24/11/2024

‘Ngủ đông’ cứu sống bệnh nhân ngưng tim

Ngưng tim, ngưng thở kéo dài dẫn đến chết não, hồi sức có thể cứu sống bệnh nhân nhưng sau đó họ “ngu ngơ” hoặc sống đời sống thực vật.

 

‘Ngủ đông’ cứu sống bệnh nhân ngưng tim

Ngưng tim, ngưng thở kéo dài dẫn đến chết não, hồi sức có thể cứu sống bệnh nhân nhưng sau đó họ “ngu ngơ” hoặc sống đời sống thực vật.


 
 
 
Bệnh nhân được phục hồi não hoàn toàn sau khi ngưng tim nhờ kỹ thuật hạ thân nhiệt tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM)	  /// Ảnh:  Duy Tính

Bệnh nhân được phục hồi não hoàn toàn sau khi ngưng tim nhờ kỹ thuật hạ thân nhiệt tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM)   Ảnh: Duy Tính

 

 
Kỹ thuật hạ thân nhiệt để cứu não sau ngưng tim nhằm cứu sống bệnh nhân đang được áp dụng thành công tại Việt Nam.
 
Mới đây, Bệnh viện (BV) Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân (BN) L.P.K (29 tuổi, ngụ TX.Điện Bàn, Quảng Nam) mắc bệnh Brugada gây rối loạn nhịp tim, trụy tim, ngưng tim, ngưng thở, nguy cơ tổn thương não, chết não. Lập tức các bác sĩ (BS) khoa hồi sức tích cực chống độc (HSTCCĐ, BV này) áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt ngoại biên (làm lạnh từ bên ngoài vào) giúp hạ và giữ thân nhiệt của BN ở 33 độ C. Ở nhiệt độ này, gần như mọi hoạt động chuyển hóa của cơ thể, đặc biệt là tế bào não được đưa về mức thấp nhất, được ví như những chú gấu “ngủ đông”.
 
Ca thứ hai được BV Đà Nẵng cứu sống bằng kỹ thuật này là N.T.T (17 tuổi, ngụ Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) bị ngừng tim, hôn mê, ngưng tuần hoàn (do viêm cơ tim cấp).

Nhiều BN được cứu sống ngoạn mục

Cách nay 2 tháng, một người đàn ông 35 tuổi ở TP.HCM, đang trực bỗng ngưng tim, ngưng thở do rối loạn nhịp tim, 30 phút sau đã được đưa đến BV Nhân dân Gia Định. BN được hồi sức có nhịp tim lại và trong 4 giờ đã hạ nhiệt độ xuống 33 độ C, được giải quyết tình trạng loạn nhịp. Ở nhiệt độ 33 độ C, sau 24 giờ, BN được làm ấm dần lên; 2 tuần sau BN xuất viện.

Đến nay BV Nhân dân Gia Định đã điều trị, cứu sống 27 BN bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt, giúp BN không phải sống đời thực vật, cho thấy việc đầu tư máy móc, phương tiện cho kỹ thuật này của BV là đúng đắn, mang ý nghĩa nhân văn hơn là bài toán kinh tế

TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc BV Nhân dân Gia Định

Trước đó, sáng sớm 12.6.2018, nam BN T.T.T (54 tuổi, Việt kiều Mỹ) đang tập thể dục ở TP.HCM, đột ngột đau ngực trái dữ dội, kèm khó thở, vã mồ hôi, được đưa vào BV đa khoa khu vực Thủ Đức cấp cứu, 10 phút sau nhập viện, BN đột ngột ngưng tim. Lập tức, BN được hồi sức tim phổi, sốc điện…, sau 30 phút BN hồi phục tuần hoàn. BV đã hội chẩn và báo động đỏ liên viện đến BV Nhân dân Gia Định, các BS nhận định đây là trường hợp nhồi máu cơ tim tối cấp, tiên lượng nặng, cần chuyển BV Nhân dân Gia Định để tái thông mạch vành. Khi BN vừa đến Khoa Cấp cứu, BV Nhân dân Gia Định thì ngưng tim lần 2. Các BS hồi sức tim phổi; kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy BN bị tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước. Chỉ trong vòng 77 phút từ khi đến BV Nhân dân Gia Định, BN đã được đặt stent tái thông mạch vành xong (thời gian vàng tối đa là 90 phút).
 
Mặc dù đã được đặt stent tái thông mạch vành nhưng BN vẫn còn sốc tim, tình trạng còn rất nặng nên BS cho đặt dụng cụ hỗ trợ tăng sức cơ bóp tim. Dù vậy, BN tiếp tục ngưng tim lần 3 ngay trên bàn mổ. Sau 30 phút hồi sức thì tuần hoàn BN mới trở lại. BN được chuyển qua đơn vị chăm sóc mạch vành, đặt máy hạ thân nhiệt chỉ huy từ 37 độ C xuống 33 độ C và duy trì trong vòng 24 giờ. Sau 24 giờ thì nhiệt độ BN được đưa trở về bình thường, tri giác đã tỉnh táo… Ông T. sau đó trở về Mỹ. Ca Việt kiều Mỹ được cứu sống thành công của BV Nhân dân Gia Định được các đồng nghiệp ở Mỹ đánh giá cao và BV Nhân dân Gia Định được giới thiệu là điểm đến của du khách Mỹ khi du lịch tại Việt Nam nếu gặp vấn đề ngưng tim, ngưng thở.
 
TS-BS Huỳnh Văn Ân, Trưởng khoa HSTCCĐ (ICU), BV Nhân dân Gia Định, cho biết ngày 6.11.2017, BV chính thức áp dụng kỹ thuật này. Ca đầu tiên cứu sống thành công là một nam BN trẻ bị rối loạn nhịp tim, bệnh lý tim mạch hiếm. Đến nay BV đã thực hiện 27 ca, kết quả cho thấy hồi phục não 100%, không tai biến. Hiện nay, đây là kỹ thuật thường quy của BV Nhân dân Gia Định.
 
“Đến nay BV Nhân dân Gia Định đã điều trị, cứu sống 27 BN bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt, giúp BN không phải sống đời thực vật, cho thấy việc đầu tư máy móc, phương tiện cho kỹ thuật này của BV là đúng đắn, mang ý nghĩa nhân văn hơn là bài toán kinh tế”, TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc BV Nhân dân Gia Định nói.

Đến BV trước 6 giờ, cơ hội cứu sống cao

BV Bạch Mai (Hà Nội) là BV đầu tiên trong nước áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt điều trị các BN ngừng tuần hoàn, cứu sống ca bệnh đầu tiên vào tháng 6.2015. Mới đây, BV đã cứu sống BN là học sinh nam, 13 tuổi, bị ngưng tim tại trường trong khi chơi bóng, được chuyển đến BV trong tình trạng hôn mê sâu.
Theo các BS, ngừng thở, ngừng tim (còn gọi là ngừng tuần hoàn) nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Việc ngừng tim trên 3 phút mà không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Với những BN bị ngừng tim, dù cấp cứu thành công, tim đập trở lại, phục hồi được mạch, huyết áp thì tỷ lệ sống sót cũng chỉ dưới 10% ngay cả ở các nước tiên tiến. Còn ở VN, trước đây tỷ lệ cứu sống BN ngừng tim thấp hơn rất nhiều (cơ hội cứu sống có thể chỉ từ 1 – 2%). Bởi vì trong khi ngừng tim, não không có máu nuôi dưỡng bị tổn thương nặng nề. Hậu quả là não sẽ bị phù nề, viêm, và hoại tử dẫn tới chết não và tử vong
 

Theo TS-BS Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai, sau khi bị ngừng tim, BN được cấp cứu thành công, tim đã đập trở lại, có mạch và huyết áp nhưng BN vẫn không tỉnh, thì sẽ tiến hành phương pháp làm hạ nhiệt độ cơ thể BN. Các biện pháp thông thường như chườm đá, truyền nước lạnh… có thể áp dụng, tuy nhiên sẽ không kiểm soát được nhiệt độ một cách chính xác nên hiệu quả rất hạn chế. Tốc độ làm lạnh và tốc độ làm ấm BN là cực kỳ quan trọng, chúng ta không thể làm bằng phương pháp thông thường, mà phải bằng một thiết bị đặc biệt để kiểm soát thân nhiệt người bệnh.
'Ngủ đông' cứu sống bệnh nhân ngưng tim - ảnh 1

Một bệnh nhân đang được sử dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt tại BV Nhân dân Gia Định, TP.HCM   Ảnh: Hoàng Hạnh

 
Tại Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai, các BS đã sử dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt nội mạch tiên tiến, với một thiết bị hạ thân nhiệt đặc biệt, đưa một ống thông chuyên biệt vào mạch máu của BN và qua đó tiến hành hạ thân nhiệt điều trị. Thông thường quá trình điều trị sẽ đưa nhiệt độ cơ thể BN xuống 33 độ C (ở người bình thường thân nhiệt 36,5 – 37 độ C). Sau đó máu sẽ duy trì ở nhiệt độ này trong 24 giờ để giúp cho các tế bào não hồi phục. Sau 24 giờ, máy sẽ làm ấm BN theo chương trình rất chặt chẽ nâng dần nhiệt độ BN với mức 0,25 độ C/giờ cho tới khi đạt nhiệt độ bình thường.
 
Theo TS-BS Nguyễn Văn Chi, khi nhiệt độ BN hạ xuống, não sẽ bớt phù hơn, bớt viêm và tưới máu não, cung cấp ô xy tốt hơn, cải thiện tình trạng độc tế bào não từ đó các tế bào não sẽ hồi phục rất ngoạn mục.
 
TS-BS Nguyễn Văn Chi cho biết thêm, nếu trước đây BN ngưng tuần hoàn thì gần như là chấp nhận chết, nhưng với kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy (hay còn gọi là kiểm soát thân nhiệt mục tiêu), nếu BN đến sớm trong vòng 6 giờ thì có thể cứu được đến 60 – 70%; đến muộn cơ hội cứu sống vẫn còn 10 – 20%. Thậm chí, BN đồng tử mắt giãn và mất phản xạ thì cũng có cơ hội cứu sống.
 
“Ngủ đông” cứu sống bệnh nhân ngưng tim

Hệ thống máy hạ thân nhiệt bệnh nhân trong điều trị

Bác sĩ phải được đào tạo bài bản

TS-BS Lê Đức Nhân, Giám đốc BV Đà Nẵng, cho biết thêm, kỹ thuật hạ thân nhiệt là kỹ thuật tiên tiến, được chỉ định cho những BN ngưng tuần hoàn hô hấp cấp, khiến máu không được bơm lên não, não không được cung cấp ô xy, gây tổn thương tế bào não… “Kỹ thuật này giúp ngăn tổn thương não do thiếu ô xy, bảo vệ tế bào não và tăng khả năng phục hồi cho người bệnh”, TS-BS Lê Đức Nhân nói.
 
BS Nguyễn Văn Đồng (Khoa HSTCCĐ, BV Đà Nẵng), người thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt ở cả 2 bệnh nhân K. và T. nói trên, cho biết bằng hệ thống hạ thân nhiệt, nhiệt độ BN được kiểm soát ổn định quanh mức 33 độ C trong 24 giờ đầu để tránh gây tổn thương não. Sau đó nâng dần nhiệt độ cơ thể BN về mức bình thường. Hai BN K. và T. hiện đã qua cơn nguy kịch và phục hồi tốt, đặc biệt là não không bị tổn thương.
 
Theo TS-BS Lê Đức Nhân, để thực hiện được kỹ thuật hạ thân nhiệt, đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về cấp cứu ngoại viện, nội viện. Hiện tại, các chỉ định hạ thân nhiệt tại BV Đà Nẵng đều áp dụng đối với BN ngừng tuần hoàn hô hấp do bệnh lý có thể xử lý và điều trị được như viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim… Khi muốn điều chỉnh nhiệt độ xuống thấp 33 độ C sẽ phải kèm theo một loạt thay đổi nguy hiểm của cơ thể về chuyển hóa, đông máu và suy đa tạng. Kỹ thuật phức tạp này đòi hỏi sự đồng bộ, chặt chẽ cả về kiểm soát chức năng tạng phủ BN, hệ thống máy móc hiện đại, phát hiện sớm các biến chứng để kịp xử lý; các BS được đào tạo bài bản.
 
“Tạm thời 2 ca thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt đầu tiên sẽ được BV Đà Nẵng miễn phí toàn bộ chi phí kỹ thuật, vật tư thuốc men liên quan”, TS-BS Lê Đức Nhân cho biết.
 
 

LIÊN CHÂU – DUY TÍNH – AN DY 

TNO