Heo từ các tỉnh miền Nam tập kết ra miền Bắc với số lượng hàng chục ngàn con đang được các thương lái “nuôi ủ” trong các trang trại tại xã Bối Cầu (H.Bình Lục, Hà Nam) chờ bán dịp cận tết, khi dự báo giá heo hơi chẳng mấy chốc sẽ tăng đến 100.000 đồng/kg.
“Mỗi trại nuôi ủ hàng ngàn con”
Chợ gia súc, gia cầm Hà Nam đặt tại xã Bối Cầu (H.Bình Lục, Hà Nam) là một trong những điểm buôn bán, trung chuyển heo hơi lớn của các tỉnh miền Bắc. Trong tuần vừa qua, giá heo hơi tại chợ đầu mối này tăng phi mã, lập đỉnh mới với 95.000 đồng/kg.
Cũng từ chợ heo này, ngày 16.12, trong vai một khách cần mua heo đưa về Phú Thọ giết mổ, chúng tôi làm quen với người đàn ông tên T. – một thương lái tại xã Bối Cầu. “Nuôi ủ heo” theo cách giải thích của T. là heo được nhập từ các tỉnh miền Nam về nuôi nhốt trong các trang trại khi giá cao thì xé lẻ bán dần. Heo “nuôi ủ” 100% là chuyển từ các tỉnh miền Nam ra vì giá thấp hơn các tỉnh miền Bắc. Cách đây khoảng hơn 20 ngày, giá heo hơi trong nam ngấp nghé 79.000 – 80.000 đồng/kg, anh T. nhanh tay gom trên 500 con đưa về “nuôi ủ” chờ gần tết sẽ bung hàng. Vừa nói chuyện với chúng tôi, anh T. vừa rút điện thoại cho xem hình ảnh trại qua camera trực tuyến với heo nằm đầy trong các ô chuồng.
Khi hết việc ở chợ, anh T. tiếp tục đưa chúng tôi về thôn Viễn Lai, nơi có hàng chục trại “nuôi ủ” heo. Chọn thời điểm buổi trưa vắng vẻ, công nhân đã rời đi khi cho heo ăn xong, anh T. dẫn tôi vào một trại nằm sát đường tỉnh lộ 496B. Bên ngoài kín cổng cao tường nhưng khi đi men theo tường rào, dọc theo trại ra phía cánh đồng, qua ô cửa trại, chúng tôi tận mắt chứng kiến các khoang chuồng đầy ắp heo mà theo anh T. ước chừng đã đạt trọng lượng mỗi con từ 90 – 100 kg. “Mỗi trại nuôi ủ ít thì vài trăm, nhiều thì lên tới hàng ngàn con, chỉ riêng thôn Bối Lai này thôi, lượng heo “nuôi ủ” không dưới 10.000 con đâu”, anh T. quả quyết.
Một thương lái khác tên M., nhà ở xã Bối Cầu, vừa buôn heo hơi, vừa bán thức ăn gia súc, cho biết “heo nuôi ủ” đã vào trại cách đây nửa tháng. Khi đó, giá heo ở miền Nam khoảng 75.000 – 76.000 đồng/kg, loại trên 80 kg/con, để vận chuyển ra Hà Nam thì thêm 3 giá vận chuyển và khoảng 4 – 5 giá hao cân. Nuôi trong khoảng 15 – 20 ngày mà bán giá trên 90.000 đồng/kg, trừ hết chi phí mỗi con vẫn cho lãi tiền triệu. Còn hiện giờ, giá heo hơi ở miền Nam và miền Bắc ngang bằng nhau thì không trại nào dám nhập heo nữa.
“Dù giá thị trường trên 90.000 đồng nhưng các trại vẫn “nuôi ủ” giữ heo, giữ càng gần tết thì càng tốt khi giá sẽ còn lên cao”, ông M. nói.
Nguồn cung giảm, đẩy giá heo lên cao
Không chỉ có cánh thương lái “nuôi ủ heo”, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn ở miền Bắc dịp này cũng đủng đỉnh, không vội bán hàng dù heo tại trại đã đạt trọng lượng xuất chuồng. Tiếp tục sắm vai thương lái có nhu cầu gom heo để gọi điện đặt hàng với ông B., phụ trách kinh doanh tại doanh nghiệp chăn nuôi D.B.C, trụ sở tại Bắc Ninh. Theo ông B., trong ngày 16.12, doanh nghiệp này “chỉ có một ít heo hơi” bán tại thị trường Bắc Ninh là 91.000 đồng/kg, còn tại Tuyên Quang là 92.000 đồng/kg. Khi chúng tôi hỏi về số lượng heo đang nuôi trong trại, ông B. nói: “Heo trong trại còn nhiều lắm nhưng vẫn còn bé, hiện giờ mỗi con mới được 100 kg nhưng bán bây giờ thì hơi thiệt, chờ đến 110 kg, sớm cũng phải cuối tuần này mới bán tiếp”.
Trả lời Thanh Niên, ông Giang Văn Q., một thương lái giết mổ, kinh doanh thịt heo tại TT.Văn Giang (H.Văn Giang, Hưng Yên), cho biết rất khó để mua được hàng đúng giá niêm yết từ các doanh nghiệp khi các “đầu cai” đẩy giá tăng cao. Cụ thể, ông Q. dẫn chứng, giá heo hơi trong ngày 16.12 của Công ty chăn nuôi CP miền Bắc là 81.000 đồng/kg nhưng đây là giá bán thẳng trong các “đầu cai” ký hợp đồng thu mua cố định. Khi qua các khâu trung gian, thương lái giết mổ trực tiếp thì giá đã đội lên rất cao. Trong ngày 16.12, ông Q. phải nhập heo hơi dòng hai máu của CP miền Bắc tại TT.Văn Giang là 94.000 đồng/kg, theo đó giá thịt heo mảnh cũng tăng lên 115.000 đồng, tăng 5.000 đồng/kg so với 1 ngày trước.
Có gần 10 năm gắn bó với chợ đầu mối heo quy mô lớn ở miền Bắc, ông Nguyễn Xuân Lộc, Trưởng ban Quản lý chợ gia súc Hà Nam, cho biết chưa khi nào thấy giá heo hơi “căng” như hơn 1 tháng trở lại đây, các kỷ lục về giá liên tục bị xô đổ. Đến nay, giá heo hơi cao nhất đã lên tới 95.000 đồng/kg, thấp nhất cũng trên 90.000 đồng/kg.
Trong ngày 16.12, giá heo hơi cân buôn giao dịch tại chợ này phổ biến trong khoảng 92.000 – 94.000 đồng/kg, còn mua lẻ lên tới 95.000 – 96.000 đồng/kg.
Theo ông Lộc, nguồn cung heo vào chợ trong khoảng hơn 1 tuần trở lại đây sụt giảm mạnh, ngày nhiều nhất thì khoảng 600 – 700 con, còn ngày thường thì khoảng 300 – 400 con, trong khi đó những thời gian cao điểm trước đây mỗi ngày chợ giao dịch 2.000 – 2.500 con.
“Số lượng heo cân tại chợ ít dẫn tới tình trạng khan hàng khiến giá tăng cao. Thứ nhất là do dịch tả lợn châu Phi càn quét heo ở miền Bắc nên còn rất ít. Thứ hai là giá heo hơi ở miền Nam đã cân bằng miền Bắc nên thương lái không còn trung chuyển ra đây. Thứ ba cũng có nguyên nhân thương lái đang trữ hàng, “nuôi ủ heo” chờ dịp tết khi dự báo giá còn lên trên 100.000 đồng/kg”, ông Lộc phân tích.
Bắt giữ gần 3 tấn heo nhập lậu qua biên giới Đồng Tháp
Ngày 17.12, Bộ đội biên phòng Đồng Tháp cho biết trong khoảng 10 ngày qua, lực lượng của đơn vị đã bắt giữ 2 vụ vận chuyển heo lậu từ Campuchia vào Việt Nam.
Khoảng 1 giờ ngày 16.12, Đội kiểm soát hành chính Tân Thành thuộc Đồn biên phòng Thông Bình phối hợp lực lượng chức năng tuần tra tại cụm dân cư Lăng Xăng 3 thuộc ấp Thị, xã Thông Bình, H.Tân Hồng, phát hiện 3 người gồm: Nguyễn Hữu Phúc (51 tuổi, ngụ H.Tân Hồng), Đoàn Văn Lý (48 tuổi) và Phạm Tấn Thanh (29 tuổi, cùng ngụ H.Cao Lãnh, Đồng Tháp) đang dùng xe tự chế vận chuyển trái phép 32 con heo từ Campuchia vào Việt Nam. Qua kiểm tra, số heo này không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, mỗi con nặng khoảng 70 kg, tổng trọng lượng trên 2,2 tấn.
Trước đó, ngày 5.12, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước đã bắt giữ 2 người dùng xe tự chế vận chuyển trái phép 7 con heo với tổng trọng lượng trên 700 kg, từ Campuchia vào Việt Nam.
Đặng Ngọc
PHAN HẬU