát phục vụ tết tại Bỉ Ảnh: Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài cung cấp

Ca sĩ Minh Thư hát phục vụ tết tại Bỉ   Ảnh: Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài cung cấp

 

Theo ban tổ chức, đây là dịp giúp con em người Việt, những người vợ, chồng, bạn bè Ba Lan hiểu sâu sắc thêm về văn hóa Việt. Trong thông báo gửi đến bà con kiều bào tại Ba Lan, ban tổ chức nhấn mạnh: “Ẩm thực, âm nhạc, trang phục, nghi lễ truyền thống Việt Nam sẽ giúp mỗi chúng ta khẳng định được vị trí của mình trong quá trình hội nhập với nước sở tại. Những người bạn Ba Lan sẽ như được đến Việt Nam trong 4 tiếng đồng hồ, thưởng thức văn hóa và ẩm thực Việt trong ngày lễ cổ truyền lớn nhất Việt Nam”. Ngoài ra, còn có chương trình Vui Tết Canh Tý 2020 vào ngày 25.1 (tức mùng 1 tết) tại Raszyn (Ba Lan) cho con em người Ba Lan và người gốc Việt vui tết. Chương trình có múa lân, bắn pháo hoa, vui chơi, biểu diễn võ thuật dân tộc, ca múa nhạc…
Tổ chức tết Việt cho con em người Mỹ gốc Việt và người Mỹ tại Quận Cam, bang California, Mỹ Ảnh: Dạ Ly

Tổ chức tết Việt cho con em người Mỹ gốc Việt và người Mỹ tại Quận Cam, bang California, Mỹ   Ảnh: Dạ Ly

 
 
“Thời gian gần đây, sức ảnh hưởng từ tết Việt đến người Ba Lan rất lớn. Năm nào các tổ chức, cộng đồng người Ba Lan cũng hào hứng tham gia. Khi tôi phỏng vấn họ cảm nhận tết Việt thế nào, tất cả tỏ ra yêu thích và nói rằng nên phát huy, gìn giữ nét đẹp về tết thông qua các chương trình tổ chức. Họ còn nói dự lễ tết Việt rất vui, lạ và mang nét đặc trưng khác biệt mà Ba Lan không có”, ông Võ Văn Long nói thêm.
 
Tại Canada, nhà thiết kế Trisha Võ (từng kết hợp các bạn trẻ tại Toronto, Canada tổ chức một số chương trình tết) nhấn mạnh thêm về sức lan tỏa của tết Việt mà họ đã tổ chức ở Canada qua việc trình diễn thời trang, diễn áo dài cách tân. “Người trẻ ở Canada hưởng ứng nồng nhiệt. Nhất là những người Canada có người yêu hoặc vợ, chồng người Việt thì càng hào hứng muốn biết về tết Việt hơn. Sau khi trình diễn xong, chúng tôi còn bán những chiếc áo dài cách tân cho người Canada mặc vui xuân. Có bạn nói với tôi cứ mặc áo dài là thấy tết Việt Nam, điều đó làm tôi tự hào”, Trisha Võ chia sẻ.
 
Hướng dẫn làm món ăn ngày tết cho người Pháp Ảnh: CTV

Hướng dẫn làm món ăn ngày tết cho người Pháp   Ảnh: CTV

 

Ngoài ra, theo thông tin từ TTXVN, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Indonesia, Argentina… vừa long trọng tổ chức tết cho cộng đồng người Việt đón xuân Canh Tý 2020. Chương trình đã thu hút đông đảo bà con kiều bào lẫn bạn bè quốc tế tham dự. Ý nghĩa tết Việt cũng vì thế mà được truyền đi để gắn kết thêm tình hữu nghị giữa Việt Nam cùng các nước.
 
Ca sĩ Đan Trường (từng biểu diễn tết Việt tại Mỹ) cho biết: “Hát vào ngày tết phục vụ bà con kiều bào nơi xứ người, trong đó có người nước ngoài, luôn làm ca sĩ xúc động. Nhìn mọi người mặc áo dài, mang guốc, tay cầm hoa…, lòng tôi cứ rưng rưng. Tôi cảm nhận tết Việt cứ thế mà lan tỏa đến mọi người, mọi nhà nơi xứ người. Trẻ con Mỹ giờ cũng nhận những bao lì xì đỏ, được học các câu chúc tết bằng tiếng Việt… để hiểu hơn về tết cổ truyền Việt Nam. Việc mang tết đến bạn bè khắp 5 châu mỗi năm nên gìn giữ và phát huy nhiều hơn nữa, bởi các hoạt động tết thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc”.

Đón xuân ở Pháp

 

Mang tết Việt ra thế giới - ảnh 5

Giáo sư Hồ Thụy Trang   Ảnh: Phạm Tử Trước

 

Ngày tết cổ truyền của Hội Tiếng Tơ Đồng tại Pháp được tổ chức linh đình trong khán phòng có sức chứa vài trăm người, trong đó có cả bạn bè người Pháp. Làm thế nào để có những vật dụng trang trí gợi nhớ tết quê hương? Làm thế nào để bạn bè thế giới, người Pháp thấm được không khí tết Việt…, đó là điều chúng tôi luôn trăn trở. Vì không có hoa đào, hoa mai thật nên chúng tôi làm hoa giả (cười). Biểu ngữ “Chúc mừng năm mới” treo cùng đèn và hoa hòa cùng cờ ngũ sắc bay phất phới trong sảnh đường. Đâu đó, cũng có bao lì xì đỏ thắm trên cành mai. Trên bàn là những món ăn đặc trưng ngày tết, với bánh chưng, bánh tét, xôi, gà, hoa quả, bánh mứt… Mọi người tham dự đều lượt là trong chiếc áo dài cổ truyền Việt Nam. Riêng chương trình biểu diễn phục vụ bà con kiều bào xa quê hương hay người Pháp thật hoành tráng, đa dạng được tập luyện cả năm với hơn 50 thành viên của hội. Bao giờ cũng mở đầu bằng tiếng trống hội đón chào năm mới trong niềm hân hoan của mọi người. Tiết mục múa dân gian với trang phục sặc sỡ, những bản nhạc hòa tấu cùng nhạc cụ dân tộc… đã mang lại không khí tết đầm ấm cho mọi người. Mang tết Việt đến xứ người là thế đó.
 
Riêng tôi, ngày 30 tết, ghé ngang chợ sau giờ lên lớp, chọn cho mình một ít trái cây, bánh chưng, nhang đèn về cúng ông bà và đón giao thừa. Bấy nhiêu đó thôi, cũng đã thấy lòng nao nao…
 
Giáo sư âm nhạc Hồ Thụy Trang (56 tuổi, sống tại Creteil, Pháp, Giáo sư dạy nhạc Việt Nam tại Nhạc viện Pháp và người sáng lập Hội Văn hóa Việt Tiếng Tơ Đồng ở Pháp, chuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, tết cho người Việt tại Pháp)

 

Mang tết Việt ra thế giới - ảnh 6

Nhà văn, dịch giả Hiệu Constant    Ảnh: NVCC

Tôi luôn nhớ không khí đông đảo người dân Pháp và Việt kiều Pháp trang nghiêm, vui vẻ dự sự kiện Tết Nguyên đán do Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức vô cùng ý nghĩa, ấm cúng. Trước đây, Tết Nguyên đán luôn được tổ chức tại trụ sở của Đại sứ quán Việt Nam nằm ở tòa nhà số 62 phố Boileau (Paris), nhưng do cơ sở hơi hẹp nên từ năm 2014, được sự đồng ý kết hợp của Tòa Thị chính thành phố Paris nên sự kiện trọng đại này của Việt Nam đã được tổ chức tại Tòa Thị chính thành phố Paris. Nhờ có cơ ngơi rộng lớn mà khách mời quốc tế và bà con kiều bào được mời đến dự trọng thể, hoành tráng hơn, đến hàng ngàn người. Các tiết mục văn nghệ, những bài ca về mùa xuân Việt Nam, về tình người, tình xứ sở, những màn hòa tấu âm nhạc cổ truyền, trình diễn áo dài, múa lân… cứ thế vang lên làm ai cũng rưng rưng. Trong các bữa tiệc tết, dù ở địa điểm nào, đều không thể thiếu những món ẩm thực đặc biệt của Việt Nam như: bánh chưng xanh, giò thủ, hành muối, nem cuốn… Cộng đồng Việt Nam tại Pháp còn có rất nhiều hội đoàn khác nhau, mỗi hội đoàn đều có tiêu chí hoạt động chuyên môn riêng biệt, nhưng đều tổ chức tết và mời bạn bè quốc tế đến chung vui.
 
Với riêng tôi, hơn hai chục năm sống xa quê, đón tết tại Paris, tôi tổ chức tết rất tỉ mỉ, chu đáo cho chồng con. Tôi còn mời bạn bè Pháp – Việt đến dự. Ngay từ khi các con còn nhỏ, tôi đã hướng dẫn các con cùng chuẩn bị tết. Vừa làm, tôi vừa kể cho các con nghe những câu chuyện liên quan đến tết, những thuần phong mỹ tục Việt Nam liên quan đến ngày xuân.
 
Nhà văn, dịch giả Hiệu Constant (49 tuổi, đại diện văn học cho các nhà xuất bản 2 nước Pháp – Việt, sống và làm việc tại Paris từ năm 1998)
 
 
 
DẠ LY 

TNO