Đề án quốc gia: Hàng chục nghìn tỉ đồng nhưng vẫn chưa có sách tiếng Anh lớp1
Đến thời điểm này, sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1 mới vẫn chưa được phê duyệt, dù đây là môn học duy nhất có tới 2 quyết định của Chính phủ về ‘Đề án dạy và học ngoại ngữ…’.
Đề án quốc gia: Hàng chục nghìn tỉ đồng nhưng vẫn chưa có sách tiếng Anh lớp1
Đến thời điểm này, sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1 mới vẫn chưa được phê duyệt, dù đây là môn học duy nhất có tới 2 quyết định của Chính phủ về ‘Đề án dạy và học ngoại ngữ…’.
Học sinh tiểu học tại TP.HCM trong giờ tiếng Anh Đào Ngọc Thạch
Có trong quyết định nhưng không thực hiện
Hiện trong số 6 bản mẫu sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh lớp 1 được Hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá đạt trong đợt thẩm định đầu tiên, chỉ duy nhất sách Cùng học để phát triển năng lực của Bộ có tổng chủ biên (chủ biên là người Việt Nam). Các sách còn lại của các tác giả là người nước ngoài đều đang được Bộ GD-ĐT đề nghị bổ sung tổng chủ biên, chủ biên là người Việt.
Trả lời băn khoăn về việc đây chính là bộ sách do Đề án ngoại ngữ quốc gia, Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn, đại diện đề án khẳng định đề án không biên soạn SGK tiếng Anh lớp 1, 2 mà chỉ chủ trì biên soạn SGK từ lớp 3 trở lên, sách tiếng Anh lớp 1, 2 được dạy tự chọn lâu nay là của các nhà xuất bản trong và ngoài nước, được Bộ phê duyệt trước khi đưa vào giảng dạy.
Như vậy, bộ SGK tiếng Anh từ lớp 1 – 12 của cùng nhóm tác giả và nhà xuất bản thì lớp 1, 2 là xã hội hóa, còn từ lớp 3 trở lên do đề án chủ trì biên soạn, kinh phí của ngân sách nhà nước cấp, nhưng đến thời điểm này Bộ chưa công bố nó thuộc “SGK của Bộ” hay không. Thậm chí, đại diện Bộ GD-ĐT còn trả lời báo chí rằng có thể sẽ “bán” bộ SGK này cho nhà xuất bản nào mua nó và thu lại tiền về cho ngân sách nhà nước.
PV Thanh Niên nêu thắc mắc tại sao cùng một nhóm tác giả mà họ lại vừa tham gia biên soạn SGK của Bộ (cụ thể ở đây là đề án) vừa biên soạn SGK của nhà xuất bản, vậy phải chăng cùng một nhóm tác giả, cùng một bộ SGK tiếng Anh nhưng lại không có liên quan gì giữa SGK lớp 1, 2 và SGK từ lớp 3 – 12? Vị đại diện đề án cho rằng vẫn có sự tiếp nối vì vẫn là nhóm tác giả đó, tổng chủ biên đó và biên soạn theo chương trình môn tiếng Anh đã được Bộ ban hành.
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2080 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 – 2025. Điểm mới của đề án so với giai đoạn 2008 – 2020 là mở rộng đối tượng được tiếp cận, học tập ngoại ngữ. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc ban hành chương trình và học liệu làm quen với ngoại ngữ cho trẻ mầm non, chương trình môn ngoại ngữ tự chọn lớp 1 – 2 cũng được hoàn thành trong năm này.
Còn quyết định về việc ban hành kế hoạch triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 – 2025 của Bộ GD-ĐT ký ngày 23.7.2018 nêu rõ, đối với lớp 1 và lớp 2: giai đoạn năm 2017 – 2020 khảo sát, nghiên cứu, xây dựng, triển khai thực nghiệm/thí điểm, tổng kết và đánh giá, hoàn thiện, ban hành chương trình, SGK làm quen tiếng Anh lớp 1 và lớp 2. Sản phẩm dự kiến gồm chương trình, SGK làm quen tiếng Anh lớp 1 và lớp 2… Từ năm 2021, tổng kết, đánh giá việc triển khai chương trình làm quen tiếng Anh với lớp 1 và 2. Cơ quan, đơn vị chủ trì các công việc này là Bộ GD-ĐT.
Đối chiếu với quyết định của Chính phủ và quyết định cụ thể của Bộ GD-ĐT thì việc biên soạn chương trình và SGK lớp 1 – 2 vẫn nằm trong nhiệm vụ và kế hoạch của đề án ngoại ngữ, dưới sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Do vậy, câu trả lời “Đề án không biên soạn SGK tiếng Anh lớp 1 – 2” trong khi có cả một ban chỉ đạo hùng hậu, có kinh phí từ ngân sách nhà nước đã được quy định rõ ràng bởi thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính (chi trả tất cả kinh phí cho việc biên soạn SGK tiếng Anh), là không thuyết phục.
Bộ GD-ĐT cần rõ ràng trách nhiệm
Nghị quyết 88 của Quốc hội vẫn còn nguyên giá trị về việc Bộ GD-ĐT có trách nhiệm chủ trì biên soạn một bộ SGK từ lớp 1 – 12. Lý do Bộ GD-ĐT không chủ trì biên soạn được bộ SGK này vì Bộ không tuyển chọn đủ ứng viên tham gia làm tác giả biên soạn một bộ SGK.
Tuy nhiên, với môn ngoại ngữ, có những đặc thù và xuất phát điểm khác biệt nên lý do Bộ GD-ĐT đưa ra khó chấp nhận. Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020 ra đời cách đây cả 10 năm, quyết định điều chỉnh, bổ sung đề án này giai đoạn 2017 – 2025 của Chính phủ cũng ban hành trước khi Bộ GD-ĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình các môn học, trong đó có ngoại ngữ. Như vậy, vấn đề thời gian chuẩn bị và huy động lực lượng biên soạn SGK không gặp phải khó khăn như các môn học khác.
Đại diện đề án cho rằng dù đề án có hạng mục biên soạn SGK nhưng nếu việc xã hội hóa đang góp phần rất tốt để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ thì phải “đón chào” nó. Còn trong trường hợp không xã hội hóa được việc biên soạn SGK tiếng Anh thì trách nhiệm đề án phải biên soạn SGK.
Ý kiến này nghe có vẻ hợp lý trong bối cảnh thúc đẩy xã hội hóa việc biên soạn SGK. Nhưng với việc ra đời đề án sớm hơn chương trình giáo dục phổ thông mới cả 10 năm thì việc Bộ GD-ĐT và đề án tự đẩy mình vào thế bị động, ngồi chờ tình hình “xã hội hóa” biên soạn SGK đến đâu rồi quyết định có biên soạn SGK hay không được xem là cách lý giải “vụng chèo, khéo chống”, vì nếu chờ đến hết thời điểm Bộ GD-ĐT tiếp nhận và thẩm định các bản thảo để biết SGK nào đủ, SGK nào thiếu thì chắc chắn không còn kịp để bắt đầu tiến hành các bước biên soạn SGK. Chính vì vậy, Nghị quyết 88 của Quốc hội với nội dung giao cho Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn một bộ SGK đầy đủ từ lớp 1 – 12 cũng vì một lý do lớn nhất: để đảm bảo tính chủ động, đến thời điểm “thay sách”, tất cả các môn học, lớp học đều có đầy đủ SGK.
Vị đại diện đề án lý giải, biên soạn SGK chỉ là một trong những “hạng mục” của đề án chứ không phải là nhiệm vụ duy nhất và nếu không biên soạn SGK hay tài liệu học tập thì đề án và Bộ sẽ báo cáo để không dùng khoản ngân sách nhà nước chi cho hạng mục này. Tuy nhiên, bên cạnh việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, mua sắm trang thiết bị thì xã hội vẫn cần một sản phẩm có thể “cân đong đo đếm” được từ đề án hàng chục nghìn tỉ này, đó là một bộ SGK đầy đủ từ lớp 1 – 12. Hơn nữa, đây cũng là một nhiệm vụ nằm trong kế hoạch của đề án đã nêu trong quyết định của Bộ GD-ĐT chứ không phải thuận lợi hay thích thì làm, không thì thôi.
Cuối tháng 12 công bố SGK tiếng Anh lớp 1
Trong khi các nhà xuất bản có SGK lớp 1 được phê duyệt vừa qua đã giới thiệu SGK khắp nơi thì SGK tiếng Anh vẫn chưa được phê duyệt, dù thời điểm chọn sách đã cận kề. Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho rằng cuối tháng 12 này, Bộ sẽ phê duyệt và công bố các SGK tiếng Anh lớp 1.
Đề án gây lãng phí hàng tỉ đồng ngân sách nhà nước
Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn trước (2008 – 2020) đã nhận rất nhiều “búa rìu” dư luận. Kết quả kiểm toán nhà nước cũng chỉ rõ nhiều hạn chế, bất cập trong thực hiện nhiệm vụ, giải pháp của đề án. Đó là sự chậm trễ, thiếu chuyên nghiệp trong quản lý, bố trí kinh phí cho đề án tại một số địa phương chưa hợp lý; việc mua sắm chưa căn cứ vào nhu cầu của các đơn vị; sản phẩm bàn giao chưa phù hợp… Tất cả những việc này đã gây lãng phí hàng tỉ đồng ngân sách nhà nước.
Việc biên soạn tài liệu, kết luận của kiểm toán cũng chỉ ra vi phạm khi tổ chức biên soạn, in ấn, cấp phát tài liệu thí điểm lớp 9, tài liệu thí điểm lớp 12 (trị giá 5,3 tỉ đồng) trước khi có các quyết định chỉ định thầu và các hợp đồng hoàn thiện, in và phát hành sách.
TUỆ NGUYỄN
TNO