12/01/2025

Hiệp ước vũ khí START mới: Nga sẵn sàng nhưng Mỹ lửng lơ

Tổng thống Putin tuyên bố Nga đã sẵn sàng gia hạn hiệp ước START mới trước cuối năm nay mà không cần điều kiện tiên quyết. Song Mỹ vẫn đang do dự vì muốn một hiệp ước mới kiểm soát được vũ khí hạt nhân Trung Quốc.

 

Hiệp ước vũ khí START mới: Nga sẵn sàng nhưng Mỹ lửng lơ

Tổng thống Putin tuyên bố Nga đã sẵn sàng gia hạn hiệp ước START mới trước cuối năm nay mà không cần điều kiện tiên quyết. Song Mỹ vẫn đang do dự vì muốn một hiệp ước mới kiểm soát được vũ khí hạt nhân Trung Quốc.


 

Hiệp ước vũ khí START mới: Nga sẵn sàng nhưng Mỹ lửng lơ - Ảnh 1.

Chuyên gia Nga và Mỹ theo dõi việc phá hủy tên lửa đạn đạo Pershing-2 của Mỹ – Ảnh: SPUTNIK

 

Sẽ không có bất kỳ công cụ nào hạn chế chạy đua vũ trang, ví dụ như đưa vũ khí lên không gian… Rồi sẽ có vũ khí hạt nhân trên đầu mỗi chúng ta

Tổng thống Nga PUTIN

Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra tuyên bố về gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (viết tắt là START mới) hôm 5-12 trước các nhà lãnh đạo quân sự và quốc phòng Nga. Ông giải thích quyết định trên được đưa ra nhằm xác định “các biện pháp để đối phó với những nguy cơ tiềm ẩn” sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987.

Nga sẵn sàng nhưng Mỹ lửng lơ

Đầu tháng 8-2019, Mỹ và Nga đã chính thức rút khỏi hiệp ước INF. Như vậy chỉ còn duy nhất hiệp ước về cắt giảm vũ khí hạt nhân còn hiệu lực giữa Mỹ và Nga là hiệp ước START mới. Từ lâu Mỹ đã tỏ thái độ “lửng lơ cá vàng”, để ngỏ khả năng gia hạn hiệp ước START mới sau tháng 2-2021, đến nỗi Nga phải sốt ruột. Chính vì vậy, có thể ghi nhận tuyên bố của Tổng thống Putin hôm 5-12 là một quyết định dứt khoát của Nga.

Đầu tháng 6-2019, trong buổi trò chuyện với các chủ bút báo chí quốc tế trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới St. Petersburg, Tổng thống Putin ví von: “Nếu chúng ta không kiểm soát con rồng lửa này, nếu chúng ta để nó thoát khỏi miệng chai, thảm họa sẽ xảy ra trên toàn cầu. Nếu không ai muốn gia hạn, thế thì chúng tôi sẽ không làm”. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đã nói hàng trăm lần rằng chúng tôi đã sẵn sàng… Nhưng đến giờ không ai muốn đàm phán với chúng tôi. Quy trình đàm phán chính thức không được khởi động cho dù đến năm 2021 tất cả sẽ kết thúc”.

Đến ngày 27-11, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đưa ra một đề nghị rất thoáng rằng Nga đã đề nghị Mỹ gia hạn hiệp ước START mới thêm năm năm nữa, hoặc vì lý do gì đó mà Mỹ thấy không phù hợp thì có thể gia hạn trong thời gian ngắn hơn. Nga cảnh báo do không còn đủ thời gian cho hai bên đàm phán một hiệp ước khác, vì vậy cần phải gia hạn hiệp ước START mới.

Muốn kiểm soát vũ khí hạt nhân của Trung Quốc

Các nhà phân tích đánh giá hiệp ước START mới là chốt chặn cuối cùng giúp kìm hãm cuộc chạy đua vũ trang giữa Nga và Mỹ, song từ lâu cả Mỹ và Nga đều đổ lỗi lẫn nhau không thực hiện nghiêm túc hiệp ước. Mỹ tố Nga thay tên lửa đang sử dụng bằng tên lửa mới hiện đại hơn, Nga tố Mỹ không minh bạch trong quá trình thực hiện hiệp ước START mới. Ngoài ra còn có nhiều “vùng xám” như hiệp ước không đề cập đến các loại vũ khí chiến lược mới như tên lửa Avangard hay ngư lôi chiến lược Poseidon do Nga sản xuất.

Trên trang web Sáng kiến về cắt giảm hạt nhân (Pháp), nhà phân tích Solène Vizier nhận định cả Washington lẫn Matxcơva đều mong muốn cơ chế kiểm soát hạt nhân phải bao gồm Trung Quốc. Hai bên đánh giá hiệp ước START mới và hiệp ước INF trước đây không ràng buộc Trung Quốc, vì vậy Trung Quốc có thể phát triển vũ khí hạt nhân thoải mái. Hiện thời rất khó đánh giá số lượng vũ khí hạt nhân Trung Quốc vì nước này không tiết lộ, trong khi Mỹ lo ngại an ninh của các đồng minh Mỹ trong khu vực cũng như quân đội Mỹ ở Nhật và Hàn Quốc bị đe dọa.

Trong bối cảnh Mỹ và Nga chưa tìm được tiếng nói chung, quyết định của Tổng thống Putin về gia hạn hiệp ước START mới thêm năm năm nữa có lẽ là điều cần thiết để có đủ thời gian hình thành một hiệp ước mới về kiểm soát vũ khí hạt nhân bao gồm ba bên Mỹ, Nga và Trung Quốc. Bằng không xuân năm 2021, thế giới sẽ chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt.

Cắt giảm 50% đầu đạn chiến lược

Hiệp ước START mới được ký kết vào ngày 8-4-2010 tại Prague (Cộng hòa Czech) thay thế các hiệp ước về giảm trừ vũ khí hạt nhân chiến lược đã ký kết trước đó. Hiệp ước có hiệu lực ngày 5-2-2011, dự kiến sau 10 năm (tức đến tháng 2-2021) sẽ hết hiệu lực và có thể kéo dài đến năm 2026 nếu hai bên đồng ý.

Hiệp ước START mới quy định Mỹ và Nga phải cắt giảm 50% số đầu đạn hạt nhân chiến lược, hạn chế mỗi bên chỉ được triển khai 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 700 tên lửa gồm tên lửa liên lục địa, tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm và từ máy bay ném bom hạng nặng.

 

 

 

HOÀNG DUY LONG