Tâm linh: ‘Đừng biến liệu pháp tinh thần thành mục đích’
Đây là lời khuyên của hai vị đại diện Phật giáo khi Tuổi Trẻ hỏi về việc thực hành đời sống tâm linh, niềm tin về việc kiến tạo an lành cho tự thân, gia đình trước thềm xuân mới.
Tâm linh: ‘Đừng biến liệu pháp tinh thần thành mục đích’
Đây là lời khuyên của hai vị đại diện Phật giáo khi Tuổi Trẻ hỏi về việc thực hành đời sống tâm linh, niềm tin về việc kiến tạo an lành cho tự thân, gia đình trước thềm xuân mới.
Đi chùa cầu nguyện những điều tốt lành là một tập quán văn hóa lâu đời của người Việt – Ảnh: DUYÊN PHAN
Hòa thượng THÍCH THIỆN TÂM (phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo VN):
“Đừng biến liệu pháp tinh thần thành mục đích”
Trong Phật giáo có từ “phương tiện” để chỉ cho những biện pháp giúp an tâm, giúp con người nương vào đó mà đi vào con đường sáng, vượt qua sông mê, biển khổ. Với Phật giáo Nam truyền, cũng có hình thức cầu an đầu năm hay vào những dịp lễ trọng, như rải nước an lành, tụng kinh chúc phúc cho phật tử.
Những hoạt động này là một liệu pháp tinh thần nhưng quan trọng hơn, mỗi độ tết đến xuân về, phật tử đi chùa sẽ được nghe chư tăng giảng pháp, giúp người nghe hiểu rõ đạo lý nhân quả để từ đó có thay đổi lối sống, suy nghĩ, chuyển hóa hành vi từ bất thiện thành tốt đẹp.
Khi hiểu biết rõ ràng rằng vận mệnh đời do chính bản thân gây tạo thì họ sẽ quay về chăm sóc chính mình, không trông chờ vào tha lực nào cả. Đó chính là lúc người đó dần hoàn thiện suy nghĩ, lời nói, việc làm sao cho thiện, cho lành. Được vậy mọi thứ tự nhiên an lành.
Nên nhớ, đến chùa là một phương tiện để trở về với chính mình, chiêm nghiệm đời sống đã qua để định hướng cho mình con đường sáng đẹp bằng sự nỗ lực. Hễ còn trông chờ vào tha lực quá nhiều thì còn dựa dẫm, còn mê muội, còn cầu cúng, van xin.
Và còn làm những việc đó như một mục đích của việc đến với chùa, hướng về Phật là còn khổ. Tất cả những phương tiện của Phật giáo đều có giá trị riêng, nhưng người thực hành phải hiểu.
Ví dụ, khi đốt một nén nhang cho Phật mà không hiểu rằng mình cần tu tập giới, định, tuệ, làm cho mình cũng tỏa hương thơm từ giới đức, từ cách sống cách nghĩ hằng ngày để dâng Phật mà cứ xông hương hình thức, càng đốt càng mê. Và đó chính là vấn đề người phật tử, có tín tâm với Phật cần suy nghĩ.
Đại đức THÍCH GIÁC NHƯỜNG (giảng viên Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM):
“Cầu nguyện không phải là phó thác đời mình cho Phật, cho thánh thần”
Đức Phật dạy khi nói và làm việc gì với suy nghĩ tốt lành thì an lạc – hạnh phúc là kết quả của hành vi nói và làm ấy. Ngược lại, nói và làm với ý niệm không tốt, thiếu chân chánh thì hệ lụy, khổ đau, phiền muộn chắc chắn sẽ khó tránh khỏi.
Theo đó, cầu nguyện cũng là tâm niệm, là ý nguyện rất cần thiết trong dịp đầu năm – theo truyền thống lâu đời của ông bà chúng ta. Thường cuối năm, ai cũng muốn buông bỏ những gì phiền toái của năm cũ, mong muốn được tha thứ lỗi lầm, những sai phạm do bản thân gây nên, mong muốn mọi việc trắc trở, chướng duyên được kết thúc cùng năm tháng.
Và nhất là bước sang năm mới mong muốn được nhiều thuận duyên hơn, gia đạo được an bình; đặc biệt là hướng về ông bà tổ tiên cầu nguyện gia phong vĩnh chấn, họ tộc vinh quang… Với sự cầu nguyện này là yếu tố thiện lành nuôi lớn tâm thiện, góp phần định hướng hành vi hướng thiện thì rất cần thiết.
Ngược lại, với tâm nguyện phó thác cuộc sống của bản thân cho thánh thần; xin được giải trừ nghiệp chướng khổ đau; xin cho thoát kiếp nghèo túng… trong khi vẫn tạo tác những điều trái với đạo đức, trái với luật pháp, trái với lương tâm thiện lành; không phấn đấu làm ăn, dấn thân lao động thì không có thánh thần, Phật, bồ tát chứng minh và gia hộ; không ai gánh chịu thay hậu quả do bản thân mình gây tạo.
Thiết nghĩ, để cầu nguyện vừa có ý nghĩa, vừa giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc đi chùa cầu nguyện đầu năm, các tự viện phải truyền đạt được lời Phật dạy; đạo lý nhân quả; bình tâm nhìn lại những suy nghĩ, giao tiếp và cách ứng xử, việc làm của mình để kịp điều chỉnh, sửa sai và phát triển hơn nếu là hành vi tích cực.
Tăng ni cần nhắc nhở người đi chùa phải chịu trách nhiệm những việc làm dù thiện hay bất thiện, hậu quả phải chấp nhận để giải quyết xử lý và tự hào với thành quả lao động của bản thân, chứ không một ai ban phát.
TTO