27/11/2024

Sabeco không phải nộp hơn 2.495 tỉ đồng vào ngân sách?

Sau hơn một năm dùng dằng, tại công văn của Kiểm toán Nhà nước đã bỏ kiến nghị Sabeco không phải nộp hơn 2.495 tỉ đồng vào ngân sách Nhà nước.

 

Sabeco không phải nộp hơn 2.495 tỉ đồng vào ngân sách?

Sau hơn một năm dùng dằng, tại công văn của Kiểm toán Nhà nước đã bỏ kiến nghị Sabeco không phải nộp hơn 2.495 tỉ đồng vào ngân sách Nhà nước.


 

Sabeco không phải nộp hơn 2.495 tỉ đồng vào ngân sách?  - Ảnh 1.

Dây chuyền sản xuất bia của Sabeco – Ảnh: T.T

 

Tối 30-12, ông Neo Gim Siong Bennett, tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), cho biết Kiểm toán Nhà nước đã bỏ kiến nghị “Sabeco phải nộp vào ngân sách Nhà nước số lợi nhuận chưa phân phối đến ngày 31-12-2016 là 2.495.452.436 đồng” tại báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2016 của Sabeco.

Với kết luận được thể hiện tại công văn 1624/KTNN ký ngày 25-12-2019, có thể hiểu Sabeco sẽ không phải nộp ngân sách Nhà nước số lợi nhuận chưa phân phối đến ngày 31-12-2016 nói trên.

Trước đó, như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, việc Kiểm toán Nhà nước đưa ra một loạt kết luận nêu trên sau khi Nhà nước đã bán 53,59% vốn điều lệ cho công ty con của Tập đoàn Thaibev (Thái Lan) từ cuối năm 2017.

Trong hàng loạt văn bản Kiểm toán Nhà nước gửi Bộ Công thương về kết luận báo cáo kiểm toán báo cáo tình hình tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2016 của Sabeco, cơ quan này đã đề cập đến các vấn đề lợi nhuận chưa được phân phối đến ngày 31-12-2016 là 2.930 tỉ đồng, và chưa được chia cổ tức cho các cổ đông.

Trong đó, công ty mẹ phải trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đối với 10 khoản đầu tư dài hạn khi có vốn góp dưới 20% vốn điều lệ với số tiền là 444,7 tỉ đồng, bằng 77,8% giá trị đầu tư. Phần lớn là các hạng mục đầu tư trái ngành, chủ yếu trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư tài chính,  chủ yếu trước năm 2008, thời điểm cổ phần hóa.

Vào thời điểm 16-3-2018, Bộ Công thương cho biết đã chỉ đạo Sabeco “thực hiện kết luận Kiểm toán Nhà nước, đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ rà soát, làm rõ các nội dung báo cáo các cấp có thẩm quyền”. Thậm chí, Bộ Công thương đã yêu cầu Sabeco thực hiện việc tạm nộp 2.495 tỉ đồng vào ngân sách theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Tuy nhiên, Hội đồng quản trị Sabeco sau khi thay đổi cơ cấu điều hành quản lý đã liên tục kiến nghị về việc xem xét lại kết luận đã ban hành của Kiểm toán Nhà nước dưới nhiều hình thức khác nhau.

Theo Sabeco, tại thời điểm 18-12-2017, Nhà nước đã thực hiện thoái 53,59% vốn cho Công ty TNHH Vietnam Beverage (VietBev), nên tỉ lệ sở hữu của Nhà nước tại Sabeco ở thời điểm 28-12-2017 chỉ còn 36,0024%.

Với lý do này, việc phân chia hết lợi nhuận đến ngày 31-12 cho cổ đông nhà nước với tỉ lệ 89,59% theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước là “không có cơ sở thực hiện, phải chốt danh sách cổ đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014”. Chưa kể việc phân phối lợi nhuận thuộc quyền của Đại hội đồng cổ đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty.

Quan điểm này cũng được Hiệp hội các nhà Đầu tư tài chính VN (VAFI) ủng hộ công khai thông qua văn bản gởi phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các cơ quan liên quan.

Theo VAFI, việc Kiểm toán Nhà nước và Bộ Tài chính chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco phải chuyển 2.495 tỉ đồng về ngân sách nhà nước “là trái với Luật doanh nghiệp hiện hành”.

Đồng thời, trước khi Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Sabeco thực hiện kết luận kiểm toán nói trên, VAFI đề nghị cần làm rõ ai được quyền quyết định phân chia lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức hàng năm. Vì nếu chiếu theo  điểm 2b Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2014 thì “chỉ có Đại hội cổ đông  mới có thẩm quyền quyết định mức cổ tức hàng năm của công ty cổ phần”.

 

 

TRẦN VŨ NGHI

TTO