Khi con nước ngọt yếu ớt từ thượng nguồn Mê Kông đổ về ĐBSCL ở mức thấp kỷ lục không đủ để đẩy nước mặn ra biển, như một lẽ tất yếu, nước mặn lấn sâu vào nội đồng. Đáng nói, tình trạng xâm nhập mặn gay gắt xuất hiện quá sớm, hơn khoảng 1 tháng so với năm hạn mặn kỷ lục lịch sử 2015 – 2016 đang uy hiếp người dân miền Tây.
Cơn khát nước ngọt đến sớm
Cách dòng sông Hậu chỉ vài trăm mét nhưng 5.000 m2 đất trồng đu đủ xen với xoài Đài Loan, nhãn Ido của ông Nguyễn Văn Tuấn (44 tuổi, ngụ ấp Thạnh Đức, xã Long Đức, H.Long Phú, Sóc Trăng) lại đang thiếu nước ngọt.
Đây đang là lúc ra bông, cho trái cần nước nhất thì mương lại cạn queo. Tôi ra hỏi mấy ông ở ấp có cách nào mở nước vào nhưng không được vì ngoài sông giờ nước mặn chát
Ông Nguyễn Văn Tuấn (ấp Thạnh Đức, xã Long Đức, H.Long Phú, Sóc Trăng)
Tất cả là bởi nước mặn đến quá sớm, sớm hơn mọi dự kiến. Các cống ngăn mặn đã đồng loạt được đóng lại để tránh nước mặn tràn vào nội đồng. Nhưng chính điều này cũng khiến cho nguồn nước tưới của cây trồng bên trong các kênh nội đồng dần cạn kiệt.
Nhìn vườn đu đủ đang héo dần, ông Tuấn nói như mếu: “Không xong rồi. Cứ thế này thì đu đủ, xoài, nhãn gì cũng chết ráo. Đây đang là lúc ra bông, cho trái cần nước nhất thì mương lại cạn queo. Tôi ra hỏi mấy ông ở ấp có cách nào mở nước vào nhưng không được vì ngoài sông giờ nước mặn chát”.
Vừa vét từng gàu nước ngọt còn đọng trong mương tưới cho những gốc đu đủ, ông Tuấn kể, để có 5 công đu đủ này ông đã phải phá bỏ vườn nhãn da bò 20 năm tuổi để chuyển đổi vào hồi tháng 6 vừa rồi.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, ngụ ấp Thạnh Đức, xã Long Đức, H.Long Phú (Sóc Trăng) vét nước ngọt còn sót lại trong mương để tưới đu đủ Ảnh: Đình Tuyển
|
Trước đó, năm 2016 vườn nhãn thất thu vì hạn mặn. Sang năm 2017, 2018 nhãn bị bệnh chổi rồng hoành hành. Tới năm 2019 ông quyết “giã từ” cây nhãn da bò đã không hiệu quả nhưng không ngờ giờ chẳng khá hơn. Bởi để cây sinh trưởng tốt ra bông, đậu trái và thu hoạch thì vườn đu đủ của ông Tuấn cần nước tưới ít nhất trong 3 tháng nữa. Điều này là quá khó với ông Tuấn.
“Tổng chi phí giống đu đủ cũng hết hơn 40 triệu đồng, nếu tình trạng thiếu nước này kéo dài thêm chắc khó cứu vãn”, ông Tuấn nói.
Chung cảnh ngộ với ông Tuấn, gia đình bà Lê Thị Sáu, 55 tuổi, cũng ở ấp Thạnh Đức, hai tuần nay mất ngủ vì vườn thiên lý đang chết dần do thiếu nước tưới. Không còn cảnh tưới máy ào ào như trước đây, bà Sáu phải xách từng thùng tưới bằng tay để tiết kiệm nguồn nước ít ỏi còn sót lại. Bà bảo, trước đây 3 công đất (3.000 m2 - PV) trồng thiên lý này vốn là đất trồng lúa nhưng do hạn mặn thất bát nên từ năm 2018 bà chuyển qua trồng loại cây lấy bông này. “Được năm ngoái vừa trúng mùa vừa trúng giá. Qua năm nay thì gặp cảnh thiếu nước này. Giờ giá bông thiên lý bán 40.000 đồng/kg mà không có bán. Tới tết giá bông có khi lên cả trăm ngàn đồng nhưng tình cảnh mặn thế này thì cây chết luôn chớ lấy gì mà thu hoạch”, bà Sáu nói. Cạnh nhà bà Sáu, hai mương nước nuôi cá cũng cạn khô.
Canh ngày đêm lấy nước ngọt
Sóc Trăng là tỉnh có địa phận trải dọc bờ nam sông Hậu và giáp với Biển Đông nên đây cũng là một trong những địa phương mà “cuộc chiến” mặn – ngọt diễn ra khốc liệt bậc nhất miền Tây. Dọc tuyến sông Đại Ngãi, nơi đầu nguồn dẫn nước ngọt từ sông Hậu qua các kênh trục vào sâu nội đồng tỉnh Sóc Trăng, độ mặn ghi nhận đã tăng vọt lên đến 9,2%0 vào ngày 10.12.
Nước mặn lúc này đã vào sâu trong sông Hậu 35 – 40 km. Vào những ngày cuối tháng âm lịch, triều cường dâng cao, “lưỡi” mặn đã lấn sâu tới 40 – 45 km về phía thượng nguồn. Theo ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, sông Đại Ngãi cũng là nơi cung cấp nước ngọt chính cho cả vùng trồng lúa Long Phú – Tiếp Nhật rộng hơn 40.000 ha của tỉnh Sóc Trăng. “Nếu như so sánh với mùa hạn mặn ác liệt nhất lịch sử
2015 – 2016 thì cũng phải tới giữa tháng 1.2016, con nước ở cửa sông Đại Ngãi mới bị nhiễm mặn 9,2%0. Vậy mà năm nay, độ mặn tương tự đã xuất hiện cách đây hơn 10 ngày, tức là sớm hơn cả tháng”, ông Đạo nói và cho biết, dù đã chủ động yêu cầu nông dân xuống giống sớm vụ đông xuân nửa tháng so với bình thường để “né” mặn nhưng vẫn khó tránh khỏi ảnh hưởng, nhất là những trà lúa đông xuân, dân xuống giống muộn thu hoạch sau Tết Nguyên đán.
“Tình hình hiện rất căng thẳng. Dòng chảy từ thượng nguồn thấp quá, để lấy nước ngọt cấp nước cho nội đồng rất gian nan. Chúng tôi phải cử người canh 24/24 để đo nước. Hễ có nước ngọt là lập tức mở cống lấy vào, đồng thời khuyến cáo người dân bơm trữ nước trong kinh”, ông Đạo nói.
Trưởng phòng NN-PTNT H.Trần Đề (Sóc Trăng) Trần Hoàng Dũng nói thêm, hiện nhu cầu nước ngọt của 22.400 ha lúa đông xuân của huyện rất cấp thiết. Mặc dù 60 – 70% diện tích lúa thu hoạch trước tết không quá lo ngại nhưng tình hình vẫn rất căng thẳng. “30 – 40% diện tích lúa còn lại kéo dài đến khoảng giữa tháng giêng (âm lịch) mới thu hoạch và nhu cầu nước ngọt là không nhỏ. Giải pháp bây giờ chỉ là cố gắng canh me, chờ thời để lấy nước ngọt, đâu làm gì khác được”, ông Dũng nói.
“Vương quốc hoa Tết” bị đe doạ
Từ cửa sông Tiền và các nhánh như Cổ Chiên, Hàm Luông, trong tuần qua, độ mặn 4%0 cũng đã bao trùm, lấn sâu về hướng thượng nguồn hơn 60 km. Tại Bến Tre, đáng ngại nhất phải kể tới những nhà vườn ở “vương quốc hoa kiểng Cái Mơn” khi chưa năm nào nước mặn lại xâm nhập sớm và sâu như năm nay.
Cống ngăn mặn Bà Xẩm ở H.Long Phú (Sóc Trăng) đã đóng chặt ngăn không cho nước mặn từ sông Hậu vào nội đồng khiến tàu ghe không thể qua lại
|
Hiện người dân đang tìm mọi cách để trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt tưới tiêu. “Do nước mặn lên bất ngờ nên nhà tôi và các hộ khác đều không kịp trữ nước trong mương vườn để tưới. Tình hình này kéo dài thì 2.400 chậu cúc mâm xôi, vạn thọ của tôi xem như tiêu”, lão nông Nguyễn Văn Giỏi, ngụ xã Tân Thiềng, H.Chợ Lách, lo lắng.
Không ngồi chờ chính quyền dự báo độ mặn, ông Nguyễn Văn Liệt (ngụ xã Tân Thiềng) sốt ruột đã chi 6 triệu đồng mua dụng cụ đo độ mặn nhằm cứu vườn 40.000 cây sầu riêng giống của gia đình mình. Nhưng đo liên tục mấy ngày qua, ông Liệt vẫn chưa thể lấy nước tưới. “Loại cây sầu riêng con này chỉ chịu độ mặn dưới 0,4%0 trong khi ngoài sông giờ là 2%0. Mặn sớm kiểu này ngặt nghèo quá”, ông Liệt than thở.
Ngoại trừ đợt thiên tai xâm nhập mặn lịch sử năm 2016, khu vực xã Vĩnh Thành, H.Chợ Lách chưa khi nào bị nước mặn ngoài sông Cổ Chiên lấn tới. Nhưng hiện giờ độ mặn đo được cũng đã gần 0,5%0 lấn đến khu vực cầu Hòa Khánh. “Mặn mà nhích lên nữa thì hơn 500 gốc mai, giá trị hơn 1 tỉ đồng của gia đình tôi khó mà chống chịu nổi”, chị Nguyễn Thị Thùy Trang, ngụ xã Vĩnh Thành, H.Chợ Lách âu lo.
TS Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT H.Chợ Lách, cho biết, xâm nhập mặn năm nay đến sớm, và có thể sẽ kéo dài đến tháng 5.2020. Hiện điều đáng lo nhất của địa phương là hơn 11 triệu sản phẩm hoa kiểng tết đang trong giai đoạn xử lý hoa, chưa kể 20 triệu cây giống và hơn 5.000 ha cây ăn trái có thể chịu những hậu quả rất khó lường khi xâm nhập mặn gia tăng.
Tiền Giang và Long An cấp bách chống mặn
Ngày 23.12, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết đã ký công văn khẩn yêu cầu các sở ngành, UBND các huyện triển khai nhanh các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn. Sở NN-PTNT phối hợp với Sở TN-MT thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xả thải vào công trình thủy lợi gây ô nhiễm nguồn nước. Sở NN-PTNT tăng cường phối hợp đơn vị quản lý khai thác hồ Dầu Tiếng – Phước Hòa để đề nghị tăng lưu lượng xả nước xuống sông Vàm Cỏ Đông khi độ mặn lên cao để kịp thời đẩy mặn, lấy ngọt.
Cùng ngày, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cũng đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để chỉ đạo công tác phòng chống hạn mặn. Ông Hưởng yêu cầu Sở NN-PTNT chỉ đạo các phòng NN-PTNT cấp huyện thường xuyên theo dõi tình hình xâm nhập mặn tại địa phương để kịp thời báo cáo, tiếp nhận thông tin từ người dân. Với một số tuyến kinh tiếp giáp với tỉnh Long An, yêu cầu Sở NN-PTNT theo dõi, nếu tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp thì chủ động đắp đập ngăn mặn bảo vệ sản xuất.
ĐÌNH TUYỂN – BẮC BÌNH