10/01/2025

“Loạn” giống lúa dỏm – Kỳ 2: Thiếu chế tài hay chưa mạnh tay?

Trong khi các loại giống giả, nhái thương hiệu và giống kém chất lượng được bày bán công khai và tràn lan, số vụ vi phạm được phát hiện và xử lý tại các địa phương chỉ đếm trên đầu ngón tay, các biện pháp xử lý cũng chưa đủ sức răn đe.

 

“Loạn” giống lúa dỏm – Kỳ 2: Thiếu chế tài hay chưa mạnh tay?

Trong khi các loại giống giả, nhái thương hiệu và giống kém chất lượng được bày bán công khai và tràn lan, số vụ vi phạm được phát hiện và xử lý tại các địa phương chỉ đếm trên đầu ngón tay, các biện pháp xử lý cũng chưa đủ sức răn đe.


 

“Loạn” giống lúa dỏm - Kỳ 2: Thiếu chế tài hay chưa mạnh tay? - Ảnh 1.

Đoàn thanh tra của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật TP Cần Thơ kiểm tra giống “giả” ở địa phương – Ảnh: PHẠM HIẾU

 

Nhiều chuyên gia và nhà sản xuất giống lúa cho rằng ngoài việc bổ sung các biện pháp chế tài, xử lý mạnh tay hơn, các cơ quan chức năng địa phương cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát hiện, xử lý các đơn vị vi phạm, những tổ chức kinh doanh lúa giống giả, nhái thương hiệu, bởi hoạt động của họ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây thiệt hại nặng hiệu quả sản xuất của nông dân nói riêng và nền kinh tế nói chung.

“Chờ được vạ, má đã sưng”

Nói về việc bị vi phạm thương hiệu, ông Lê Hùng Lân – chủ Công ty TNHH hạt giống Hoa Tiên (Q.Gò Vấp, TP.HCM) – ngao ngán cho biết đó là một “chuyện muôn thuở”, xảy ra nhan nhản nhưng điều nguy hiểm là nó gần như trở thành bình thường.

Là tác giả của giống lúa Nàng Hoa 9, ông Lân cũng từng bức xúc với việc bị vi phạm thương hiệu trắng trợn. “Nghiên cứu 5 năm trời mới ra được giống lúa, trầy trật tiếp thị trên thị trường để bà con đón nhận. Và khi bắt đầu có tiếng tăm cũng là lúc bị ăn cắp thương hiệu, làm giả để bán tràn lan” – ông Lân kể.

Giống Nàng Hoa 9 của ông Lân đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu độc quyền và được Bộ NN&PTNT công nhận giống quốc gia. Tuy nhiên, nhiều công ty, doanh nghiệp vẫn thản nhiên dùng các loại lúa rẻ tiền đóng gói bao bì, in tên Nàng Hoa 9 bán tràn lan khắp nơi. Quá bức xúc, một lần ông Lân đã kiện một doanh nghiệp về việc làm giả thương hiệu Nàng Hoa 9.

“Tòa tuyên phạt, tịch thu tang vật của doanh nghiệp đó, nhưng rồi mọi chuyện vẫn thế. Giống Nàng Hoa 9 do tôi sản xuất thơm ngon là vậy, nhưng họ cứ lấy lúa bậy bạ rẻ tiền rồi dán nhãn đem bán khắp nơi. Hiện tại đi đến đâu, từ Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang… đều sờ sờ việc vi phạm thương hiệu của tôi” – ông Lân kể.

Theo các doanh nghiệp, việc vi phạm bản quyền, giả mạo thương hiệu không những gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp mà quan trọng hơn còn khiến thương hiệu bị mất uy tín. “Làm giả siêu lợi nhuận, việc cứ giả tràn lan khiến nhiều người sử dụng cũng tưởng nhầm về chất lượng giống, dễ gây mất uy tín thương hiệu mình”, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh lúa giống nói.

Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, công tác quản lý hay biện pháp xử phạt về vấn đề vi phạm thương hiệu, bản quyền các giống loại thực phẩm hiện nay vẫn như “nước đổ lá môn”. “Hễ mình báo thì họ xử phạt, không thì thôi. Thậm chí nhiều chỗ bị xử phạt rồi bữa sau quay lại vẫn thấy tiếp tục bán loại giả thương hiệu của mình nữa. Riết rồi cũng nản luôn!”, vị giám đốc này nói.

Nông dân dính bẫy lừa

Tại vùng sản xuất lúa – tôm tập trung ở huyện Thới Bình và U Minh (Cà Mau), người dân thường sử dụng giống lúa ST 20 và ST 24, nhiều người cũng sử dụng một số loại giống khác là OM 5451, OM 6162, Cà Mau 1 và 2… Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng sử dụng giống lúa xác nhận, mà chủ yếu lấy “lúa thịt” làm giống hoặc qua các thương lái cung cấp giống.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Thốt Nốt (Cần Thơ) có vùng chuyên sản xuất giống lúa chất lượng nhưng do nhu cầu sử dụng của người dân nhiều nên nguồn cung không đáp ứng đủ, chưa kể vấn nạn cò lúa bắt mối với một số cơ sở không uy tín cung cấp giống lúa và bao tiêu sản phẩm cho bà con địa phương. Do vậy, nhiều nông dân sử dụng hoặc được cung cấp lúa thương phẩm (“lúa thịt”) làm giống để gieo sạ.

Trong khi đó, theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, việc lấy “lúa thịt” làm giống gây nhiều rủi ro, làm suy giảm phẩm chất gạo, giống phân hóa và nhanh thoái hóa, ảnh hưởng đến năng suất. Điều dễ thấy là các giống lúa thơm, lúa có giá trị thương phẩm cao lập tức trở thành nạn nhân của nạn xâm phạm. Dĩ nhiên, các dòng lúa thơm mang thương hiệu ST không nằm ngoài số đó.

Theo ông Hồ Quang Cua – “cha đẻ” giống lúa ST 25, trước khi lọt vào top 3 gạo ngon nhất thế giới, giống lúa “đàn anh” ST 24 cũng bị giả. Theo ông Cua, dù ông chưa bao giờ chuyển giao giống lúa nguyên chủng nhưng những đối tượng này vẫn có lúa giống bán ra thị trường mang nhãn mác ST 24 với giá cao ngất ngưởng. “Điều này chứng tỏ họ lấy lúa thịt để bán lúa giống, lừa gạt nông dân” – ông Cua bức xúc.

Không chỉ có lúa giống, gạo thơm cũng bị giả. Ông cho biết sau khi gạo ST 25 đoạt giải nhất gạo ngon nhất thế giới, không bao lâu sau thị trường tràn ngập gạo ST 25. “Gạo ST 25 đưa ra thị trường hạn chế, nhưng tại TP.HCM tràn ngập gạo ST 25. Gạo này gạo kia bỗng trở thành gạo ST 25. Từ bao bì, nhãn mác bên ngoài cho đến hạt gạo, họ đều làm giả, đánh lừa người tiêu dùng” – ông Cua nói.

Xử lý như ”bắt cóc bỏ đĩa”

Ông Nguyễn Út Em – chi cục phó Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Cà Mau – cho biết để tránh vi phạm bản quyền, các thương lái bán giống cho nông dân chỉ để chung chung là “lúa chất lượng cao”, “lúa sạch chất lượng cao”… chứ không để tên cụ thể và bán lúa giống. Do đó, việc kiểm tra, xử lý những trường hợp này rất khó, nhất là việc cung ứng giống này với tính chất nhỏ lẻ.

Với những trường hợp sử dụng giống lúa trôi nổi như vậy, nếu lúa thương phẩm không đạt chất lượng, nông dân cũng không thể kiện người cung cấp giống. Trên thực tế, địa phương này đã xử lý vài vụ vi phạm bản quyền giống lúa ST 24 nhưng cũng không đến đâu. “Sau khi xử lý, ngoài phạt theo quy định, chi cục thông báo đến các địa phương, khuyến cáo tránh tình trạng vi phạm tương tự” – ông Út Em nói.

Trong khi đó, theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Cần Thơ, để tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và giống cây trồng, cơ quan này thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra các cơ sở, cá nhân kinh doanh các sản phẩm này.

Từ năm 2018 đến nay, qua công tác thanh tra, kiểm tra hơn 70 cơ sở sản xuất và cung cấp lúa giống, cơ quan này đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Chẳng hạn, xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH MTV giống cây trồng BM và Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ Nam Minh Phát về hành vi sản xuất lúa giống không có tên trong danh mục được cấp phép sản xuất và không đạt chất lượng theo yêu cầu.

Cụ thể, 2 cơ sở này bị phạt tổng số tiền 110 triệu đồng; bị tịch thu, tiêu hủy gần 50 tấn lúa giống. Trong đó có giống lúa OM.90 (gần 28 tấn), giống lúa DHT.8 (gần 18 tấn) và 2 tấn giống lúa OM 5451. “Các cơ sở chủ yếu vi phạm nhãn mác và sản xuất giống kém chất lượng, ngoài danh mục cho phép. Vấn nạn này năm nào cũng gặp” – bà Hiếu thừa nhận.

Ông Lương Minh Quyết – giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng – thừa nhận có nhiều trường hợp làm giả giống lúa ST 25, gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. “Đây là hành vi gian lận thương mại, vi phạm pháp luật, cần được xử lý nghiêm. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh kiểm tra, xử lý tới nơi tới chốn các trường hợp vi phạm” – ông Quyết cho biết.

Ông Lê Hùng Lân (chủ Công ty TNHH hạt giống Hoa Tiên, TP.HCM):

Triệt tiêu động lực sáng tạo của doanh nghiệp

Ngoài việc tăng mức xử phạt thật nặng những hành vi vi phạm bản quyền, thương hiệu, cần phải có những hình thức chế tài bổ sung để những người vi phạm thực sự chùn tay, những người có ý định vi phạm thì không dám làm.

Làm sao để việc vi phạm trở thành một tội danh lớn, để người dân ý thức được mà tránh. Bởi những hành vi này gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, xã hội. Đặc biệt, nó làm triệt tiêu việc khuyến khích sáng tạo và không công bằng đối với những công trình đóng góp cho đất nước.

Ông Trần Văn Chuyện (chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng):

Sẽ chỉ đạo xử lý mạnh tay

Chúng tôi đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục pháp lý để giống lúa ST 25 sớm được công nhận là giống cấp quốc gia.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương tăng cường kiểm soát giống giả, giống kém chất lượng, lúa đội lốt lương thực chất lượng cao nhưng lại bán giống như đã xảy ra đối với giống ST 24.

Phải thật sự vào cuộc, xử lý theo quy định pháp luật để bảo vệ thương hiệu, uy tín gạo ST của Sóc Trăng.

 

 

 

S.LÂM – K.TÂM – C.CÔNG – N.HÙNG