11/01/2025

Công dân quốc tế ở Hong Kong: đi hay ở?

Khi Hong Kong yên bình và thịnh vượng, nhiều người nước ngoài từ khắp Đông Tây đổ về đây sinh sống và làm ăn. Giờ đây sự bất ổn và u ám che phủ xứ cảng thơm, cộng đồng công dân quốc tế (expat) lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan: ra đi hay ở lại?

 

Công dân quốc tế ở Hong Kong: đi hay ở?

Khi Hong Kong yên bình và thịnh vượng, nhiều người nước ngoài từ khắp Đông Tây đổ về đây sinh sống và làm ăn. Giờ đây sự bất ổn và u ám che phủ xứ cảng thơm, cộng đồng công dân quốc tế (expat) lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan: ra đi hay ở lại?


 

 

Công dân quốc tế ở Hong Kong: đi hay ở? - Ảnh 1.

Một cặp đôi hôn nhau phía trước đường chân trời ở khu Tiêm Sa Chủy của Hong Kong ngày 27-12 – Ảnh: Reuters

 

Trải qua 156 năm nằm dưới quyền kiểm soát của Anh và sau đó được trả về cho Trung Quốc, Hong Kong từ một vùng đất hoang sơ trở thành một con rồng châu Á, một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Nhưng Hong Kong của hiện tại đang phát ra một ánh đèn lờ mờ, một sự mơ hồ như chính tương lai của những expat.

Người phân vân, kẻ đã quyết

Sự hoài nghi của người nước ngoài về tương lai của họ tại Hong Kong có lẽ cũng tăng phi mã,song song với mức độ diễn ra các cuộc biểu tình ở Hong Kong, sau khi người biểu tình xuống đường phản đối dự luật dẫn độ của chính quyền đặc khu hành chính này hồi tháng 6. 

Những cuộc biểu tình càng lúc càng nóng, những con đường tấp nập du khách và người đi mua sắm trước đây được thay thế bằng những dòng người biểu tình, bằng những hơi cay, gạch đá…

Và khi năm mới đến, sự hoài nghi về tương lai đã gặp một chất xúc tác mạnh để người nước ngoài ở Hong Kong trả lời cho câu hỏi của đời mình: Ra đi hay ở lại?

Như lời của chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Hong Kong Tara Joseph, Giáng sinh năm nay là một dịp thú vị vì nhiều người nước ngoài tại Hong Kong quay về cùng gia đình và có những cuộc thảo luận về mong muốn cũng như điều họ sẽ làm với tương lai của mình tại xứ cảng thơm.

Đối với một số người, đó là một quyết định khó khăn, một nửa muốn ở lại, nhưng một nửa muốn rời đi. Theo tâm sự của một phụ nữ sống lâu năm ở Hong Kong được báo South China Morning Post dẫn lại, các cuộc biểu tình bạo lực kéo dài trên đường phố Hong Kong đã khiến người phụ nữ giấu tên này quyết định liệt kê sẵn những đồ đạc sẽ gom đi. 

“Đó là một danh sách ngắn gồm những thứ như trang sức của mẹ tôi, hộ chiếu của tôi và một số bức ảnh” – người phụ nữ chia sẻ về kịch bản xấu nhất khi phải rời một thành phố mà bà gọi là “nhà” trong 28 năm qua.

Trong khi đó, đối với những người nước ngoài khác, họ không chờ đợi và đã đưa ra sẵn quyết định. “Tôi không muốn vợ và con của mình sống ở một nơi đầy nỗi sợ hãi” – một người Mỹ, 39 tuổi, bày tỏ và cho biết sẽ chuyển tới Singapore sống.

Báo South China Morning Post cũng dẫn lời một người làm việc trong lĩnh vực ngân hàng đến từ New Zealand cho biết sau khi bàn bạc với vợ, vợ chồng ông quyết định tìm việc ở một nơi khác sau bốn năm gắn bó với thành phố hoa lệ này. “Chúng tôi cho rằng Hong Kong, ở vị trí một trung tâm thương mại, về cơ bản đã thay đổi” – người này chia sẻ.

Điểm đáng đến hay đáng đi?

Hong Kong từ lâu đã là một địa điểm hấp dẫn đối với những người nước ngoài yêu cuộc sống hiện đại, muốn có thu nhập cao và chịu mức thuế thấp. Theo báo cáo HSBC Expat 2019 được Ngân hàng HSBC công bố tháng 7 năm nay, Hong Kong là điểm đến đáng sống thứ 15 trên thế giới dành cho người nước ngoài.

Người nước ngoài hiện chiếm gần 10% trong số 7,5 triệu người ở Hong Kong. Nhiều người nước ngoài cho biết họ hiểu được chuyện người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ và ủng hộ những lời kêu gọi bảo vệ quyền của người dân. Tuy nhiên, họ không ủng hộ bạo lực và cảnh tượng đập phá, làm xấu xí thành phố.

Theo báo Financial Times, không chỉ những người nước ngoài đến từ các nước phương Tây muốn rời khỏi Hong Kong. Sau các cuộc đối đầu giữa cảnh sát và người biểu tình bên trong các khuôn viên Đại học Hong Kong hồi tháng 11, Phòng Thương mại và công nghiệp Nhật Bản tại Hong Kong đã tiến hành một cuộc khảo sát với 270 công ty Nhật hoạt động ở Hong Kong. Kết quả cho thấy 6% nhân viên các công ty này đã đưa người thân của họ ở Hong Kong về nước và 33% đang xem xét tương tự.

Đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy một cuộc di dời ồ ạt khỏi Hong Kong của người nước ngoài. Theo số liệu, có 731.000 người nước ngoài sinh sống ở Hong Kong vào tháng 11-2018. Một năm sau, ghi nhận có 726.000 người nước ngoài. Con số này đã bao gồm những người giúp việc nhà, phần lớn đến từ Philippines và Indonesia, với khoảng 400.000 người.

Nhìn chung nếu tình trạng bất ổn ở Hong Kong tiếp tục xấu thêm, các công dân nước ngoài sẽ phải đưa ra quyết định gấp rút liệu ở lại hay rời đi. Tuy nhiên, mỗi cá nhân và gia đình sẽ có những kế hoạch và “lằn ranh đỏ” của riêng mình. Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Hong Kong Tara Joseph nhận định tình trạng bất ổn ở Hong Kong đã làm dấy lên những câu hỏi lớn về tương lai.

Trong kỳ nghỉ Giáng sinh vừa qua, người biểu tình Hong Kong đã tổ chức các cuộc tụ tập và đối đầu liên tiếp 3 ngày với cảnh sát, khiến hơn 300 người bị bắt. Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam chỉ trích người biểu tình “phá hoại” kỳ nghỉ. Người biểu tình dự kiến sẽ tiếp tục xuống đường vào ngày 1-1-2020 khi đặc khu này bước sang năm mới.

 

BẢO ANH

TTO