Trung Quốc chỉ trích Mỹ ‘lạm dụng sức mạnh’, gây căng thẳng ở Trung Đông
Bắc Kinh lại tiếp tục lên tiếng chỉ trích Mỹ trong vụ tấn công tiêu diệt tướng Iran trên lãnh thổ của Iraq mà theo đó sẽ gây ra căng thẳng cho khu vực.
Trung Quốc chỉ trích Mỹ ‘lạm dụng sức mạnh’, gây căng thẳng ở Trung Đông
Bắc Kinh lại tiếp tục lên tiếng chỉ trích Mỹ trong vụ tấn công tiêu diệt tướng Iran trên lãnh thổ của Iraq mà theo đó sẽ gây ra căng thẳng cho khu vực.
Hãng tin Reuters cho biết trong cuộc họp báo ngày 6-1, ông Cảnh Sảng (Geng Shuang) – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã chỉ trích Mỹ làm căng thẳng khu vực Trung Đông do chủ nghĩa can thiệp quân sự và thúc giục các bên kiềm chế để đảm bảo hòa bình và ổn định cho khu vực vốn nhiều bất ổn hiện nay.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng thúc giục Mỹ không lạm dụng sức mạnh. Khi được hỏi về lời đe dọa của Tổng thống Trump đòi trừng phạt Iraq mạnh mẽ nếu Baghdad “đuổi” binh sĩ Mỹ và đồng minh của Mỹ rời đi, ông Cảnh Sảng cho biết Bắc Kinh chống lại việc sử dụng các đe dọa dung biện pháp trừng phạt.
Hôm 4-1, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif để thảo luận về vụ không kích của Mỹ khiến Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), thiếu tướng Qasem Soleimani thiệt mạng.
Nhà lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc đã cho rằng Mỹ nên ngừng lạm dụng việc sử dụng vũ lực và tìm kiếm các giải pháp thông qua đối thoại. Cách hành xử mạo hiểm của quân đội Mỹ vi phạm các quy tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, cũng như sẽ làm gia tăng căng thẳng và hỗn loạn trong khu vực.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương Nghị nhấn mạnh Trung Quốc sẽ đóng vai trò xây dựng trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực vùng vịnh Trung Đông.
Trong khi đó, phản ứng trước tuyên bố không tuân thủ giới hạn làm giàu urani của Iran vào rạng sáng 6-1, khối ba nước Anh, Đức, Pháp đã lên tiếng kêu gọi Iran kiềm chế mọi hành động bạo lực và tiếp tục tôn trọng thỏa thuận hạt nhân JCPOA 2015.
Theo Hãng tin Reuters, ba nước nói trên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm leo thang căng thẳng ở Iraq và Iran, đồng thời khẳng định lại quyết tâm tiếp tục chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Tuyên bố chung của Anh, Pháp, Đức có nội dung: “Chúng tôi tái khẳng định cam kết tiếp tục dành sự ưu tiên hàng đầu cho cuộc chiến chống lại IS. Về vấn đề này, điều quan trọng là phải duy trì liên minh. Chúng tôi kêu gọi chính quyền Iraq tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho liên minh. Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục đối thoại với tất cả các bên để xuống thang căng thẳng và tái thiết sự ổn định trong khu vực”.
Văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông sẽ nói chuyện với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani trong những ngày sắp tới.
Theo Hãng tin AFP ngày 5-1, đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell cũng mời Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đến Brussels và kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng tại vùng Vịnh.
Rạng sáng 6-1, Đài truyền hình trung ương Iran đưa tin cho biết Iran sẽ không tôn trọng bất kỳ giới hạn nào trong thỏa thuận hạt nhân JCPOA 2015.
Thay vào đó, Tehran sẽ tiến hành làm giàu urani theo “nhu cầu kỹ thuật”. Dù vậy, Iran vẫn phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Thỏa thuận JCPOA 2015 có tên chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015. Tham gia thỏa thuận này là nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức).
Trước đó, ngày 7-7-2019, Iran đã tuyên bố về việc phá vỡ giới hạn làm giàu uranium như tín hiệu đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận JCPOA.
Vào thời điểm JCPOA được vinh danh như một thỏa thuận “lịch sử”, Iran cam kết khống chế mức làm giàu urani ở 3,67% trong vòng 15 năm, đổi lại là được cởi bỏ cấm vận để phát triển kinh tế. Đối với các bên ký kết, đây là mốc đủ để đảm bảo Tehran không chế tạo bom nguyên tử.
Tuyên bố của Iran khiến giới quan sát lo ngại nước này đang ở bờ vực rút hẳn và khiến JCPOA sụp đổ.
TTO