28/12/2024

Quan hệ Mỹ-Trung-Đài ra sao sau khi lãnh đạo Đài Loan tái đắc cử?

Giới phân tích cho rằng sau khi lãnh đạo Thái Anh Văn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử mới đây, Đài Loan có thể tiếp tục bị Bắc Kinh gây sức ép, làm gia tăng sự không chắc chắn cho quan hệ Mỹ-Trung Quốc.

 

Quan hệ Mỹ-Trung-Đài ra sao sau khi lãnh đạo Đài Loan tái đắc cử?

Giới phân tích cho rằng sau khi lãnh đạo Thái Anh Văn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử mới đây, Đài Loan có thể tiếp tục bị Bắc Kinh gây sức ép, làm gia tăng sự không chắc chắn cho quan hệ Mỹ-Trung Quốc.

 

 

 

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn /// Ảnh: AFP

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn   Ảnh: AFP

 

Trong cuộc bầu cử lãnh đạo và viện lập pháp ở Đài Loan ngày 11.1, nữ lãnh đạo Thái Anh Văn thuộc đảng Dân tiến đã giành được 8,2 triệu phiếu, chiếm hơn 57% tổng số phiếu, mức cao kỷ lục trong lịch sử bầu cử ở vùng lãnh thổ này. Sau khi giành chiến thắng, bà Thái kêu gọi nối lại đối thoại với Bắc Kinh, nhưng nhấn mạnh bà hy vọng Bắc Kinh hiểu rằng Đài Loan và người dân sẽ không khuất phục trước sự hăm dọa.
 
Phản ứng về kết quả bầu cử, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay 12.1 nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ không thay đổi lập trường về nguyên tắc “một Trung Quốc” và phản đối việc giành độc lập cho Đài Loan. Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ thúc đẩy mô hình “một quốc gia, hai chế độ” đối với Đài Loan, theo Reuters.
 
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chúc mừng bà Thái thắng cử. Đáp lại, Trưởng cơ quan Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp đã cảm ơn Ngoại trưởng Pompeo về việc công nhận “sức mạnh của quan hệ đối tác Đài Loan – Mỹ” và bày tỏ muốn làm việc gần gũi hơn với ông Pompeo. Hôm 10.1, ông Ngô cho rằng nếu bà Thái tái đắc cử, điều này sẽ mang lại cho bà quyền lực để tiếp tục hướng chính quyền Đài Loan làm việc chặt chẽ hơn với Mỹ và đối phó những mối đe dọa từ Bắc Kinh, theo tờ South China Morning Post (SCMP).

Vấn đề khó nhất của Bắc Kinh

Với việc bà Thái tái đắc cử, giới quan sát cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục tìm cách gây sức ép lên Đài Loan trên trường quốc tế, trong khi Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Đài Loan trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung còn hục hặc.
 
Chuyên gia về Đài Loan Jonathan Sullivan tại Đại học Nottingham (Anh) nhận định với SCMP rằng cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều không muốn có xung đột vì Đài Loan, nhưng cũng có những điều không thể đoán trước được, như tính hay thay đổi của Tổng thống Donald Trump và nỗ lực tái tranh cử của ông, cũng như cách Washington và Bắc Kinh kiểm soát mối quan hệ song phương ngày càng xuống dốc.
 
Ông Sullivan cho rằng Bắc Kinh sẽ có thể kiểm soát sự mất kiên nhẫn của mình “miễn Mỹ không làm điều gì bất ngờ và có sự thay đổi lớn liên quan đến Đài Loan, và miễn quan hệ song phương Mỹ – Trung Quốc vẫn còn có thể cứu vãn”.
 
“Đối với Bắc Kinh, việc nâng cấp các biện pháp hiện hữu cũng đủ để đối phó bà Thái, nhưng vấn đề hóc búa nhất của Bắc Kinh là làm sao để đối phó ông Trump, vốn tiếp tục thách thức những lằn ranh đỏ của Trung Quốc bằng cách tích cực hỗ trợ Đài Bắc về mặt quân sự lẫn ngoại giao”, ông Thì Ân Hoằng, học giả về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân và là cố vấn hàng đầu của chính phủ Trung Quốc, nhận định với SCMP.
 
Cũng theo ông Thì: “Vấn đề khó khăn nhất đối với Bắc Kinh là chính quyền Tổng thống Trump sẽ đưa Đài Loan vào chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và để Đài Loan đạt lợi ích từ cuộc cạnh tranh đang diễn ra giữa Bắc Kinh và Washington”.
 

Washington không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc, nhưng xem Đài Loan là một đối tác quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã ủng hộ Đài Loan thông qua các thương vụ vũ khí và các chương trình trao đổi cấp cao, theo SCMP.

Chiến thuật hăm dọa quân sự

Ông Timothy Rich, một chuyên gia về chính trị Đài Loan và quan hệ hai bên eo biển Đài Loan thuộc Đại học Tây Kentucky (Mỹ) dự đoán Trung Quốc sẽ đáp trả sau khi bà Thái tái đắc cử, có thể bằng cách cố thuyết phúc 15 nước đồng minh về ngoại giao còn lại của Đài Loan chuyển sang thiết lập quan hệ chính thức với Trung Quốc. Ông Rich cho rằng Trung Quốc sẽ không thay đổi các chính sách đối với Đài Loan, nhưng có thể cố gây chia rẽ giữa Mỹ và Đài Loan bằng cách có sự nhượng bộ nhỏ về chính sách thương mại.
 
Một số nhà phân tích còn cho rằng với việc bà Thái giành chiến thắng áp đảo và đảng Dân tiến cầm quyền thắng lớn ở viện lập pháp trước Quốc dân đảng được cho là thân với đại lục, Bắc Kinh có thể sẽ gia tăng sự hăm dọa về mặt quân sự trong nhiệm kỳ 2 của bà Thái, dù biết rằng chiến thuật như thế sẽ đẩy Đài Loan càng gần với Mỹ hơn.
 
Lâm Dĩnh Hựu, phó giáo sư tại Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Đài Loan, cho rằng Bắc Kinh có thể sử dụng chiến thuật hăm dọa quân sự như tiến hành tuần tra bằng chiến đấu cơ, tập trận xung quanh Đài Loan như đã làm trong mấy năm qua. Cũng theo ông Lâm, quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan có thể tiếp tục xấu đi trong nhiệm kỳ 2 của nữ lãnh đạo Thái.
 
Còn về quan hệ Mỹ – Trung – Đài, ông Lâm cho rằng quan hệ này dựa vào những tương tác giữa Bắc Kinh và Washington, vốn sẽ phụ thuộc vào cuộc đàm phán thương mại song phương trong tuần tới và bầu cử tổng thống Mỹ trong tháng 11.2020.
 
 
 
VĂN KHOA 

 

TNO