10/01/2025

Nhà nổi chống ngập lụt

Khi biến đổi khí hậu, nước biển dâng khiến cho tình trạng ngập lụt ngày càng phổ biến và nghiêm trọng thì mô hình nhà nổi có hệ thống xử lý nước, sử dụng năng lượng mặt trời là một sáng kiến đầy hứa hẹn.

 

Nhà nổi chống ngập lụt

Khi biến đổi khí hậunước biển dâng khiến cho tình trạng ngập lụt ngày càng phổ biến và nghiêm trọng thì mô hình nhà nổi có hệ thống xử lý nước, sử dụng năng lượng mặt trời là một sáng kiến đầy hứa hẹn. 
 
 
 
 
 

Mô hình nhà nổi của Pieter Ham và Van der Schaik tại thành phố Macabebe, tỉnh Pampanga, Philippines /// Ảnh Pieter  Ham

Mô hình nhà nổi của Pieter Ham và Van der Schaik tại thành phố Macabebe, tỉnh Pampanga, Philippines   Ảnh Pieter Ham

 

 

Tại chương trình Sáng kiến toàn cầu – Ngày tác động lần thứ 5 diễn ra tại trường Đại học Công nghệ Delft (TU Delft), thành phố Delft, Hà Lan vào cuối tháng 11, sáng kiến nhà nổi bền vững triển khai ở Philippines thu hút rất nhiều sự quan tâm. Đây là mô hình nhà ở giúp người dân sống hài hoà với ngập lụt thay vì cố gắng chống chọi vô vọng với những tác động ngày càng rõ ràng của biến đổi khí hậu. 

Nhà nổi chống ngập lụt  - ảnh 1

Với chủ đề “Khoa học vì lợi ích con người”, những sáng kiến như Nhà nổi bền vững thu hút được nhiều sự quan tâm tại chương trình Sáng kiến toàn cầu – Ngày tác động lần thứ 5 của trường Đại học Công nghệ Delft, Hà Lan    Ảnh: Đình Tuyển

 

Nhà nổi với nước sạch, điện mặt trời

 ”Nhà nổi bền vững” là sáng kiến Pieter Ham và Joran van Schaik, nghiên cứu sinh tại TU Delft đang thực hiện tại thành phố Macabebe, tỉnh Pampanga, Philippines. “Năm 2015, Joran và tôi đã đến Philippines để xem những gì có thể được thực hiện trong lĩnh vực xây dựng nhà. Ấn tượng đầu tiên là những trận lụt lớn. Nhiều người sống trong những ngôi nhà bị lũ lụt bủa vây hai lần một ngày”, Pieter Ham nói và nhớ lại: “Lúc bước vào ngôi nhà của người dân, tôi đã sốc khi chân mình ngập sâu dưới nước. Khi đó người dân vẫn cười nhưng tôi hiểu sau nụ cười là sự khốn khổ”. Điểm nổi bật trong mô hình nhà nổi của Pieter Ham và Joran van Schaik là sự tích hợp hệ thống xử lý nước là sử dụng năng lượng mặt trời cho sinh hoạt.
Nhà nổi chống ngập lụt  - ảnh 2

Mô hình nhà nổi của Pieter Ham và Van der Schaik có hệ thống xử lý nước và lắp đặt các tấm pin mặt trời   Ảnh Pieter  Ham 

Hiện mô hình đang được thí điểm tại một khu vực đô thị, nơi mà những ngôi nhà được xây dựng trên nền đất đầm lầy, giống như ở Hà Lan. Phần lớn nước ngầm được bơm lên cho các mục đích công nghiệp. Khu vực trũng này trước đây người dân thường trồng lúa nhưng về sau này nước biển dâng gây ngập lụt cộng với nước mưa đọng lại biến thành một hồ cá. “Về sau này, lũ lụt triền miên, nuôi cá thất thoát và bây giờ nơi này không phù hợp cho bất kỳ mục đích nào ngoại trừ là một nơi để xây dựng làng nổi”, Pieter Ham nói.

Nhà nổi chống ngập lụt  - ảnh 3

Những hộ sinh sống thí điểm đầu tiên sẽ cung cấp cho Pieter Ham và Van der Schaik những phản hồi cần thiết trước khi mô hình này được nhân rộng   Ảnh: Pieter Ham

 

Hiện tại bốn gia đình đầu tiên đang sinh sống thí điểm để cung cấp cho Pieter Ham và Van der Schaik những phản hồi cần thiết. “Từ ý kiến của người dân, chúng tôi sẽ hoàn thiện và sẽ xây dựng thêm 50 ngôi nhà nổi khác cho người dân”, Pieter Ham cho biết.

Có thể áp dụng cho ĐBSCL

Trên thế giới, những ngôi nhà nổi đã có thể được tìm thấy ở khắp các vùng đồng bằng từ Hà Lan đến Philippines hay VN. Nếu như ở Hà Lan, các mô hình nhà nổi đã chú trọng đến những tiêu chí bền vững, thích nghi với biến đổi khí hậu (BĐKH), ít tác động đến môi trường thì ở các nước đang phát triển như Philippnines, VN, Campuchia…, phần lớn nhà nổi đều xập xệ và khó khăn trong việc tìm kiếm nước sạch cũng như điện sinh hoạt. Căn nhà của Pieter Ham và Joran van Schaik được lắp ghép bằng những mô đun thiết kế sẵn và sử dụng những vật liệu tại chỗ như khung gỗ, thùng phuy nhựa… 

Nhà nổi chống ngập lụt  - ảnh 4

Căn nhà của Pieter Ham và Joran van Schaik được lắp ghép bằng những mô đun thiết kế sẵn và sử dụng những vật liệu tại chỗ như khung gỗ, thùng phuy nhựa    Ảnh Đình Tuyển

 

“Điều quan trọng là tạo ra năng lượng bằng cách đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà, lưu trữ nước mưa và lọc nước thải. Những gì chúng tôi rút ra từ mô hình thí điểm tại Philippines, sẽ được nhân rộng ở nước này và cả những nước khác đang đối diện với tình cảnh tương tự”, Pieter Ham nói và tin rằng, nhà ở nổi là một giải pháp sống an toàn với giá cả phải chăng cho người dân các nước đang phát triển, nhất là những khu vực đang chống chọi với BĐKH, lũ lụt, nước biển dâng. “Chi phí cho một ngôi nhà nổi tối đa 8.000 euro. Hy vọng sẽ có những doanh nghiệp xây dựng tham gia, chúng tôi sẽ đóng vai trò kiến trúc sư còn xây dựng nhà sẽ được thực hiện bởi các nhà thầu bản địa”.

 Trả lời Thanh Niên về khả năng áp dụng mô hình nhà nổi bền vững cho các làng nổi trên sông ở ĐBSCL, Pieter Ham nói: “Chúng tôi tin rằng là được nhưng vẫn cần đánh giá những phản hồi từ các hộ gia đình đang thí điểm ở Philippines, sau đó là tính đến các điều kiện về thuỷ triều, dòng chảy…”. Đánh giá về mô hình nhà nổi của Pieter Ham, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu BĐKH (trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, ở ĐBSCL, từ xa xưa người dân đã quá quen với việc thích nghi với ngập lụt bằng nhà sàn, nhà nổi, phổ biến nhất là ở vùng đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp. Tuy nhiên, mô hình nhà nổi bền vững, xây dựng bằng vật liệu tại chỗ có hệ thống xử lý nước, năng lượng mặt trời thực sự là giải pháp rất đáng quan tâm. Theo ông, ở ĐBSCL mô hình trên có thể nghiên cứu áp dụng ngay cho những làng nổi, nơi người dân sống trong bè nổi lụp xụp không có nước sạch và điện câu đuôi nguy hiểm. 

Nhà nổi chống ngập lụt  - ảnh 5

Những căn bè nổi xập xệ như thế này hiện rất phổ biển ở ĐBSCL là đối tượng có thể quan tâm áp dụng theo mô hình nhà nổi bền vững của Pieter Ham và cộng sự   Ảnh Đình Tuyển

 

Nhà nổi chống ngập lụt  - ảnh 6

Ngoài ra mô hình nhà nổi bền vững cũng rất đáng quan tâm với những khu vực người dân luôn phải chống chịu với những trận lụt kéo dài ở ĐBSCL   Ảnh Đình Tuyển

 

Trước đó, cũng từ ý tưởng “sống chung với lũ”, sinh viên Nguyễn Minh Hoàng, trường Đại học Xây dựng miền Tây đã từng đạt giải nhì cuộc thi khởi nghiệp do Đại học quốc gia TP.HCM tổ chức và được ban tổ chức tài trợ xây dựng tại xã Thanh Mỹ, H.Tháp Mười, Đồng Tháp. Căn nhà của Hoàng xây dựng bằng khung thép lắp ráp, vách bao che căn nhà sử dụng panel (vật liệu xây dựng mới) với độ bền và tuổi thọ cao. Thiết kế độc đáo của căn nhà là có thể ở trên cạn nhưng khi nước nổi nhà sẽ dâng theo mực nước. Đầu năm 2019, căn nhà nổi của Hoàng đã hoàn thành và thu hút rất nhiều sự quan tâm của người dân địa phương. Với chi phí từ 250-300 triệu đồng, căn nhà nổi của Nguyễn Minh Hoàng cũng được xem là một giải pháp vừa túi tiền cho người dân vùng ngập lũ miền Tây trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng nghiêm trọng hơn.

TS Dương Văn Ni, Khoa Môi trường – Tài nguyên thiên nhiên (trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, nhà nổi là giải pháp cho giả định nước ngày càng nhiều, trong khi biến đổi khí hậu đang khiến nguồn nước ngày càng thất thường. Mô hình này có thể phù hợp với các làng nổi trên sông, trên hồ. Còn ở những vùng nước thất thường, kể cả thành thị, TS Ni cho rằng, nhà sàn với tính năng tự động điều chỉnh sàn nhà lên xuống theo mực nước có thể áp dụng rộng rãi và dễ dàng hơn. Mô hình này sẽ giải quyết được cả hai chuyện nước nhiều và nước ít. Không có nước, sàn nhà hạ xuống đất như một căn nhà bình thường nhưng khi nước ngập sẽ lại tự động dâng lên.
 
 
 
ĐÌNH TUYỂN 

 

TNO