Sản phẩm Malaysia, gốc Trung Quốc
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy sau 10 tháng năm 2019, lượng sắt thép các loại nhập khẩu về Việt Nam đạt 12,24 triệu tấn có tổng trị giá 8,1 tỉ USD, tăng 7% về lượng so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam 10 tháng qua với 4,64 triệu tấn, trị giá đạt 2,95 tỉ USD. Còn công bố từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy tính đến hết ngày 30.9, nhập khẩu một số sản phẩm thép tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể như thép hình nhập khẩu đạt 304.358 tấn, tăng 50,2% về sản lượng; sản phẩm thép cán nguội nhập 662.509 tấn, tăng 18% về lượng…
Khối lượng và đơn giá nhập khẩu thép hình chữ H từ Công ty thép Alliance Steel vào VN
|
Từ đầu năm 2017, thép hình chữ H nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đã bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG) dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung, mức thuế được áp dụng từ 20,48 – 29,17%. Kết quả điều tra khi đó cho thấy thép hình chữ H từ Trung Quốc vào Việt Nam đã bán phá giá khiến sản xuất của các doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam lao đao. Sau khi thuế CBPG được áp dụng với thép hình Trung Quốc, sản phẩm này vào Việt Nam có xu hướng giảm. Thế nhưng theo ghi nhận của các đại lý và DN, thép hình chữ H nhập khẩu vào Việt Nam từ Malaysia lại tăng đột biến. Trong đó, chủ yếu là sản phẩm từ Nhà máy Alliance Steel ở Malaysia. Nếu như năm 2018, thị phần thép hình chữ H của Alliance Steel chỉ chiếm 0,4% tại thị trường Việt Nam thì ước tính cả năm 2019 sẽ tăng lên gần cả trăm ngàn tấn. Cụ thể, từ tháng 1 – 10.2019, đã có 60.000 tấn thép hình chữ H của Alliance Steel được nhập khẩu vào Việt Nam, và trong tháng 12 này có khoảng 35.000 tấn sẽ được tiếp tục nhập. Số lượng này chiếm gần 30% trong tổng số nhu cầu của thị trường trong nước mỗi năm. Công ty này chỉ mới chính thức bán hàng ra thị trường trong cuối năm 2018 và cũng từ đây lượng thép xuất khẩu vào Việt Nam gia tăng mạnh vì đây là thị trường mục tiêu chính của họ. Đáng chú ý, Nhà máy Alliance Steel tại Malaysia có 100% vốn đầu tư từ Trung Quốc. Các vị trí chủ chốt và hầu hết công nhân tay nghề cao cũng được đưa từ Trung Quốc sang…
Né thuế chống bán phá giá
Các công ty từ Trung Quốc, nhất là sản phẩm thép thời gian qua đã có “chiêu” né thuế CBPG tại nhiều quốc gia, trong đó có việc chuyển đầu tư, di dời nhà máy sang những nước khác hoặc chuyển tải bất hợp pháp, giả xuất xứ…
VN cần phải cảnh giác trước tình trạng này. Đặc biệt các cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra các đối sách ngay khi có dấu hiệu như hàng nhập khẩu gia tăng, có đơn kiện của DN hoặc thậm chí tự quyết định điều tra phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước lẫn quyền lợi của người tiêu dùng.
TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính)
Những năm gần đây, ngành thép Trung Quốc đối diện với tình trạng thừa cung, chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận giảm do giá lao động, các quy định về môi trường và thuế CBPG. Chính phủ Trung Quốc đã quyết định giảm sản lượng thép xuống 100 triệu tấn/năm vào năm 2020 và tích cực hỗ trợ di dời các nhà máy sản xuất thép ra nước ngoài. Điều này cũng nhằm né thuế CBPG tại các nước khác và cả Việt Nam. Ví dụ, Tập đoàn Tsing Shan đã thành lập nhà máy cán nóng thép không gỉ (inox) ở Indonesia. Hay như Nhà máy Alliance Steel thành lập tại Malaysia. Tổ hợp này có năng lực sản xuất khoảng 3 triệu tấn/năm, gồm các sản phẩm là thép thanh, thép cuộn và thép hình. Như vậy sau khi thép hình chữ H có xuất xứ từ Trung Quốc bị áp thuế CBPG thì sản phẩm này từ Malaysia vào Việt Nam có sự gia tăng đột biến.
Ngoài việc sản lượng nhập khẩu gia tăng mạnh, giá thép hình chữ H từ Alliance Steel nhập khẩu vào Việt Nam hiện thấp hơn lên tới 60 USD/tấn so với giá sản xuất ngay tại trong nước. Đó là chưa kể sản phẩm giá thấp còn ẩn chứa nguy cơ chất lượng kém, tạo rủi ro cho người sử dụng.
Ông Đoàn Danh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho rằng khi Việt Nam chưa áp dụng thuế CBPG với thép hình chữ H từ Trung Quốc thì ngành sản xuất trong nước đã rất lao đao, khó khăn chồng chất. Trong khi hiện nay, tình hình nhập khẩu sản phẩm này gia tăng trở lại và xuất phát ở những quốc gia khác, đặc biệt là Malaysia. Lượng nhập khẩu tăng nhưng giá lại giảm cũng tương tự thép hình chữ H từ Trung Quốc trước đây.
“Các DN sản xuất luôn là người theo sát thị trường nên nếu chứng minh được có hiện tượng thép nhập khẩu bán phá giá, lượng tăng đột biến thì có thể nộp đơn khởi kiện CBPG lên Bộ Công thương. Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi của DN, người lao động và cả ngành thép của Việt Nam nói chung. Việc xem xét khởi kiện CBPG là bình thường trong bối cảnh ngành thép nhiều nước cũng đang sử dụng biện pháp này để bảo vệ sản xuất trong nước”, ông Đoàn Danh Tuấn nói.
AN YẾN