10/01/2025

Thịt nhân tạo: Mỹ – Trung cũng đụng độ

Sau những rủi ro và thiệt hại nặng nề do dịch tả heo châu Phi, hàng loạt startup thịt nhân tạo đã ra đời tại Trung Quốc. Các công ty Mỹ cũng bắt đầu nhắm tới thị trường to lớn này, nơi người dân gần như không thể thiếu thịt trong bữa ăn.

 

Thịt nhân tạo: Mỹ – Trung cũng đụng độ

Sau những rủi ro và thiệt hại nặng nề do dịch tả heo châu Phi, hàng loạt startup thịt nhân tạo đã ra đời tại Trung Quốc. Các công ty Mỹ cũng bắt đầu nhắm tới thị trường to lớn này, nơi người dân gần như không thể thiếu thịt trong bữa ăn.


 

Thịt nhân tạo: Mỹ - Trung cũng đụng độ - Ảnh 1.

Hamburger dùng thịt nhân tạo của Beyond Meat – Ảnh: REUTERS

 

Chúng tôi thiếu tiền, thiếu đội ngũ nghiên cứu vì chỉ mới gia nhập thị trường thịt nhân tạo, nhưng cái mà chúng tôi có thừa là những hiểu biết về nhu cầu và khẩu vị của người Trung Quốc.

Vince Lu (nhà sáng lập Công ty Zhenmeat của Trung Quốc)

Impossible Food, một công ty có trụ sở tại bang California của Mỹ, đã tranh thủ giới thiệu bánh mì kẹp thịt nhân tạo tại một hội chợ thương mại quốc tế ở Thượng Hải (Trung Quốc) hồi tháng trước. 

Công ty này còn cho khách tham quan thưởng thức xíu mại và bánh bao (hai món ăn khoái khẩu của người Trung Quốc) ngay tại gian hàng. 

Tất nhiên tất cả đều làm từ thịt nhân tạo, nhưng việc sử dụng nó trong các món ăn quen thuộc với Trung Quốc cho thấy quyết tâm chiếm lĩnh thị trường của công ty.

Các công ty Trung Quốc không ngồi yên nhìn đối thủ ngoại lấn sân. Theo báo Wall Street Journal, trong đợt Tết Trung thu hồi tháng 9 vừa qua, Công ty Zhenmeat tại Bắc Kinh đã gây chú ý khi bán hàng ngàn bánh trung thu được quảng cáo “có nhân thịt nhưng không phải là thịt”. 

Công ty này chỉ vừa được thành lập hồi tháng 5 năm nay, nhưng đã đặt mục tiêu sẽ đưa được thịt nhân tạo vào các nhà hàng đầu năm sau.

Thịt nhân tạo: Mỹ - Trung cũng đụng độ - Ảnh 3.

Gian hàng thịt nhân tạo của Zhenmeat tại triển lãm xuất nhập khẩu Thượng Hải hồi tháng 11 – Ảnh: REUTERS

 

Cuộc đua song mã

Thực tế là hơn một nửa tổng đàn heo Trung Quốc đã chết hoặc bị tiêu hủy trong đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua, khiến nhu cầu thịt tại thị trường đông dân nhất thế giới tăng đột biến, đẩy giá thịt heo, thịt bò và gia cầm lên cao ngất ngưởng. Trước tình cảnh đó, các quan chức Trung Quốc đã phải lên tiếng kêu gọi người dân thử các loại thịt nhân tạo có mùi vị “y như thịt thật”.

Giới kinh doanh gần đây đã hướng đến thị trường “thịt chay” đầy tiềm năng, khi số người tránh ăn thịt động vật ngày càng tăng lên. Cơ hội bất ngờ đến từ thị trường Trung Quốc càng thêm thu hút họ. 

Beyond Meat, một công ty đặt tại Los Angeles (Mỹ), cũng lên kế hoạch tiếp cận thị trường Trung Quốc vào năm sau và mở nhà máy trong cùng năm. Để tạo ra những miếng thịt tươi và còn đỏ rói, công ty này sử dụng leghemoglobin đậu nành – một chất được xếp vào nhóm phụ gia tạo màu.

Thịt nhân tạo: Mỹ - Trung cũng đụng độ - Ảnh 4.

Sản phẩm thịt nhân tạo của Zhenmeat – Ảnh: REUTERS

 

Thịt nhân tạo có thể được xem như một loại “thịt cho người ăn chay”, được tạo ra từ đạm thực vật và dầu dừa nên không cần tốn công chăm sóc hay sợ bị dịch bệnh và tốn tiền tiêm thuốc như nuôi heo. Các công ty Trung Quốc tin rằng họ có lợi thế hơn đối thủ đến từ Mỹ vì hiểu rõ nhu cầu và khẩu vị của người Trung Quốc.

Một hội thảo gần đây tại Trung Quốc về thịt nhân tạo đã thu hút hàng chục startup như Zhenmeat cho thấy sự quan tâm và tiềm năng của lĩnh vực này rất lớn. Trung Quốc còn nhiều cái tên lớn khác chuyên sản xuất đồ ăn chay đã nhảy vào trước đó như Green Monday.

Hồi năm ngoái công ty này vừa cho ra mắt thịt heo nhân tạo OmniPork, đến năm nay nó đã có mặt tại hơn 75 nhà hàng trải dài trên 10 thành phố của Trung Quốc.

Thịt nhân tạo: Mỹ - Trung cũng đụng độ - Ảnh 5.

Sản phẩm thịt nhân tạo của Zhenmeat làm từ thực vật – Ảnh: REUTERS

 

“Thịt giả” gặp khó ở Mỹ

Phần lớn người Trung Quốc có truyền thống ăn chay vào những ngày lễ Phật giáo, các ngày rằm, đầu tháng và cuối tháng âm lịch. Điều đó có nghĩa họ không lạ lẫm với các loại “thịt giả” làm từ thực vật, khác với Mỹ – nơi đang có một cuộc tranh luận dữ dội giữa những nhà sản xuất thịt nhân tạo và nông dân. 

Những công ty như Beyond Meat, Impossible Food đối mặt với những đơn kiện từ hiệp hội chăn nuôi và giết mổ thịt ở Mỹ, đôi khi còn bị đối thủ công kích rằng các sản phẩm thịt từ thực vật chẳng khác gì… thức ăn cho chó.

Các công ty Trung Quốc thì ngược lại. Không chỉ có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính quyền trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ đến từ Mỹ, các công ty này cũng có chi phí sản xuất thấp và không vấp phải nhiều rào cản pháp lý như đối thủ ở Mỹ.

Mặc dù vậy, có một vấn đề khiến các quan chức Trung Quốc băn khoăn nếu đẩy mạnh thịt nhân tạo, đó là người dân nước này thường đánh đồng việc thiếu thịt thật với những khó khăn của nền kinh tế, theo báo Wall Street Journal. 

Để trấn an, chính quyền Bắc Kinh tập trung chỉ ra những ưu điểm của thịt nhân tạo và các hệ lụy từ việc ăn thịt thật quá nhiều như béo phì và tiểu đường, bên cạnh cam kết sẽ luôn có đủ thịt cho tất cả mọi người.

 

 

BẢO DUY