26/01/2025

Đối thoại ‘nảy lửa’ giữa Bộ GD-ĐT và GS Hồ Ngọc Đại

Sau những lùm xùm việc loại sách công nghệ lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại từ vòng thẩm định đầu tiên, sáng nay (3.1), Bộ GD-ĐT đã tổ chức đối thoại với GS Đại và các cộng sự tại Trung tâm công nghệ giáo dục.

 

Đối thoại ‘nảy lửa’ giữa Bộ GD-ĐT và GS Hồ Ngọc Đại

Sau những lùm xùm việc loại sách công nghệ lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại từ vòng thẩm định đầu tiên, sáng nay (3.1), Bộ GD-ĐT đã tổ chức đối thoại với GS Đại và các cộng sự tại Trung tâm công nghệ giáo dục.

 

 

GS Hồ Ngọc Đại khẳng định ông sẽ không thể sửa sách để thẩm định lại /// Ảnh KIM HIỀN

GS Hồ Ngọc Đại khẳng định ông sẽ không thể sửa sách để thẩm định lại   Ảnh KIM HIỀN

 

 
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ từ tháng 11.2019, bắt đầu từ 9 giờ sáng nay, 3.1, Bộ GD-ĐT tổ chức đối thoại với tác giả sách Công nghệ Giáo dục là GS-TSKH Hồ Ngọc Đại; PGS-TS Nguyễn Kế Hào, người có thư gửi Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, sau khi Hội đồng thẩm định quốc gia sách giáo khoa lớp 1 “loại” sách của GS Hồ Ngọc Đại ở vòng thẩm định đầu tiên.
 
Chủ trì đối thoại về phía Bộ GD-ĐT là Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ. Phía Công nghệ giáo dục ngoài GS-TSKH Hồ Ngọc Đại, PGS-TS Nguyễn Kế Hào, còn có các cộng sự của 2 ông tham gia quá trình triển khai Công nghệ giáo dục, tham gia hoàn thiện các sách giáo khoa Công nghệ giáo dục.
 
Cuộc đối thoại mở đầu tương đối nhẹ nhàng, nhưng sau khi một số thành viên của Hội đồng thẩm định trả lời các ý kiến của GS Hồ Ngọc Đại thì diễn biến trở nên gay gắt, thậm chí cả hai bên không tránh khỏi có lúc “mạt sát” và làm tổn thương nhau bởi những “công kích” mang tính cá nhân giữa một số thành viên Hội đồng thẩm định với GS Hồ Ngọc Đại; và kết quả là đối thoại bất thành khi các bên không tìm được tiếng nói chung.

Bộ GD-ĐT tái khẳng định sách Công nghệ chỉ phù hợp chương trình cũ

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, trình bày tóm tắt quá trình tiến hành thẩm định sách giáo khoa lớp 1 thời gian vừa qua. Cũng theo ông Tài, trong 11 bản thảo sách được đánh giá “không đạt” sau cả 2 vòng thẩm định, có một số cuốn các tác giả đã sửa để tham gia thẩm định lại từ đầu (từ tháng 12.2019) và nay việc thẩm định đã tiến hành xong vòng 1.
Về sách của GS Hồ Ngọc Đại, sau kết quả thẩm định lần 1, ông Tài nhắc lại quy trình trả lời thư của PGS Nguyễn Kế Hào gửi cho Bộ trưởng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và sau đó là Thủ tướng Chính phủ.
 
Ông Tài cho biết, sau khi trả lời PGS Hào, Bộ có văn bản báo cáo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về kết quả thẩm định sách giáo khoa lớp 1 nói chung và sách của GS Hồ Ngọc Đại.
 
Xung quanh việc Thủ tướng yêu cầu đánh giá lại chương trình thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại, ông Tài cho biết, năm 2017 và 2018, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định chương trình công nghệ giáo dục. Ở lần 1, Hội đồng thẩm định gồm 13 thành viên, do Viện Khoa học giáo dục đề nghị và tiến hành thẩm định độc lập, không có sự tham gia của cơ quan quản lý về giáo dục.
 
Kết luận thẩm định lần này nêu chương trình này phù hợp với chương trình hiện hành và cho phép thực hiện 1 năm cho đến khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
 
Sau kết quả của Hội đồng thẩm định này, Bộ trưởng GD-ĐT quyết định cho thẩm định vòng 2. Lần này, thành viên tham gia Hội đồng thẩm định có sự phối hợp giữa Viện Khoa học giáo dục và Vụ Giáo dục tiểu học. Kết luận ở vòng thẩm định lần 2 tương tự như vòng 1.
 
Lý giải về việc đến thời điểm này Bộ mới tổ chức đối thoại với GS Hồ Ngọc Đại theo yêu cầu của Thủ tướng, sau khi sách công nghệ lớp 1 không đạt ở cả 2 vòng thẩm định, ông Tài cho biết do thời gian vừa qua, sức khoẻ của GS Hồ Ngọc Đại không tốt nên lịch hôm nay là do thầy Đại chọn khi sức khoẻ của thầy đã ổn định, và Bộ GD-ĐT hoàn toàn tôn trọng điều đó.
 
Đối thoại 'nảy lửa' giữa Bộ GD-ĐT và GS Hồ Ngọc Đại - ảnh 1

PGS Nguyễn Kế Hào phát biểu tại buổi đối thoại   Ảnh KIM HIỀN

 

PGS Nguyễn Kế Hào, tác giả của các bức thư gửi tới lãnh đạo Chính phủ và Bộ GD-ĐT, mở đầu phần phát biểu của mình với sự thất vọng không che giấu, khi cho rằng ông và GS Hồ Ngọc Đại mong muốn gặp đối thoại với Bộ trưởng Bộ GD- ĐT nhưng Bộ trưởng không có mặt. Do vậy, PGS Hào chất vấn Thứ trưởng chủ trì có quyền quyết định những vấn đề bàn thảo hôm nay không thì mới tiếp tục phát biểu, bởi ông Hào cho rằng có những quyết định mà Thứ trưởng ký nhưng Bộ trưởng vẫn thu hồi nên không có giá trị.
 
Đáp lời, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định ông chủ trì cuộc đối thoại này là do phân công của Bộ trưởng, nên ông có quyền quyết định.
 
PGS Nguyễn Kế Hào điểm lại những thành tựu đã được thực tiễn chứng minh trong suốt hơn 40 năm của Công nghệ giáo dục, và cho rằng việc sách công nghệ giáo dục bị đánh giá không đạt, bị loại bỏ là “không bình thường, đã làm cho dư luận xã hội quan tâm, nhiều người bức xúc”.
 
PGS Hào cho rằng, cách xử lý vấn đề này cũng không quá khó mà hoàn toàn trong tầm và trong quyền hạn của Bộ trưởng. Bộ trưởng vẫn dựa vào Hội đồng thẩm định đã có nhưng để cho Hội đồng làm việc theo tinh thần đổi mới, cởi mở hơn; vẫn đánh giá theo Thông tư 33, các chỉ báo được vận dụng linh hoạt để giữ được bản sắc riêng của mỗi bộ sách, điều cơ bản là đảm bảo việc đánh giá qua thực tiễn, đây mới là thước đo đáng tin cậy, không thể thiếu trong đánh giá sách, đánh giá hoạt động dạy và học ở tiểu học.
 
PGS Hào cũng nhắc tới ý kiến của các chuyên gia trả lời trên báo chí, trong đó có báo Thanh Niên, cho rằng sách được thẩm định chỉ là bước đầu, quan trọng là sách đó phải được thực nghiệm trong cuộc sống rồi mới cho triển khai chính thức. Bên cạnh đó, có chuyên gia đề nghị sách của GS Hồ Ngọc Đại cần được thẩm định theo một cách khác…. “Vậy Bộ GD-ĐT có ý kiến ra sao về những đề xuất này?”, PGS Hào chất vấn.

GS Hồ Ngọc Đại: Viết sách giáo khoa phải là công việc khoa học, chứ không phải làm dịch vụ

GS Hồ Ngọc Đại cho biết, ông đến cuộc đối thoại này chỉ muốn được xác nhận bộ sách Công nghệ giáo dục của mình được sử dụng cho năm học mới, đồng thời bày tỏ khi sách công nghệ lớp 1 bị loại cả môn toán và tiếng Việt, cá nhân ông không hề “oán giận” gì Hội đồng thẩm định, vì “tôi hiểu họ chỉ làm việc của mình. Vấn đề là họ đã được giao làm như thế nào”.
 
Ông Đại cho rằng, việc viết sách giáo khoa thời gian qua chỉ như một công việc dịch vụ chứ không phải là khoa học. Trong đó, thành viên Hội đồng được lựa chọn, ký hợp đồng, đặt cọc, thực hiện rồi thu tiền…
 
Ông Đại nêu quan điểm về khoa học giáo dục của mình khi xây dựng bộ sách từ lớp 1 đến lớp 5 và tái khẳng định: “Tôi không thể sửa chữa gì nữa ngoài những cái tôi đã có và gửi thẩm định lần này. Cuốn sách của tôi trong 40 năm qua tôi đã sửa hàng năm và chỉ có thể sửa chữa đến một mức nào đó là dừng”.

Hội đồng thẩm định: Chúng tôi không chỉ “gật” hay “lắc”

PGS Trần Kiều, Chủ tịch hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn toán, khẳng định kết luận của Hội đồng thẩm định là đủ độ tin cậy. Về nguyên tắc, có chương trình mới là có những chương trình mới tương ứng với chương trình, và phải chấp nhận tính mất hiệu lực dù có những sách hiện hành vẫn rất hay nhưng sang chương trình mới nó không phù hợp nữa.
 
Theo ông Kiều, dù không phải mọi kết luận của Hội đồng đều được tất cả chủ biên tán thành, nhưng đó là những ý kiến xác đáng. “Chúng tôi biết viết sách lớp 1 khó nhất nên việc thẩm định đã tiến hành rất cẩn trọng và rất linh hoạt”, ông Kiều nói.
 
Đối thoại 'nảy lửa' giữa Bộ GD-ĐT và GS Hồ Ngọc Đại - ảnh 2

PGS Trần Kiều nói kết luận của Hội đồng thẩm định là đáng tin cậy   Ảnh KIM HIỀN

 
PGS Trần Kiều cho rằng, sách Toán 1 của GS Hồ Ngọc Đại làm đảo lộn toàn bộ cấu trúc, khung chương trình giáo dục phổ thông mới, khi mang kiến thức từ lớp 6 và 8 xuống cấp tiểu học. Dù đề nghị GS Hồ Ngọc Đại nên viết lại theo sự gợi ý của chủ tịch Hội đồng, ông Kiều cũng cho rằng rất khó khả thi vì có tới 160 “lỗi” theo kết luận của Hội đồng.
 
“Khuyên sửa đi nhưng sửa thế nào. Một là ông Đại có đồng ý sửa hay không và sửa thì rất mất thời giờ, như tôi là tôi bỏ ngay”, PGS Kiều nói.
 
Về việc hiện có hơn 900.000 học sinh lớp 1 ở 48 tỉnh, thành tình nguyện dạy học sách tiếng Việt công nghệ 1, PGS Kiều cho rằng khó có thể lấy số lượng người sử dụng để nói cuốn sách tiếp tục tồn tại. Nếu so sánh sách toán của GS Đại với sách toán của chương trình 2000 thì sách toán công nghệ không thấm vào đâu. Tuy nhiên, khi thực hiện chương trình mới thì sách toán của chương trình hiện hành cũng mất hiệu lực.
 
PGS Kiều nêu quan điểm, đã tham gia vào cùng một “sân chơi” thì phải tuân thủ “luật chơi. “Nếu cho phép cơ chế “đặc thù” về sách của GS Đại, vậy còn sách của các nhóm tác giả khác thì sao?”, ông Kiều đặt vấn đề.
 
Lập tức, GS Hồ Ngọc Đại phản bác vì cho rằng ông và PGS Trần Kiều có 2 tư duy hoàn toàn khác biệt, một bên tư duy là khái niệm, một bên tư duy kinh nghiệm. “PGS Trần Kiều có tư duy về kinh nghiệm do từng “lão luyện” về dạy thêm toán”, ông Đại nói.
 
Là Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa tiếng Việt, GS Trần Đình Sử tỏ ra gay gắt hơn, ông khẳng định Hội đồng thẩm định không chỉ “gật” và “lắc”, mà còn đưa ra những ý kiến góp ý cụ thể để các tác giả hoàn thiện sách của mình.
 
GS Sử nói GS Đại có tư duy tự do, “làm vua” ở trường thực nghiệm nên muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. Tuy nhiên, điều đó là không thể khi tham gia viết sách cho chương trình mới để sử dụng trên toàn quốc.
 
“Sách giáo khoa của GS Đại khi thẩm định theo chương trình mới thì không còn phù hợp nữa”, GS Sử nhấn mạnh.
 
Lập tức, GS Đại đề nghị GS Sử cần đính chính “không phù hợp” là do quan điểm của cá nhân ông Sử mà thôi.
 
PGS Lê Anh Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho rằng khi mới nhìn qua sách của thầy Đại thì ông nghĩ là khó với học sinh lớp 1, nhưng đọc thì thì cá nhân ông “rất thích cách tiếp cận của thầy Đại và mong muốn thầy vẫn có thể giữ cách tiếp cận đó, nhưng nếu điều chỉnh phù hợp hơn với yêu cầu của chương trình mới, hấp dẫn hơn với học sinh lớp 1”….
 
Trái với quan điểm của PGS Trần Kiều cho rằng việc bộ sách tồn tại bao nhiêu năm hay có bao nhiêu học sinh đang sử dụng chỉ có giá trị tham khảo tương đối, PGS Lê Anh Vinh lại cho rằng phép thử khó nhất với bất kỳ bộ sách nào, đó là sự kiểm chứng của thực tiễn, của thời gian.

Bộ GD-ĐT: Nếu Bộ thẩm định khác, sẽ không công bằng với các bộ sách

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh tới việc Bộ phải thực hiện nghiêm túc theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Nếu Bộ thực hiện một cách thẩm định khác sách của GS Hồ Ngọc Đại thì sẽ tạo ra sự không công bằng giữa các bộ sách, cuốn sách khác.
 
“Để tạo ra sự công bằng giữa các bộ sách, cần xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí thống nhất trên toàn quốc. Vì vậy, đề xuất của PGS Nguyễn Kế Hào rất khó thực hiện. Chương trình đổi mới sách giáo khoa thay đổi từ mục tiêu thì nội dung phải thay đổi”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói. 
 
Đối thoại 'nảy lửa' giữa Bộ GD-ĐT và GS Hồ Ngọc Đại - ảnh 3

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nói Bộ không thể làm cách khác   Ảnh KIM HIỀN

 
Ông Độ cũng cho biết sẽ ghi nhận, tổng hợp ý kiến của GS Hồ Ngọc Đại, PGS Nguyễn Kế Hào để báo cáo Chính phủ. Nhưng về phía Bộ thì không thể thẩm định khác với công thức, quy trình so với các sách giáo khoa khác.
 
“Mong các thầy điều chỉnh cho phù hợp với chương trình mới, có thể không kịp năm nay thì sang năm có thể sửa chữa thẩm định lại để đến được với các trường vào năm sau”, ông Độ nói.
 
PGS Nguyễn Kế Hào cho rằng giải thích của Thứ trưởng Độ chưa thoả đáng và cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị về vấn đề này.
 
GS Đại nói ông không chống lại chương trình mới mà đã đi trước được xu hướng đổi mới. Cách đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay chỉ là “nói khéo” hơn những cái cũ chứ không có tư tưởng mới, triết học mới hay đường lối mới.
 
“Sau cuộc đối thoại này vẫn chưa yên lành đâu. Phải đối thoại với người dân, với học sinh chứ không phải đối thoại trong phòng họp”, GS Đại gay gắt.

Ngày 12.9.2019, Hội đồng thẩm định sách giáo khoa thông báo 3 bản thảo sách giáo khoa lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại gồm Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục, Toán Công nghệ Giáo dục, và Đạo đức Công nghệ Giáo dục, bị đánh giá không đạt ngay ở vòng đầu tiên.

Ngày 23.9.2019, PGS Nguyễn Kế Hào đại diện cán bộ của Trung tâm Công nghệ Giáo dục, gửi kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ về việc sách bị loại khỏi vòng thẩm định.

Ngày 15.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nghiên cứu kỹ ý kiến của GS Hồ Ngọc Đại, PGS Nguyễn Kế Hào và các chuyên gia, dư luận về chương trình thực nghiệm.

 

TUỆ NGUYỄN 

TNO