Thư viện Trung Quốc đốt sách, dân mạng ví như… thời Tần Thuỷ Hoàng
Bức hình 2 nhân viên thư viện ở tỉnh Cam Túc đốt hàng chục cuốn sách có nội dung tôn giáo, dân chủ theo chủ trương “dọn dẹp sách cấm” đang khiến cộng đồng mạng Trung Quốc cảm thấy kinh hoàng.
Thư viện Trung Quốc đốt sách, dân mạng ví như… thời Tần Thuỷ Hoàng
Bức hình 2 nhân viên thư viện ở tỉnh Cam Túc đốt hàng chục cuốn sách có nội dung tôn giáo, dân chủ theo chủ trương “dọn dẹp sách cấm” đang khiến cộng đồng mạng Trung Quốc cảm thấy kinh hoàng.
Theo báo The Guardian, truyền thông Trung Quốc đưa tin hồi tháng 10, một thư viện ở tỉnh Cam Túc tuyên bố sẽ kiểm tra toàn bộ kho sách để tiêu hủy tất cả những ấn phẩm có nội dung khuyến khích tư tưởng chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Không lâu sau đó, một tấm hình chụp lại cảnh hai nữ nhân viên thư viện đốt 65 quyển sách có nội dung tôn giáo, dân chủ xuất hiện trên Internet.
Tấm hình lập tức gây ra cơn bão chỉ trích và lo sợ trong cộng đồng mạng Trung Quốc. Họ so sánh hành động ghê rợn này với chủ trương đốt sách, chôn học giả thời nhà Tần (năm 221-206 trước Công nguyên).
Năm 213 trước Công nguyên, hoàng đế Tần Thủy Hoàng ra lệnh đốt tất cả sách triết học, thơ văn bị xem là mối đe dọa đối với triều đại của ông ta. Khoảng 460 học giả Nho giáo cũng bị chôn sống bởi vị vua nổi tiếng tàn ác này.
Sốc trước tin này, tờ báo Beijing News của Trung Quốc đăng bài xã luận (hiện đã bị xóa – theo báo Guardian): “Cách một xã hội đối xử với sách là bài kiểm tra thái độ của họ đối với kiến thức và nền văn minh.
Cách hành xử không được phép độc đoán và man rợ. Làm sao chuyện này lại xảy ra? Các bên có liên quan cần phải điều tra và phản hồi trước sự quan tâm của xã hội”.
Đến sáng ngày 9-12, tất cả bình luận, tin tức liên quan đến vụ đốt sách đã bị xóa khỏi các trang web Trung Quốc, bao gồm cả bộ máy tìm kiếm Baidu.
Tuy nhiên, làn sóng chỉ trích vẫn tiếp tục trên các nền tảng mạng xã hội, dư luận yêu cầu Thư viện Cam Túc phải công bố tựa của những quyển sách bị đốt.
“Bỗng dưng lịch sử Trung Quốc quay lại cách đây 2.000 năm. Khi nào đến lượt học giả bị chôn sống?” – một người dùng viết trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
“Thật khủng khiếp. Đây là cuộc Cách mạng văn hóa mới sao?” – một người khác viết. “Đây là điều Đức quốc xã đã làm trong thế kỷ trước. Ngu dốt là sức mạnh” – ý kiến khác nêu so sánh.
Theo báo Taiwan News, nhà sử học Trung Quốc Zhang Lifan cảnh báo chủ trương đốt sách đi ngược lại những bài học rút ra từ cái kết bi kịch của Tần Thủy Hoàng.
Còn theo Đài CNA của Singapore, các học giả nước ngoài thì nghi ngờ vụ việc ở Cam Túc liên quan đến một chỉ đạo của Bộ Giáo dục Trung Quốc hồi tháng 10, theo đó họ yêu cầu “dọn dẹp sạch sẽ” các ấn phẩm, tài liệu “bất hợp pháp, lỗi thời” trong thư viện trường học để tạo môi trường “an toàn và lành mạnh cho giáo dục”.
Các trường học Trung Quốc được ra hạn chót là cuối tháng 3-2020 phải báo cáo lên Bộ Giáo dục những gì đã làm theo chỉ đạo. Họ phải báo cáo tên tác giả, nhà xuất bản, số đăng ký ISBN… của tất cả những quyển sách bị rơi vào diện cấm.