11/01/2025

Giữ danh tiếng nông sản Việt: Giống tốt thôi chưa đủ!

Niềm vui với ST25 – gạo ngon nhất thế giới – đến cùng với chuyện buồn sau mùa dịch tả heo châu Phi và thời sự xâm ngập mặn ở ĐBSCL. Nhà nông lại đau đáu với chuyện cây giống, con giống và làm sao sống khỏe trên mảnh đất của mình.

 

Giữ danh tiếng nông sản Việt: Giống tốt thôi chưa đủ!

Niềm vui với ST25 – gạo ngon nhất thế giới – đến cùng với chuyện buồn sau mùa dịch tả heo châu Phi và thời sự xâm ngập mặn ở ĐBSCL. Nhà nông lại đau đáu với chuyện cây giống, con giống và làm sao sống khỏe trên mảnh đất của mình.


 

Giữ danh tiếng nông sản Việt: Giống tốt thôi chưa đủ! - Ảnh 1.

Hành tím Vĩnh Châu, một đặc sản của Sóc Trăng, bao năm lao đao trong cảnh được mùa mất giá – Ảnh: C.QUỐC

 

Tuy nhiên, bước vào thời chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, không nên hỏi nhau trồng cây gì, nuôi con gì mà phải hỏi giống cây, con đó thế nào.

Phải nghĩ khác về giống

Nông nghiệp ĐBSCL hiện nay đã có thêm rất nhiều giống cây con mới hoặc du nhập từ nơi khác, trở thành vùng nông nghiệp trọng điểm, chủ lực của cả nước. Nhìn ở góc độ kinh tế nông nghiệp, việc xác định trồng cây gì, nuôi con gì đã không còn quá quan trọng. ĐBSCL vốn là một khối bảo địa, cây con gì cũng đều sống khỏe, sống tốt. 

Thời hội nhập, thế giới thành “cái chợ” lớn, cây gì con gì cũng đều bán được. Do đó, thay vì cố gắng (một cách bất khả thi) để xác định xem nên trồng cây gì, nuôi con gì, điều nên quan tâm nhiều hơn trong điều kiện hiện nay là tính bền vững của các loại giống cây trồng, vật nuôi. Trong đó, các yếu tố về tính hợp pháp, quyền sở hữu trí tuệ, khả năng bảo tồn, thích nghi với biến đổi khí hậu là rất quan trọng.

Ví dụ điển hình với câu hỏi nóng nhất hiện nay là con giống ở đâu để người chăn nuôi tái đàn sau dịch tả heo châu Phi? Giống nào, từ đâu cho ngành chăn nuôi heo thời gian tới? Tái cơ cấu chăn nuôi theo cách nào trước thực tế thịt heo ngoại nhập đang bước chân vào thị trường Việt?

Hay như chuyện giống lúa ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua vừa đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới, trên thị trường đã tràn ngập các nhãn hiệu gạo túi đóng mác ST25 dù “cha đẻ” của nó khẳng định chưa hề bán một ký giống nào ra thị trường. 

Nếu hiện tượng này vẫn tiếp tục bị các ngành chức năng ngó lơ như hiện nay thì chẳng mấy chốc, chất lượng và thương hiệu gạo này sẽ bị mai một. Quan trọng hơn nữa là động cơ sáng tạo ra các loại giống “made in Vietnam” cũng sẽ bị mai một theo.

Một vấn đề khác cũng rất cấp bách và căn cơ là biến đổi khí hậu. Các dự báo mới nhất cho thấy nhiều khả năng ĐBSCL sẽ bị ngập mặn sớm hơn. Vì vậy, thay vì cố gắng định danh cây gì, con gì, chúng ta cần sớm định tính cho chúng theo nhóm, đâu là giống chịu mặn, đâu là giống nước lợ, đâu là giống nước ngọt thì sẽ giúp ích cho nông dân một cách thiết thực hơn.

Tạo và giữ thương hiệu nông sản

Hiện nay, việc nuôi trồng thế nào, tiêu thụ ra sao còn quan trọng hơn gấp nhiều lần câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì!

Đơn cử như chuyện làm sao để được xuất khẩu nông sản chính ngạch qua Trung Quốc thay cho việc “mua thúng, bán mẹt” qua đường tiểu ngạch? Nông sản phải được cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Mà để làm được điều này có khó không? Chỉ cần có vùng nguyên liệu 10ha trồng cùng một loại cây, cùng một quy trình và có pháp nhân đứng tên, tức là phải có hợp tác xã nông nghiệp, trong vùng nguyên liệu này phải không được có nhà cửa, mồ mả hay súc vật thả rông. 

Chỉ bao nhiêu đó thôi nhưng đã 2 năm rồi kể từ khi phía Trung Quốc thông báo sẽ siết nhập khẩu tiểu ngạch, chuyển sang nhập khẩu chính ngạch, vẫn chưa thấy các bộ ngành liên quan có động thái đáng kể nào! Nếu tình hình này còn tiếp diễn thì dù nông dân có trồng cây gì, nuôi con gì rồi thì cũng luẩn quẩn với điệp khúc “được mùa, rớt giá”.

Tìm đầu ra cho nông sản, rất may có những tín hiệu vui, với khâu chế biến sau thu hoạch, con đường tiêu thụ nông sản đã rộng mở hơn. Như chuyện với cây sen Đồng Tháp Mười. Cách đây 5 năm, sen được trồng chỉ là để thu hoạch gương, tách lấy hạt bán thô qua Đài Loan, Trung Quốc. Nay, nhờ vào phong trào khởi nghiệp, cây sen đã trở nên có giá trị hơn rất nhiều. 

Từ trà lá sen, trà tim sen, sữa hạt sen, rượu hạt sen, ngó sen làm gỏi, gương sen tách hạt xong phơi khô xay nhuyễn làm nhang… đều đã có thị trường. Hay như trái xoài Cao Lãnh trước chỉ bán tươi, giờ có thêm các sản phẩm dưa xoài, xoài sấy, yaourt xoài, thạch xoài…

Trồng cây gì sẽ không quan trọng bằng chuyện làm sao để tạo và giữ được thương hiệu nông sản, đặc sản. Làm sao để tăng chế biến, giảm bán tươi, tận dụng tốt các phụ phẩm nông nghiệp? Làm sao cho chi phí logistics trong nông nghiệp giảm xuống ngang với mức bình quân của khu vực?

Nông dân không thể nào trả lời hết những câu hỏi này, nên sẽ rất khó có thể “tự cứu trước khi trời cứu”. Trời cũng sẽ không cứu nếu tư duy của ngành nông nghiệp vẫn cứ loay hoay hỏi trồng cây gì, nuôi con gì như kiểu của 30 năm trước.

Siết chặt thị trường lúa giống

 

nang thom cho dao 3(read-only)

Cánh đồng lúa Nàng thơm chất lượng cao xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An vụ đông xuân 2019 – Ảnh: TÚ NGUYÊN

 

Nông dân chúng tôi phấn khởi khi ST25 được vinh danh là Gạo ngon nhất thế giới. Đây là thành quả sự chung tay của các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân.

Phần tiếp sau, nhà nông phải tự thân làm mới mình từ cách suy nghĩ, cách trồng cây, thay cách chọn năng suất cao bằng chú trọng chất lượng. Muốn vậy, cần tăng cường dùng phân hữu cơ thay cho phân vô cơ (hiện nay phân hữu cơ chỉ chiếm 1/10 thị trường). Lạm dụng phân vô cơ làm hại đất, tác động xấu đến chất lượng nông sản. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật làm hoang hóa đất, tồn dư chất độc hại trong nông sản.

Nhà nước cần siết chặt thị trường lúa giống. Thực tế, nhiều nông dân mua nhầm lúa giống dỏm. Điều này có nguyên do nhà nông chuộng giá rẻ và cũng do sự buông lỏng quản lý của ngành nông nghiệp khi những điểm cung cấp lúa giống “mạo danh” vẫn tồn tại công khai?

Để tạo danh tiếng nông sản Việt cần thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Các doanh nghiệp sẽ tạo thêm chuỗi giá trị nông sản. Khi đó, danh tiếng nông sản được bảo vệ, nhà nông đỡ lo cảnh được mùa mất giá.

 

TÚ NGUYÊN

 

 

VĂN LỢI (Đồng Tháp)

TTO