26/12/2024

Bệnh viện vắng bóng ‘ma men’

Theo ghi nhận của nhóm PV Thanh Niên ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, khoa cấp cứu các bệnh viện những ngày qua đã vắng hẳn bóng “ma men”.

 

Bệnh viện vắng bóng ‘ma men’

Theo ghi nhận của nhóm PV Thanh Niên ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, khoa cấp cứu các bệnh viện những ngày qua đã vắng hẳn bóng “ma men”.


 
 
 
Khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115 (TP.HCM) tối 15.1 vắng vẻ  /// ẢNH: HUYỀN MAI

Khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115 (TP.HCM) tối 15.1 vắng vẻ   ẢNH: HUYỀN MAI

 

 
Điều này cho thấy Nghị định 100 về xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn bước đầu phát huy tác dụng.
 
Khung cảnh thông thoáng tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) ngày 16.1 ẢNH: DUY TÍNH

Khung cảnh thông thoáng tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) ngày 16.1   Ảnh: Duy Tính

 
 
 
Tối 15 và sáng 16.1, PV Thanh Niên đã có mặt ghi nhận thực tế tình hình cấp cứu tại các bệnh viện (BV) lớn tại TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Tây nguyên, Cà Mau…, những nơi mà trước đây vốn luôn quá tải vì cấp cứu các ca tai nạn giao thông (TNGT), trong đó rất nhiều ca liên quan đến rượu bia.

“Giảm rõ rệt”

Ghi nhận chung cho thấy, lượng bệnh nhân (BN) do TNGT vào cấp cứu giảm hẳn. Sáng 16.1, Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy (TP.HCM) chỉ chữa trị một trường hợp bị TNGT liên quan đến rượu bia là N.V.H (25 tuổi, ngụ Đắk Nông), do BV tỉnh Đắk Nông chuyển tới trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, phải bóp bóng để thở qua nội khí quản. Bác sĩ (BS) Phạm Trí Dũng, Trưởng khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy, cho biết trước khi Nghị định 100 có hiệu lực, trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận từ 50 – 60 ca bị TNGT. Từ sau ngày 1.1 đến nay, mỗi ngày BV tiếp nhận 40 – 50 ca bị TNGT, trong đó số ca có sử dụng bia rượu giảm nhiều.
 
Dù tỷ lệ giảm chỉ mới khoảng 10% nhưng cảm nhận của tôi là giảm rõ rệt. Đặc biệt, trong những ngày có đội tuyển U.23 VN thi đấu, số ca nhập viện cấp cứu rất ít. Trong khi trước lúc Nghị định 100 ra đời, cứ đêm nào có đội tuyển VN đá bóng là số ca cấp cứu tăng đột biến. Cấp cứu vì say xỉn gây tai nạn giao thông cũng có, mà say xỉn đánh nhau cũng có

BS Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng khoa Cấp cứu BVĐK Đồng Nai

Tương tự, BS Trần Văn Sóng, Phó giám đốc BV Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết trước đây mỗi ngày BV tiếp nhận cấp cứu khoảng 30 ca TNGT, hiện nay là dưới 25 ca. Cụ thể, 2 tuần đầu tháng 12.2019, BV tiếp nhận 301 ca TNGT; 2 tuần cuối tháng 12.2019 tiếp nhận 236 ca TNGT. Nhưng đến 2 tuần đầu tháng 1.2020 chỉ còn tiếp nhận 212 ca. “Lượng bệnh nhân cấp cứu do TNGT ban đầu thấy giảm. Cần phải thay đổi văn hóa uống bia rượu và chuyển sang uống nước lọc, trà đá trong tiệc tùng”, BS Sóng nói. Trao đổi với PV Thanh Niên, BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM, cũng khẳng định 2 tuần qua số ca cần cấp cứu do TNGT gọi vào đầu số 115 giảm rõ rệt.
 
Theo thống kê của BV đa khoa (BVĐK) Đồng Nai, trong năm 2019 trung bình mỗi ngày có 15 ca nhập viện cấp cứu có liên quan đến nồng độ cồn. Còn từ đầu năm 2020 đến nay đã giảm xuống còn 12 ca/ngày. BS Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng khoa Cấp cứu BVĐK Đồng Nai, đánh giá: “Dù tỷ lệ giảm chỉ mới khoảng 10% nhưng cảm nhận của tôi là giảm rõ rệt. Đặc biệt, trong những ngày có đội tuyển U.23 VN thi đấu, số ca nhập viện cấp cứu rất ít. Trong khi trước lúc Nghị định 100 ra đời, cứ đêm nào có đội tuyển VN đá bóng là số ca cấp cứu tăng đột biến. Cấp cứu vì say xỉn gây TNGT cũng có, mà say xỉn đánh nhau cũng có”.
 

Giường bệnh trống không, phòng ốc vắng vẻ!

Tại Hà Nội, ngày 16.1, theo thông tin từ BVĐK Thanh Nhàn, từ đầu tháng 1.2020 các khoa phòng của BV này đã vắng BN nhập viện do liên quan rượu bia. “Không phải là giảm, mà là không có BN”, một BS trực cho hay. Trước đây, Khoa Nội tiêu hóa và Khoa Ngoại BVĐK Thanh Nhàn hầu như ngày nào cũng tiếp nhận các ca nhập viện xuất huyết tiêu hóa, say rượu, ngộ độc rượu hoặc tai nạn, chấn thương do sử dụng rượu bia. “Trước đây, các kíp trực cấp cứu ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ khá vất vả vì rất thường gặp các BN ngộ độc thực phẩm, say rượu, xuất huyết tiêu hóa, chấn thương. Thậm chí, cả những trường hợp chấn thương nặng do đánh nhau sau khi sử dụng quá mức rượu bia. Nhưng từ đầu năm đến nay chưa gặp BN nào”, một BS trực ca ngày 16.1 nói. Thậm chí, theo BS Vũ Xuân Hùng, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình BV: “Các giường bệnh lâu nay điều trị BN nhập viện do rượu bia giờ gần như trống không, phòng ốc vắng vẻ”.
 
Tại BVĐK tỉnh Cà Mau, ông Trần Thanh Sang, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, cho hay từ khi có Nghị định 100 thì người nhập viện vì TNGT do rượu bia gây ra giảm đáng kể. Theo thống kê của BV, năm 2019 có đến 686 trường hợp nhập viện do TNGT. 2 tuần trước khi Nghị định 100 có hiệu lực (18 – 31.12.2019), số BN điều trị ngoại trú do TNGT là 177 người. Từ ngày 1 – 14.1.2020 giảm còn 161 BN (giảm 9%); tổng số BN phải xét nghiệm nồng độ cồn trong máu do TNGT từ 18 giảm còn 11 (giảm 39%). Trong khi đó, BS Võ Minh Thành, Phó giám đốc BVĐK vùng Tây nguyên, cũng cho biết qua theo dõi, số ca chấn thương nặng nhập viện năm nay có giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
 

Người dân đã nâng cao ý thức

Đại tá Thái Thị Mỹ Trang, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đồng Tháp, cho biết từ khi Nghị định 100 có hiệu lực thì trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh chuyển biến tích cực. Tính từ 1 – 15.1, Đồng Tháp chỉ xảy ra 3 vụ TNGT đường bộ, làm chết 3 người; giảm 7 vụ, giảm 8 người chết và 3 người bị thương so với cùng kỳ năm 2019. So với tháng liền kề (12.2019), TNGT giảm 6 vụ, 6 người chết và 1 người bị thương. “Khi Nghị định 100 có hiệu lực, lực lượng Công an tỉnh Đồng Tháp đã triển khai thực hiện nghiêm theo quy định và tăng cường tuần tra giao thông. Tuy nhiên, nhờ quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục tốt nên người dân đã nâng cao ý thức. Thực tế là nhiều quán nhậu ế so với trước; người dân không dám đi nhậu do mức xử phạt theo Nghị định 100 là rất cao”, đại tá Trang cho hay.
CSGT Công an TP.Cần Thơ tuần tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn trong nội ô Q.Ninh Kiều ẢNH: MAI TRÂM

CSGT Công an TP.Cần Thơ tuần tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn trong nội ô Q.Ninh Kiều

ẢNH: MAI TRÂM

 
Tại TP.Cần Thơ, Phòng CSGT đường bộ cho biết qua 2 tuần ra quân xử lý vi phạm theo Nghị định 100, vi phạm về nồng độ cồn kéo giảm theo chiều hướng tích cực. Người dân nâng cao ý thức trong việc chấp hành các quy định về ATGT và cũng “ngán” bị kiểm tra nồng độ cồn vì mức xử phạt cao. Trong năm 2019, vi phạm về nồng độ cồn phát hiện 5.459 trường hợp, trung bình mỗi ngày có 15 trường hợp vi phạm, còn từ ngày 1 – 16.1, chỉ có 119 trường hợp vi phạm.
 
 
Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), sau hơn 2 tuần thực thi luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 6.279 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền trên 21 tỉ đồng. Những địa phương có kết quả xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn cao như: Quảng Ninh (475 trường hợp), Thanh Hóa (379 trường hợp), Tây Ninh (341 trường hợp), Đồng Nai (327 trường hợp)… Đáng chú ý, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã xử lý nhiều trường hợp là cán bộ, công chức vi phạm. Trong đó, CSGT tỉnh Thái Bình đã xử phạt một phó giám đốc BV 35 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày; tại Quảng Bình đã xử phạt một phó trưởng phòng GD-ĐT 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày và hiện nay Phòng GD-ĐT đang xem xét kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền đối với trường hợp vi phạm này…
 
Thống kê của Cục CSGT cũng cho biết tình hình TNGT từ 1.1 – 15.1 trên toàn quốc đã xảy ra 322 vụ, làm chết 249 người, bị thương 158 người, so với thời gian của tháng liền kề trước đó đã giảm 31 vụ (8,8%), giảm 38 người chết (13,2%) và giảm 57 người bị thương (26,5%).
 
Tại cuộc họp báo thông tin về triển khai Nghị định 100 của Ủy ban ATGT vào chiều cùng ngày, thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết để xử lý 1 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, CSGT phải bố trí 5 chiến sĩ tham gia. Do đó, để xử lý được những trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên, lực lượng CSGT đã phải bố trí khoảng 1 triệu lượt cán bộ chiến sĩ tham gia. Theo ông Đức, việc cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu và hơi thở có nồng độ cồn đã giúp thay đổi ý thức người dân về sử dụng rượu bia. Thực tế quán nhậu đã vắng hơn, mỗi người đều cân nhắc khi sử dụng rượu bia nếu tham gia giao thông, hoặc sử dụng phương tiện công cộng để đi lại thay vì tự điều khiển phương tiện.
 
Trả lời câu hỏi về ngăn chặn lực lượng chức năng “chung chi” với người vi phạm, ông Đức cho biết các hành lang pháp lý, quy định đều có để xử phạt lực lượng chức năng vi phạm, ai sai sẽ bị xử lý. Thực tế 2 tuần qua chưa nhận được phản ánh nào về lực lượng chức năng vi phạm, tham nhũng khi xử lý vi phạm. “Từ nay người dân đã được ghi hình để giám sát lực lượng thi hành công vụ, trong đó có lực lượng CSGT. Đây là quy định rất hay, vì người dân sẽ ghi lại những hình ảnh đẹp của lực lượng chức năng, đồng thời nếu hình ảnh gì cần rút kinh nghiệm cũng được người dân phản ánh để kịp thời chấn chỉnh”, ông Đức nói.
 
Mai Hà
 
 
 
THANH NIÊN 

TNO