10/01/2025

Học không thi, được không?

Nhiều trường đại học nước ngoài không còn tổ chức thi hết môn để đánh giá kết quả môn học mà yêu cầu sinh viên tự đề xuất các giải pháp, thực hiện các dự án từ thực tiễn.

 

Học không thi, được không?

Nhiều trường đại học nước ngoài không còn tổ chức thi hết môn để đánh giá kết quả môn học mà yêu cầu sinh viên tự đề xuất các giải pháp, thực hiện các dự án từ thực tiễn.


 

Học không thi, được không? - Ảnh 1.

 

Nhóm sinh viên khoa kinh doanh quốc tế – marketing Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cùng mô hình dự án của mình – Ảnh: THANH TRÚC

 

Không phải giảng viên nào cũng thích áp dụng phương pháp này vì với phương pháp cũ, giảng viên chỉ cần giảng và chấm bài thi, trong khi dạy theo dự án đòi hỏi giảng viên phải giỏi. Giảng viên không thể triển khai cho sinh viên làm dự án mà mình chỉ nắm kiến thức một chuyên ngành. Giảng viên phải theo sát sinh viên để giải đáp ngay thắc mắc cho sinh viên, do đó phải làm việc nhiều hơn, tìm kiếm tài liệu nhiều hơn.

PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh

Trong khi đó, hiện nay cũng có vài trường ĐH Việt Nam đã triển khai cách thức đào tạo này nhưng mới chỉ là thí điểm. Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc các trường Việt Nam cần đẩy mạnh áp dụng dạy học theo dự án (Learn by Project) và mạnh dạn bỏ thi cử nặng nề để giúp sinh viên sớm tiếp cận với thực tế.

Đẩy mạnh dạy học theo dự án

Theo Trần Hồng Mỹ Dung – sinh viên khóa 2015 Trường ĐH RMIT Việt Nam, tại trường này sinh viên không phải thi hết môn. Thay vào đó, trong suốt quá trình học, sinh viên phải làm các bài tập. 

“Chương trình học chú trọng đến năng lực và kỹ năng thực sự của sinh viên qua việc làm đồ án các môn học đầy tính thực tế. Dựa vào kiến thức được học trên lớp, sinh viên tự nghiên cứu, tìm hiểu thực tế để làm các bài tập đồ án, sau đó nộp bài luận cho giảng viên chấm” – Dung chia sẻ.

GS Rick Bennett – phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo ĐH RMIT Việt Nam – cho biết ưu tiên chính của RMIT trên phạm vi toàn cầu là đảm bảo sinh viên tốt nghiệp sẽ “sẵn sàng cho cuộc sống và công việc”. 

“Thay vì làm các bài thi cuối kỳ, sinh viên được giao “đề bài” là tài liệu mô tả dự án từ các doanh nghiệp. Từ đó, sinh viên phải đề xuất giải pháp cho hàng loạt vấn đề thực tiễn. Trong nhiều trường hợp, đề xuất của sinh viên được doanh nghiệp đón nhận và nhiều bạn được tuyển làm thực tập sinh, sau đó là nhân viên toàn thời gian tại các doanh nghiệp này” – GS Rick nói.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM là một trong các trường đầu tiên thí điểm áp dụng phương pháp dạy học theo dự án từ 7 năm nay. Đến năm 2019, nhà trường xác định chủ đề năm học là “dạy học theo dự án” nên hiện phương pháp này được áp dụng ở hầu hết các môn chuyên ngành. 

PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh – trưởng khoa cơ khí chế tạo máy – cho biết: “Hiện nay khoa chúng tôi có gần 40 môn học áp dụng dạy theo dự án, sinh viên không cần phải thi hết môn, thay vào đó họ phải làm dự án và thuyết trình dự án của mình để giảng viên chấm điểm”.

Trong khi đó, khoa kinh tế Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng đã tổ chức “thi” hết môn học “Thu thập và quản lý dữ liệu khảo sát” bằng hình thức… triển lãm báo cáo. 

Thay vì làm bài thi bằng hình thức trả lời các câu hỏi về phân loại các hình thức thu thập số liệu hay kỹ thuật khảo sát, sinh viên trình bày kết quả thu thập số liệu của mình bằng đồ họa trên poster và trưng bày triển lãm tại khoa. 

Kết quả môn học này được đánh giá bằng điểm quá trình chiếm 30%, điểm poster 50% và 20% điểm bài báo cáo.

Thầy vất vả, trò hứng thú

TS Hồ Thu Hiền – giảng viên khoa kỹ thuật xây dựng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho hay trường này cũng đã thực hiện việc dạy theo dự án, đồ án. 

“Dạy theo dự án tốt hơn cho sinh viên rất nhiều vì trong quá trình học họ được tiếp cận thực tế, học được nhiều kỹ năng mềm. Tuy nhiên, vẫn có một số môn không thể áp dụng phương pháp này, nhất là các môn kiến thức nền vẫn cần phải thi theo cách truyền thống” – bà Hiền nói.

Bà Hiền cũng khẳng định “về phía sinh viên, dù học theo dự án không phải thi cử nhưng cũng rất vất vả chứ không đơn giản. Đặc biệt, khi thực hiện các dự án theo nhóm mà không có kỹ năng làm việc nhóm có thể dẫn tới bỏ học. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu hết sinh viên đều rất hứng thú với cách học này và học khá hiệu quả”.

TS Nguyễn Quốc Anh – phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM – cũng cho biết việc dạy học theo dự án, đánh giá kết quả theo dự án được trường áp dụng từ lâu nay, đặc biệt là ở một số môn học, ngành học đòi hỏi năng lực nghiên cứu và tính sáng tạo của sinh viên. 

Ở ngành môi trường, môn công nghệ xử lý chất thải rắn thay vì thi trong phòng truyền thống, sinh viên sẽ được giảng viên hướng dẫn lập đề cương để chinh phục các kiến thức và kỹ năng cần thiết của một kỹ sư. 

Theo đó, các bạn sẽ đi thực tế tại các bãi chôn lấp, xử lý rác thải, rồi vào phòng thí nghiệm khảo sát các tính chất của rác thải, tính toán các công trình và cho ra bản vẽ chi tiết phục vụ thi công hoặc đề xuất công nghệ tối ưu để thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế rác thải. 

Sinh viên một số ngành cũng học môn thiết kế dự án – trình bày một nghiên cứu do chính sinh viên thực hiện và phòng thi sẽ là một không gian trưng bày sản phẩm, có thuyết minh trước giảng viên và người xem…

Ông Quốc Anh nhận định: “Dạy học và “thi” theo hình thức này được đa số sinh viên hưởng ứng và hứng thú vì các bạn được phát triển tư duy nghiên cứu, làm việc nhóm, cách trình bày văn bản, kỹ năng lập luận và bảo vệ kết quả trước giảng viên. Vì vậy, ban đầu hình thức này được các khối kỹ thuật áp dụng, gần đây các ngành kinh tế, xã hội của trường cũng áp dụng khá nhiều”.

Học không thi, được không? - Ảnh 3.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) làm đồ án môn học – Ảnh: TR.HUỲNH

 

Thay đổi hoàn toàn cách làm việc

Theo nhiều giảng viên, thực tế phần lớn sinh viên thích được học theo phương pháp này hơn, dù chính họ cũng không kém vất vả trong suốt quá trình học và đòi hỏi phải đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. 

TS Hồ Thu Hiền còn cho biết với phương pháp này, những buổi dạy đầu phần lớn sinh viên bị “dội” do đã quen với kiểu học ở thời phổ thông. Nếu giảng viên không năng động, sáng tạo để khơi gợi, giúp sinh viên nắm bắt được cách học mới thì khả năng sẽ thất bại khi áp dụng phương pháp này. Những giảng viên sẵn sàng thay đổi, tìm tòi cái mới thường dễ thành công trong cách dạy học theo dự án.

ThS Phạm Thanh Thúy Vy, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết: “Cách dạy học này thay đổi hoàn toàn cách làm việc thông thường của sinh viên. 

Theo đó, để hoàn thành dự án đòi hỏi sự phối hợp chuyên nghiệp, trách nhiệm cá nhân và tinh thần hỗ trợ lẫn nhau giữa các bạn sinh viên. Các nhóm học tập đều khởi động dự án bằng việc xây dựng nhóm, hình thành các quy tắc, mục tiêu chung của nhóm. 

Trải qua quá trình làm việc tập thể, mỗi cá nhân sẽ đúc kết được những bài học khác nhau, từ đó góp nhặt được những kinh nghiệm quý giá cho bản thân khi làm việc, hoạt động nhóm”.

PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh cũng nhận định dạy theo dự án khó khăn hơn so với các phương pháp dạy học truyền thống. Đối với cách dạy cũ, giảng viên chủ yếu truyền đạt lý thuyết và chấm bài thi kiểm tra lý thuyết, trong khi với dạy học theo quản lý dự án thì giảng viên phải theo sát sinh viên ngay từ đầu, do vậy nếu sĩ số sinh viên trong lớp quá đông thì giảng viên sẽ rất vất vả. 

Để áp dụng được phương pháp này, lớp học chỉ tối đa 30 sinh viên và đồng thời cũng không thể áp dụng được cho tất cả các môn học. Mỗi môn học có mục tiêu đánh giá khác nhau, với các môn đòi hỏi kiến thức suy luận thì nên áp dụng phương pháp truyền thống.

Đa dạng trong đánh giá

Nhìn chung, phần lớn đại học trên thế giới hiện nay đều hướng đến đánh giá sinh viên đa chiều thông qua nhiều hình thức khác nhau, chứ không chỉ dừng lại ở những bài kiểm tra giữa và cuối kỳ.

Theo trang thông tin của Đại học Liên bang Úc, thành tích học tập của sinh viên được ghi nhận dựa trên nhiều hình thức như các bài kiểm tra, thuyết trình, tiểu luận, các dự án… Tùy theo từng ngành và trường sinh viên đang theo học, các cấu phần trong tổng điểm sẽ khác nhau.

Chẳng hạn, sinh viên các ngành kỹ thuật sẽ được giảng viên chú trọng kiểm tra thông qua các đồ án, trong khi đánh giá những ngành thiên về học thuật như sư phạm, toán học… lại dựa nhiều vào các bài luận, thuyết trình.

Ngoài ra, quá trình học cũng được ghi nhận kỹ lưỡng như một tiêu chí quan trọng đánh giá kết quả. Đặc biệt, kỹ năng trong những giờ thực hành, những hoạt động ngoài nhà trường cùng thái độ tự nghiên cứu sẽ để lại cảm tình hơn cho giảng viên.

Theo trang Japan Times, các đại học ở Nhật ngày càng trao cho giảng viên nhiều quyền hơn trong việc đánh giá sinh viên. Dù bài thi lý thuyết vẫn còn giữ một vai trò nhất định trong các bài học, nhưng trung tâm trong hệ thống đánh giá vẫn nằm ở các hoạt động thực tiễn.

Hằng năm, một số trường đại học ở Nhật thậm chí tổ chức các cuộc họp tổng kết chỉ bàn về cách đổi mới trong đánh giá sinh viên theo hướng hiện đại. Tại nhiều hội thảo về giáo dục, vấn đề này thường xuyên được bàn bạc.

TRỌNG NHÂN

* Phạm Xuân Chiến (sinh viên năm cuối Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật):

Với các môn học “chay” về lý thuyết và thi trả bài, tôi cảm thấy rất chán. Trong khi học theo dự án, tôi lại cảm thấy mình được trải nghiệm, ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế hoặc làm ra được sản phẩm cụ thể nên rất hứng thú trong quá trình học. Đây chính là động lực để chúng tôi học tốt các môn học khác.

* TS Nguyễn Quốc Anh (phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM):

Hình thức dạy học, đánh giá kết quả môn học theo dự án cũng góp phần làm giảng viên và sinh viên chủ động tương tác nhiều hơn. Sinh viên phải suy nghĩ liên tục để tìm hướng đi cho dự án nghiên cứu của mình. Còn giảng viên cũng phải vận động không ngừng vì sinh viên có thể có rất nhiều thắc mắc liên quan. Hình thức này cần được nhân rộng.

* PGS.TS Đỗ Văn Dũng (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):

Thực tế, nhiều sản phẩm sinh viên thực hiện từ các dự án môn học được thương mại hóa. Như môn khí nén thủy lực, sinh viên thiết kế, chế tạo theo đơn đặt hàng cho ra sản phẩm máy làm móc áo tự động, máy lau lá chuối và bóc vỏ trứng cút… đã được chuyển giao cho doanh nghiệp.

 

 

 

TRẦN HUỲNH

TTO