28/11/2024

Chậm nhập khẩu thịt heo để hạ nhiệt tăng giá: trách nhiệm của bộ, ngành nào?

Bộ Công thương cho rằng việc nhập khẩu thịt heo trách nhiệm chính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong khi Bộ Nông nghiệp cho rằng cơ quan thú y chỉ kiểm dịch chứ không cấp quota.

 

Chậm nhập khẩu thịt heo để hạ nhiệt tăng giá: trách nhiệm của bộ, ngành nào?

Bộ Công thương cho rằng việc nhập khẩu thịt heo trách nhiệm chính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong khi Bộ Nông nghiệp cho rằng cơ quan thú y chỉ kiểm dịch chứ không cấp quota.


 

Chậm nhập khẩu thịt heo để hạ nhiệt tăng giá: trách nhiệm của bộ, ngành nào? - Ảnh 1.

Hai Bộ Công thương – Nông nghiệp vẫn chưa xác định rõ kế hoạch nhập khẩu thịt heo – Ảnh: TT

 

Trả lời Tuổi Trẻ Online sáng 19-12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến thừa nhận giá heo xuất chuồng tăng lên trên 90.000 đồng/kg do nguồn cung khan hiếm và một phần do heo xuất sang Trung Quốc.

Theo ông Tiến, không chỉ riêng Việt Nam mà giá heo trên thế giới cũng tăng, đặc biệt tại Trung Quốc giá lên 140.000 đồng/kg, có chỗ 200.000 đồng/kg, 300.000 đồng/kg do thiếu nghiêm trọng.

Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, ngành chăn nuôi đã tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Tổng kết năm 2019, tổng thực phẩm tăng hơn 400.000 tấn, một phần để phục vụ tăng trưởng, một phần bù đắp thiếu hụt thịt heo.

Hiện lượng thịt heo tiêu hủy 5,9 triệu con, sản lượng mất tương đương 340.000 tấn. Do đó, ông Tiến cho biết Bộ NN&PTNT đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phó thủ tướng Vương Đình Huệ.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp đồng ý với Bộ Công thương và tổng Cục thống kê là lượng thịt thiếu khoảng 200.000 tấn và cho nhập vào thời điểm thích hợp để đảm bảo lợi ích cho người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Tiến không nêu rõ phương án và thời điểm thích hợp là khi nào để triển khai việc nhập khẩu thịt heo và cho rằng doanh nghiệp không phải xin phép Bộ Nông nghiệp về việc nhập khẩu như Bộ Công thương nêu.

“Việc thủ tục nhập thì hiện không cấp quota như trước đây mà cục Thú y của bộ NN&PTNT chỉ kiểm dịch. Hiện có rất nhiều nước và doanh nghiệp đủ điều kiện để nhập chứ không phải xin phép Bộ Nông nghiệp như Bộ Công thương đã nói. Tại cuộc họp, Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương và tổng cục Thống kê đã giải trình việc đó và Bộ Công thương đã hiểu việc đó” – ông Tiến nói.

Trong khi đó, thông tin được Bộ Công thương đưa ra ngày 17-12 cho hay, 10 tháng đầu năm 2019 lượng thịt nhập khẩu là 96 nghìn tấn, nên chưa thể đủ bù đắp lượng thiếu hụt và chủng loại thịt mà người dân có nhu cầu tiêu dùng. Bộ này cho rằng Bộ NN&PTNT là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm về nhập khẩu thịt heo.

“Để có thông tin chính xác về việc nhập khẩu thịt heo, đề nghị liên hệ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với mặt hàng này” – Bộ Công thương nêu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo của Bộ Công thương cũng cho biết hiện vẫn chưa nhận được phương án nhập khẩu thịt heo từ Bộ NN&PTNT. Cũng bởi trong 24 nước được xuất khẩu thịt chính ngạch vào Việt Nam, không phải tất cả các doanh nghiệp được xuất vào mà chỉ những doanh nghiệp đạt chứng nhận đủ điều kiện mới được xuất khẩu thịt vào Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Công thương dự tính sang tuần tới sẽ có cuộc họp cụ thể bàn phương án nhập khẩu thịt heo để chuẩn bị nguồn cho cuối năm.

Bộ NN&PTNT khẳng định đã gửi báo cáo cho Thủ tướng từ ngày 21-11

Liên quan việc Phó thủ tướng phê bình Bộ Nông nghiệp vì chậm chễ báo cáo Thủ tướng về giá thịt heo, thứ trưởng cho biết, ngày 19-11 văn phòng Chính phủ có văn bản đề nghị báo cáo, ngày 20-11, Bộ Nông nghiệp nhận được công văn và ngày 21-11 đã có báo cáo gửi Thủ tướng. Trong đó đã nhấn mạnh những điểm phó thủ tướng yêu cầu.

 

 

CHÍ TUỆ – NGỌC AN