Nếu lỡ rượu bia, sau bao lâu mới nên cầm lái?
Cùng ngồi chung bàn nhậu, uống chung một loại và lượng rượu nhưng người say ít, người say ‘quên lối về’. Sau 3 ngày nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, nhiều người đặt câu hỏi sau khi uống rượu bia bao lâu thì được lái xe?
Nếu lỡ rượu bia, sau bao lâu mới nên cầm lái?
Cùng ngồi chung bàn nhậu, uống chung một loại và lượng rượu nhưng người say ít, người say ‘quên lối về’. Sau 3 ngày nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, nhiều người đặt câu hỏi sau khi uống rượu bia bao lâu thì được lái xe?
Không có thời gian chính xác cho mọi cá nhân là sau khi uống rượu bia bao nhiêu lâu thì lái xe không bị phạt – Ảnh: Tư liệu
TS.BS Trần Quốc Cường – giảng viên bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) – cho biết nồng độ cồn được đo bằng hơi thở hoặc nồng độ trong máu. Khi uống rượu bia càng nhiều thì nồng độ và thời gian giải rượu bia càng lâu, trong đó nam giới hấp thu lượng cồn vào máu chậm hơn nữ giới.
Bác sĩ Cường cho hay thông thường trung bình mất 60 phút để cơ thể giải một đơn vị cồn. Ví dụ uống từ 21h và uống 8 lon bia thì cần ít nhất đến 5h hôm sau mới giải hết lượng cồn trong người.
ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương – trưởng đơn vị tiêu hóa can thiệp của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) – cho biết theo lý thuyết, từ 12-24 giờ sau khi uống rượu bia, nồng độ cồn vẫn đo được trong máu và hơi thở. Tuy nhiên nồng độ cồn này phụ thuộc vào mức độ phản ứng (mạnh hay yếu) của gan đối với rượu bia và lượng thực phẩm ăn kèm của mỗi người.
Vì thế trong trường hợp hai người cùng ngồi uống một loại rượu và liều lượng như nhau nhưng nồng độ cồn trong máu mỗi người lại không giống nhau.
“Khó có thể dự đoán chính xác nồng độ cồn trong máu của mỗi người ngoại trừ các thiết bị chuyên dụng. Nếu một người uống rượu bia khi no thì nồng độ cồn trong máu sẽ thấp hơn khi đói. Và khi ăn rồi nhưng ăn nhiều chất béo thì nồng độ cồn trong máu cũng thấp hơn khi ăn chất khác” – bác sĩ Lưu Phương nêu các tình huống.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 của một chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 phần rượu mạnh 30 ml (40% độ cồn).
Như vậy, không có con số chính xác tuyệt đối cho mọi cá nhân là uống rượu bia sau bao lâu mới được lái xe, hay sau bao lâu uống rượu bia thì hết nồng độ cồn trong cơ thể vì quá trình này phụ thuộc vào lượng rượu, đặc điểm sinh học và thể trạng mỗi người – các bác sĩ kết luận.
Bên cạnh chuyện uống rượu bia, nhiều người băn khoăn về việc khi ăn một số loại trái cây (sầu riêng, nho, vải, nhãn…) hay uống những thực phẩm như xirô, nước trái cây lên men cũng khiến hơi thở cũng có cồn.
Lý giải về vấn đề trên, bác sĩ Lưu Phương cho biết việc ăn uống những thực phẩm nêu trên đều làm hơi thở có cồn, đồng thời những vi khuẩn trong khoang miệng lên men cũng “góp phần” gia tăng thêm nồng độ cồn, tuy nhiên lượng cồn này rất thấp, không đáng kể.
Theo đó, chỉ cần uống nước, súc miệng trong vòng 10-15 phút thì sẽ không xảy ra phản ứng dương tính nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở.
Tiết chế khi uống và biết đào thải sau say
Để giảm mức độ say rượu bia, TS.BS Trương Thị Ngọc Lan – phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM – khuyến cáo người dân nên biết tiết chế khi uống; không uống rượu bia khi đói; nên uống trước bột sắn dây hoặc sữa để bảo vệ niêm mạc dạ dày, hạn chế hấp thu rượu bia.
Trong trường hợp sau khi say rượu thì nên uống trà xanh, nước đậu xanh, atisô, nhân trần… nhằm cung cấp lượng nước lớn cho cơ thể, giúp quá trình đào thải rượu nhanh chóng.
TTO