10/01/2025

Xăng dầu hút thêm nhà đầu tư ngoại

Vẫn tiếp tục duy trì điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày, nghiên cứu để doanh nghiệp (DN) ngoại được thuận lợi tham gia phân phối xăng dầu, cho mở cột bơm xăng mini ở đô thị đông dân cư…

 

Xăng dầu hút thêm nhà đầu tư ngoại

Vẫn tiếp tục duy trì điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày, nghiên cứu để doanh nghiệp (DN) ngoại được thuận lợi tham gia phân phối xăng dầu, cho mở cột bơm xăng mini ở đô thị đông dân cư…


 

Xăng dầu hút thêm nhà đầu tư ngoại - Ảnh 1.

Khách hàng đổ xăng tại trạm xăng dầu IQ8, Hà Nội – Ảnh: NAM TRẦN

 

Đó là những điểm mới được đưa ra trong dự thảo sửa đổi nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công thương xây dựng. Trước thời điểm đưa ra lấy ý kiến nội bộ lần đầu, ông TRẦN DUY ĐÔNG – vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) – đã chia sẻ riêng với Tuổi Trẻ:

– Từ khi nghị định số 83/2014 có hiệu lực đến nay, kinh doanh xăng dầu đã cơ bản vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, giá xăng dầu trong nước được liên bộ công thương – tài chính điều hành linh hoạt, nhìn chung phù hợp xu hướng biến động của giá thế giới. Nhà nước không phải dùng ngân sách để bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Đã có sự cạnh tranh về giá xăng dầu, người tiêu dùng được hưởng lợi…

Xăng dầu hút thêm nhà đầu tư ngoại - Ảnh 2.

ông TRẦN DUY ĐÔNG – vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước

 

Thí điểm máy bán xăng dầu mini

* Nhưng nghị định 83/2014 được phản ánh có nhiều bất cập. Đâu là lý do chính phải sửa nghị định này, thưa ông?

– Hiện nguồn cung ứng xăng dầu trong nước đã chiếm tới 70-75% với hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn.

Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại FTAs dẫn đến có nhiều mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu khác nhau từ các thị trường, khu vực được hưởng ưu đãi về thuế quan; những thay đổi về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt…

Thực tế này dẫn tới công thức tính giá cơ sở dựa trên số liệu từ nguồn nhập khẩu, các mức thuế hiện hành không còn phù hợp, nên cần phải tính lại công thức tính giá cơ sở.

Ngoài ra, số DN đầu mối và các DN khác tham gia kinh doanh xăng dầu ngày càng tăng. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã có sự thay đổi cũng đặt ra yêu cầu sửa đổi nghị định.

* Có một thực tế là nhiều vùng lõi đô thị lớn rất khó tìm cây xăng để mua. Có cách nào tháo gỡ không, thưa ông?

– Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho vùng sâu, vùng xa hoặc địa bàn quá chật hẹp (tại các thành phố lớn, khu trung tâm, phố cổ không đủ mặt bằng để đầu tư cây xăng), sẽ rà soát xem xét để bổ sung quy định theo hướng cho phép áp dụng thí điểm các máy bán xăng dầu mini (đã được kiểm định an toàn theo quy định).

Hiện mô hình này đang được một số nước áp dụng để bán xăng dầu trong trung tâm thành phố như tại Hàn Quốc. Mọi thành phần kinh tế, cá nhân, tổ chức có nguồn lực và nhu cầu đầu tư loại hình này đều có thể được xem xét cấp phép nếu đáp ứng đủ các điều kiện.

Xăng dầu hút thêm nhà đầu tư ngoại - Ảnh 3.

Mở cửa với vốn ngoại

 

* Nhiều người vẫn cho rằng giá xăng dầu hiện DN vẫn nhìn nhau tăng, giảm. Hướng sửa đổi nghị định 83/2014 có thúc đẩy cạnh tranh và tạo sân chơi bình đẳng cho các DN?

– Việc sửa đổi nghị định 83/2014 sẽ bám sát mục tiêu cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tư nhân… nên sẽ tạo sân chơi bình đẳng giữa DN nhà nước và DN tư nhân, giữa DN lớn và DN nhỏ.

Trong đó, các quy định mới đưa ra vừa nhằm thu hút đầu tư nhưng cũng tránh lãng phí các nguồn lực. Thu hút một phần vốn đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư nhưng trong nước vẫn phải giữ vai trò chi phối.

Theo quy định hiện nay, hai DN sản xuất là lọc dầu Dung Quất và lọc hóa dầu Nghi Sơn sản xuất xăng dầu sau đó bán toàn bộ sản phẩm cho 1 công ty thương mại thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, chứ không tổ chức hệ thống phân phối.

Để bảo đảm an ninh năng lượng, cần xem xét quy định việc dự trữ bắt buộc đối với DN sản xuất xăng dầu.

Hiện các thương nhân sản xuất xăng dầu từ quá trình tái chế rác thải chưa nằm trong quản lý. Do đó sẽ xem xét lại và đưa loại hình này vào đối tượng quản lý.

Xăng dầu hút thêm nhà đầu tư ngoại - Ảnh 4.

Dữ liệu: N.AN – Đồ hoạ: N.KH.

 

* Ông có nói đến thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường, điều này đồng nghĩa thị trường xăng dầu Việt Nam sẽ có sự góp mặt nhiều hơn của các DN ngoại?

– Theo biểu cam kết WTO thì có 4 lĩnh vực Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường liên quan đến phân phối, trong đó có xăng dầu. Nhưng việc ta không cam kết không có nghĩa là không mở cửa.

Thực tế hiện nay đã có nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, góp vốn vào hai công ty lọc hóa dầu lớn nhất nước, mua cổ phần Petrolimex… Nhiều DN trong nước muốn bán cổ phần và nhà đầu tư nước ngoài đòi hỏi được tham gia vào thị trường qua hình thức góp vốn, mua cổ phần…

Quy định hiện nay chưa đầy đủ, không tạo thuận lợi cho quản lý cũng như hoạt động này diễn ra hiệu quả, nên trong nội dung sửa đổi nghị định số 83/2014 cần rà soát và có nội dung quy định cụ thể.

Tôi nhấn mạnh là dù dự thảo đưa ra quy định để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường xăng dầu, đặc biệt ở khâu phân phối bán lẻ, song vẫn phải trên nguyên tắc Nhà nước phải nắm quyền chi phối.

Xăng dầu hút thêm nhà đầu tư ngoại - Ảnh 5.

Mỗi lít xăng dầu bán ra doanh nghiệp vẫn đang được hưởng lợi nhuận định mức. Trong ảnh: người dân đổ xăng tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM – Ảnh: NHẬT THỊNH

 

Không đề cập việc giảm thuế

* Giá thế giới thay đổi liên tục, tại sao Việt Nam vẫn giữ chu kỳ giá 15 ngày. Mức thuế trên giá xăng dầu hiện quá cao, có nên giảm xuống?

– Việc điều hành xăng dầu đang thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa hai bộ tài chính – công thương theo hình thức ban hành thông tư liên tịch. Cách thức này là chưa đúng với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nên tới đây sẽ bỏ hình thức này, nhưng sẽ phân công rõ nhiệm vụ và cơ chế phối hợp giữa hai bộ để xác định rõ trách nhiệm cho từng đơn vị.

Chu kỳ điều hành 15 ngày vẫn sẽ tiếp tục được giữ nguyên trong dự thảo sửa đổi. Nhiều ý kiến cho rằng giá xăng dầu hiện nay đang phải chịu nhiều thuế phí, khiến giá rất cao, và đặt vấn đề sửa trong nghị định này.

Nhưng mức thuế, phí lại nằm ở các quy định khác, nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định này. Thuế, phí cũng để đảm bảo ngân sách nhà nước.

Vì sao doanh nghiệp vẫn được giữ lợi nhuận định mức?

* Cơ chế thị trường mà vẫn cho DN “lợi nhuận định mức” 300 đồng/lít là vô lý? Đã kinh doanh thì phải lời ăn lỗ chịu chứ, thưa ông?

– Việc duy trì lợi nhuận định mức là gắn với quan điểm chỉ đạo về Nhà nước quản lý giá. Có nghĩa là nếu như điều hành xăng dầu mà Nhà nước vẫn quản lý giá thì trong công thức tính giá cơ sở vẫn phải tính các yếu tố cấu thành, trong đó có khoản lợi nhuận định mức này.

Còn khi đã thả nổi theo thị trường, Nhà nước không điều hành giá thì lãi lỗ DN sẽ phải tự chịu và không còn khoản này nữa.

 

Ông TRẦN DUY ĐÔNG:

Minh bạch tiền của dân trong quỹ bình ổn xăng dầu

Tôi khẳng định trong dự thảo sửa đổi nghị định 83 vẫn tiếp tục duy trì quỹ bình ổn và để DN quản lý trên cơ sở mở tài khoản riêng. Tuy nhiên, các quy định mới đưa ra sẽ đặt yêu cầu tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch, cơ chế giám sát rõ hơn.

Đặc biệt, dự thảo sẽ rà soát để sửa đổi, bổ sung cơ chế báo cáo, theo dõi (số dư tài khoản) và có quy định rõ trong chế tài xử lý vi phạm (như thu hồi giấy phép hoạt động) trong trường hợp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không thực hiện việc trích lập, kết chuyển số dư quỹ bình ổn theo quy định.

Đồng thời sẽ có cơ chế rõ hơn trong nghị định trong cách tính lãi suất, nguồn tài chính khi quỹ bị âm. Mục tiêu là nhằm đảm bảo nếu quỹ âm thì DN sẽ dễ tiếp cận vốn hơn và ngân hàng thương mại có cơ chế dễ cho vay hơn.

 

 

NGỌC AN thực hiện