Ngày 24.12, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động tiêm chủng năm 2019.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm (HCDC), cho biết hiện có 8 quận huyện và 88 phường xã trên địa bàn TP.HCM chưa đạt tỉ lệ tiêm chủng, tỷ lệ rất thấp. Nguyên nhân một số trẻ chưa tiêm chủng được lý giải là con em bị bệnh chưa tiêm, phụ huynh thiếu thông tin…
Hiện TP.HCM có 113.000 trẻ trong độ tuổi tiêm chủng (sinh năm 2018) các loại vắc xin cơ bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Tỷ lệ tiêm 11 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 87,2%, dự kiến cả năm đạt trên 95%. Lãnh đạo HCDC cho rằng việc tiêm chủng còn thấp ở một số địa phương là trách nhiệm của cha mẹ và của phường xã.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng năm 2014, 2018 nổi lên dịch sởi, số ca mắc tăng. Dịch bệnh liên quan tiêm chủng gia tăng là tiêm chủng có vấn đề, nhưng quan trọng nhất là quản lý đối tượng tiêm.
Qua kiểm tra của Sở thì hầu hết các địa phương quản lý đối tượng tiêm chủng đều sót. Tuy nhiên, muốn hạn chế bỏ sót đối tượng thì có sự tham gia của các ngành khác. Phụ huynh phải có trách nhiệm với con em.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần có biện pháp chế tài các cơ sở tiêm chủng không tuân thủ đầy đủ các quy định, kể cả phụ huynh không đưa con em đi tiêm chủng phòng bệnh. Theo bác sĩ Hưng, về chế tài phụ huynh không tiêm chủng cho con thì chưa có quy định.
Theo bác sĩ Hưng, đến nay TP.HCM đã có 100 cơ sở tiêm chủng dịch vụ, 495 cơ sở tiêm chủng nhà nước. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất là nhiều cơ sở tiêm chủng dịch vụ chưa có cơ chế thu thập số liệu. Sắp tới làm sao đảm bảo mục tiêu là tất cả trẻ sinh sống tại TP.HCM được tiêm chủng phòng bệnh. Do đó, cần phải áp dụng phần mềm quản lý đối tượng của Bộ Y tế.
Bác sĩ Hưng đã giao Thanh tra, Phòng nghiệp vụ y thuộc Sở Y tế TP.HCM và HCDC đi kiểm tra, giám sát điều kiện tiêm chủng của cơ sở tiêm chủng để đảm bảo an toàn và quản lý đối tượng tiêm chủng ở các phường xã.
Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM sẽ giải quyết việc chuyển tuyến khám sàng lọc phát hiện bệnh chống chỉ định tiêm chủng ở một số bệnh viện đa khoa tuyến TP.HCM, bệnh viện quận huyện, bệnh viện sản và nhi.
Theo bác sĩ Hưng, bác sĩ ở trạm y tế hiện nay chỉ có cái ống nghe nhưng giao khám sàng lọc, nếu lỡ sai sót thì trách nhiệm rất căng thẳng. Mặt khác, việc khám, tiêm chủng với những trẻ có bệnh lý (được quy định tại quyết định 2740 của Bộ Y tế về ban hành hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em) trong bệnh viện đảm bảo an toàn khi có bác sĩ khám đánh giá kỹ, có đầy đủ điều kiện để cấp cứu khi có phản ứng.
Đình chỉ 7 cơ sở tiêm chủng do không đạt điều kiện
Tại hội nghị, bác sĩ Đặng Minh Sang, Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM, cho biết năm 2019 sở đi kiểm tra và đã đình chỉ hoạt động 7 cơ cở tiêm chủng. Sau đó 3 cơ sở khắc phục nên được cấp phép lại, 4 cơ sở vẫn còn ngưng hoạt động. Các lỗi thường gặp của các cơ sở tiêm chủng bị đình chỉ hoạt động gồm: không có phòng tiêm chủng; để vắc xin trong tủ lạnh lẫn thức ăn; thực hiện tiêm chủng chưa đúng quy trình, nhiệt kế của tủ chẵn trữ vắc xin đã hư hỏng; không có phòng theo dõi sau tiêm; chưa trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị… Năm 2020, Sở Y tế TP.HCM tiếp tục đi kiểm tra, đặc biệt là ở những cơ sở thực hiện công bố lại. Sở Y tế đề nghị các phòng y tế quận huyện tiếp tục hậu kiểm các trạm y tế trên địa bàn.
DUY TÍNH