27/11/2024

6 điểm nóng toàn cầu năm 2020

Năm 2019 kết thúc với những xung đột lớn chưa ngã ngũ: thương chiến Mỹ – Trung tạm lắng xuống, các cuộc biểu tình ở Hong Kong chưa chấm dứt, Biển Đông vẫn có những diễn biến phức tạp.

 

6 điểm nóng toàn cầu năm 2020

Năm 2019 kết thúc với những xung đột lớn chưa ngã ngũ: thương chiến Mỹ – Trung tạm lắng xuống, các cuộc biểu tình ở Hong Kong chưa chấm dứt, Biển Đông vẫn có những diễn biến phức tạp.


 

6 điểm nóng toàn cầu năm 2020 - Ảnh 1.

Những diễn biến tiếp theo của thương chiến Mỹ – Trung và Brexit vẫn được dự đoán là một trong những điểm nóng của thế giới trong năm 2020 – Ảnh: FT

 

Giới quan sát dự đoán thế giới trong năm 2020 sẽ tiếp tục có những diễn biến khó lường, tác động đan xen nhau, trong đó có 6 điểm nóng.

1. Bầu cử Mỹ. Cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 sẽ cho câu trả lời liệu Tổng thống Donald Trump có đắc cử hay không. 

Chính sách kinh tế – thương mại, đối ngoại và nhập cư của ông Trump đã gây xáo trộn lớn cho cục diện quốc tế, đơn cử là màn thương chiến với Trung Quốc, việc rút Mỹ khỏi các tổ chức quốc tế (thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP), các đợt áp thuế lên đồng minh, đối tác, thái độ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO…

2. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Tháng 1-2020 là lúc Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận “giai đoạn 1” để giải quyết mâu thuẫn, nhưng việc có “giai đoạn 2” hay một thỏa thuận tổng thể hay không tất nhiên sẽ tùy thuộc vào chuyện ông Trump còn làm tổng thống tiếp tục hay không. 

Một “mặt trận” khác chịu ảnh hưởng không nhỏ từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung là số phận của Huawei và nền tảng 5G, hay nói chung là một cuộc chạy đua công nghệ mang dáng dấp địa chính trị của năm 2020.

3. Trung Đông. Cuộc bầu cử Mỹ tiếp tục thể hiện sức ảnh hưởng lên tình hình Trung Đông, một trong những điểm nóng địa chính trị quốc tế và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của ông Trump. 

Cách Mỹ xử lý mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, với Iran, là nhân tố tác động lớn lên chính những gì Washington và đồng minh châu Âu phải đối diện. Châu Âu đã trải qua giai đoạn đầy biến cố với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, dân tộc cực đoan, và thực trạng này có phần đóng góp không nhỏ từ cuộc khủng hoảng Syria cũng như Trung Đông nói chung.

4. Vấn đề Triều Tiên. Tình hình hạt nhân Triều Tiên chi phối Mỹ và khu vực Đông Á. Bất kỳ kết quả nào có được từ đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên cũng đóng vai trò quan trọng cho chính sách đối ngoại mới của Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

5. Biển Đông. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, tình hình Triều Tiên… cũng góp phần định hình thái độ của Trung Quốc tại Biển Đông – điểm nóng toàn cầu trong suốt một thập niên kể từ lúc Trung Quốc trình “đường chín đoạn” lên Liên Hiệp Quốc năm 2009.

6. Brexit. Màn chia tay nhiều giấy mực này sẽ được định đoạt năm 2020, và hình hài của nó sẽ ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) và Anh. Bản thân EU và Anh cũng đã hướng tới Đông Nam Á để đa dạng hóa thị trường, tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc lẫn nhau cũng như tác động từ thương chiến Mỹ – Trung.

Trung Quốc định hình điểm nóng?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Zachary Abuza – giáo sư tại Học viện Chiến tranh quốc gia Mỹ – cho biết trong năm 2019, Trung Quốc tiếp tục củng cố sức mạnh quân sự khi chi tiêu quân sự của nước này tăng với số lượng tàu chiến kỷ lục được ra mắt.

Ông Abuza cho rằng cách hành xử của Trung Quốc sẽ đóng vai trò lớn trong việc định hình nhiều điểm nóng của năm 2020. Theo vị chuyên gia Mỹ, điều quan trọng là giới lãnh đạo Trung Quốc rất có thể xem cánh cửa dẫn tới cơ hội củng cố quyền kiểm soát của Bắc Kinh đối với Biển Đông đang đóng lại.

Chính vì vậy, Trung Quốc đang tìm cách đảm bảo những cách kiểm soát bổ sung.

 

 

NHẬT ĐĂNG

 

TTO