Nhớ 5 điều này để phòng bệnh cúm, sởi, viêm phổi lạ… dịp tết
Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm dễ bùng phát các loại bệnh, như sởi, cúm gia cầm, bệnh lây qua đường hô hấp… Đặc biệt năm nay bệnh viêm phổi lạ xuất hiện ở Trung Quốc, có dấu hiệu lây lan và đã có người chết.
Nhớ 5 điều này để phòng bệnh cúm, sởi, viêm phổi lạ… dịp tết
Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm dễ bùng phát các loại bệnh, như sởi, cúm gia cầm, bệnh lây qua đường hô hấp… Đặc biệt năm nay bệnh viêm phổi lạ xuất hiện ở Trung Quốc, có dấu hiệu lây lan và đã có người chết.
Mỗi người cần lưu ý gì để phòng tránh bệnh?
Chú ý tránh bệnh lạ
Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện điều lệ y tế quốc tế của Bộ Y tế tổng hợp từ các nguồn tin, cho biết tính đến ngày 10-1, tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã ghi nhận 59 trường hợp mắc viêm phổi cấp, trong đó có 1 ca tử vong.
Các trường hợp mắc bệnh đều ở thành phố Vũ Hán, chưa có bằng chứng rõ ràng về căn bệnh này lây truyền từ người sang người, chưa ghi nhận trường hợp nhân viên y tế bị mắc bệnh.
Trong số 59 ca mắc viêm phổi cấp, kết quả xét nghiệm cho thấy đã có 41 ca dương tính với chủng virút mới của Coronavirus (bao gồm cả trường hợp tử vong kể trên).
Bộ Y tế cho biết cho đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nghi ngờ mắc bệnh nói trên. Tuy nhiên nguy cơ bệnh lây lan trong dịp tết là không nhỏ, do nhu cầu giao thương, vận chuyển, du lịch tăng mạnh trong dịp tết, trong khi nguồn lây bệnh chưa rõ ràng và còn có đồ nội tạng gia súc gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Việt Nam từng ngăn thành công bệnh cúm H7N9, nhưng không ngăn được dịch tả heo châu Phi (cùng nguồn lây là Trung Quốc), dẫn đến những tổn thất nặng nề cho chăn nuôi và đời sống trong thời gian qua.
Thời điểm giáp tết và Tết Nguyên đán hằng năm cũng là giai đoạn có nhiều bệnh mùa đông xuân. Dịch sởi đã diễn biến phức tạp trong thời điểm nửa đầu năm 2019, số người lớn mắc sởi tính đến cuối năm tăng gấp đôi so với 2014 là năm có dịch sởi lớn nhất tính trong hàng chục năm qua.
Theo bác sĩ Đỗ Duy Cường – giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, đã có những bệnh nhân mắc quai bị vào viện, bệnh cúm cũng đã gia tăng mạnh từ khoảng tháng 11-2019, thị trường “cháy” thuốc trị cúm Tamiflu. Đây đều là những bệnh có nguy cơ gia tăng trong dịp tết, nếu lơ là.
Bộ Y tế khuyến cáo 5 nguyên tắc phòng bệnh
Để chủ động phòng chống bệnh viêm phổi cấp do chủng virút mới Coronavirus (căn bệnh khởi phát tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc), cùng các bệnh lây qua đường hô hấp, có nguy cơ lây lan trong dịp tết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng dùng các biện pháp sau:
1. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang y tế đúng cách, giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
2. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.
3. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
4. Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.
5. Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại thành phố Vũ Hán trong vòng 14 ngày, nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Chặn bệnh lạ vào Việt Nam
Bộ Y tế cho biết đang liên tục thảo luận, đánh giá để giám sát, ngăn chặn bệnh lạ vào Việt Nam, nhưng nguy cơ bệnh xâm nhập không nhỏ, các căn bệnh dễ lây khác kể trên cũng đang lưu hành, dễ bùng phát thành dịch, người dân cần tích cực phòng hộ để bảo vệ sức khỏe.
TTO