10/01/2025

Rớt nước mắt lượm ve chai kiếm sống ở New York

‘Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm việc này khi đến Mỹ. Khó khăn tới mức mẹ chồng tôi còn phải gửi tiền sang đây’, bà Lin bật khóc khi nghĩ đến người chồng bệnh đang nằm ở nhà và cảnh trắng tay ra về sau một đêm vất vả lượm ve chai…

Rớt nước mắt lượm ve chai kiếm sống ở New York

 

‘Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm việc này khi đến Mỹ. Khó khăn tới mức mẹ chồng tôi còn phải gửi tiền sang đây’, bà Lin bật khóc khi nghĩ đến người chồng bệnh đang nằm ở nhà và cảnh trắng tay ra về sau một đêm vất vả lượm ve chai…


 

 

Rớt nước mắt lượm ve chai kiếm sống ở New York - Ảnh 1.

Phần lớn người lượm ve chai ở thành phố New York là dân gốc Á và Nam Mỹ – Ảnh: NYT

 

Giấc mơ Mỹ đã vỡ tan thành bong bóng với nhiều người gốc Á. Ở bước gần như tận cùng, họ đành chọn cách đi nhặt ve chai để sống đắp đổi qua ngày.

3h sáng, hơn chục người đứng lố nhố dưới chân cầu Manhattan (New York), trên vai là bao đựng lon ve chai. Điểm tập kết phế liệu tự phát này chỉ mới xuất hiện thời gian gần đây nhưng là nơi kiếm cơm của nhiều người cơ nhỡ, cố bám lấy chốn phồn hoa.

Không ít trong số đó là người gốc Á không còn đủ sức đi “làm hãng”, hoặc bị đẩy ra khỏi nhà máy sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Tiếng Anh kém và không có giấy tờ, nhiều người dạt về các thành phố lớn như New York, nơi có thể giúp họ sống sót. 

Họ chấp nhận mọi công việc và ngủ trên lề đường, miễn là đừng ai hỏi “giấy tờ của ông bà đâu?”.

Chính quyền làm ngơ

Theo báo New York Times, về lý thuyết, tất cả rác thải trên đường phố, kể cả ve chai, đều thuộc quyền sở hữu của chính quyền thành phố bởi họ phải bỏ tiền ra thuê công ty thu gom và đem đi xử lý. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, nhà chức trách New York đã “nhắm mắt” để nhiều người nhặt ve chai. 

“Chúng tôi không thể phản đối nếu người ta đang kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình” – một đại diện của Sở Vệ sinh môi trường New York giãi bày.

Nghề lượm ve chai ở khu nhà giàu như Manhattan tính ra cũng “nhàn”, như lời đùa của một người trong nghề, vì dân nhà giàu phân loại rác rất tốt nên chẳng tốn công bới móc và “họ đủ giàu để chẳng mảy may nghĩ rằng mình vừa ném vài đồng lẻ qua cửa sổ”. Giá của mỗi bao 200 vỏ lon dao động 20 – 30 USD, tùy theo mối thu mua.

Người giỏi có thể kiếm được 400 hoặc 500 lon mỗi đêm, rồi lại có người chọn nghề làm trung gian, mua lại từ những người đi lượm trực tiếp và bán nó cho các chủ vựa. Người trung gian sẽ chờ tới giờ xe tải của chủ vựa vào thành phố thu gom, thường là khoảng 3h sáng, để bán lại. 

Cũng có không ít người đi lượm trực tiếp kiên nhẫn chờ xe tải bởi với họ, kiếm thêm được 3 USD hay 5 USD cho mỗi bao cũng là nhiều.

Cạnh tranh trong nghề

Chưa có thống kê chính thức cho thấy có bao nhiêu người sống nhờ nghề lượm ve chai ở thành phố New York nhưng theo Eunomia (một công ty về môi trường), con số có thể khoảng 4.000 – 8.000 người. Một trong số đó là bà Lin, người gốc Trung Quốc nhỏ nhắn. 

Vẻ khắc khổ hằn lên khuôn mặt khiến người ta không khỏi bất ngờ khi biết bà chỉ mới 52 tuổi. Làm nhân viên tạp vụ tại một khách sạn nhỏ trong khu phố Tàu không đủ sống, bà Lin nghĩ tới việc lượm ve chai để kiếm thêm thu nhập. Chân cầu Manhattan trở thành điểm tập kết tự phát cho những người lượm ve chai ở Phố Tàu của New York vài năm trở lại đây.

Chiếc xe tải thu gom đã rời đi trước khi bà Lin tới. “Bà ta luôn tới trễ” – ông Farias, tài xế xe tải, càu nhàu lúc đánh xe sang khu khác để lấy ve chai. Ở khu này, Farias, 55 tuổi, coi vậy mà là cứu tinh của vài người khi đã đứng ra bảo vệ họ khỏi những kẻ bắt chẹt và thỉnh thoảng mua ve chai với giá cao hơn những chỗ khác.

Nghĩ đến người chồng vừa phẫu thuật não đang nằm ở nhà và cảnh trắng tay ra về sau một đêm vất vả, bà Lin bật khóc. 

“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm việc này khi đến Mỹ. Tình cảnh khó khăn tới mức mẹ chồng tôi ở Trung Quốc còn phải gửi tiền sang đây” – bà Lin nghẹn ngào chia sẻ bằng tiếng Hoa phổ thông. May mắn là bà cũng bán được 3 bao ve chai cho một chiếc xe tải khác do ông Farias đã gọi điện giúp.

Cầm 90 USD trên tay – số tiền kiếm được trong 3 ngày lượm ve chai, bà Lin rảo bước lên phố. Đồng hồ lúc này đã điểm hơn 5h sáng. Chợt nhớ tới người chồng đang nằm co ro ở nhà, nước mắt bà lại rơi…

 

 

BẢO DUY

TTO